Tô điểm thêm diện mạo mới giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật 11/01/2010 09:55

Đến ngày 9/1/2010 phần bê tông mặt cầu của nhịp cuối cùng trong tổng số 16 nhịp cầu Hàm Luông đã được hoàn tất, việc căng cáp dự ứng lực ngoài của phần cầu chính cũng kết thúc an toàn...

Đến ngày 9/1/2010 phần bê tông mặt cầu của nhịp cuối cùng trong tổng số 16 nhịp cầu Hàm Luông đã được hoàn tất, việc căng cáp dự ứng lực ngoài của phần cầu chính cũng kết thúc an toàn. Niềm vui thật sự được nhân đôi khi Bộ GTVT và tỉnh Bến Tre quyết định chọn ngày 17/1 làm lễ thông xe kỹ thuật, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi.

Hàm Luông lập 3 kỉ lục mới

Ông Nguyễn Thành Nam - Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 vui mừng cho biết: Hiện dự án đang thảm bê tông nhựa nóng hạt trung mặt cầu để kịp cho thông xe kỹ thuật ngày 17/1/2010, hoàn thành vào cuối tháng 3/2010 và khánh thành vào 30/4 năm nay.

Đây là cây cầu “made in Vietnam” hoàn toàn từ Ban QLDA, tư vấn thiết kế, giám sát đến nhà thầu. Và có thể nói cầu Hàm Luông là công trình đạt được 3 kỉ lục: thứ nhất là kỉ lục về giải phóng mặt bằng (GPMB), công đầu thuộc về quê hương Đồng Khởi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo quyết liệt với thời gian sớm nhất, chỉ trong 4 tháng toàn bộ mặt bằng được bàn giao cho đơn vị thi công.

Thứ hai về mặt kỹ thuật, đây là cây cầu có khẩu độ nhịp (90+(3x150)+90)m đúc hẫng cân bằng 150m lớn nhất Việt Nam hiện nay (lớn hơn cả khẩu độ cầu Thanh Trì), khoang thông thuyền được rộng rãi hơn, an toàn cho tàu bè, công trình giữ được nét mỹ quan hiếm có.

Thứ ba là kỉ lục về tiến độ thi công, để đạt được tiến độ công trình như hiện nay, nhà thầu đã thi công 3 ca liên tục, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, về đích trước 90 ngày so với kế hoạch.

Cứ mỗi tháng một lần, Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức lại có mặt để giao ban ngay tại công trường Hàm Luông, có vướng gì từ phía Ban QLDA, nhà thầu, là tìm cách tháo gỡ ngay. Các kỹ sư của CT Cầu 12 (Cienco1), CT 479 (Cienco4) thi công phần cầu chính tâm sự: Chúng tôi cảm nhận được phải làm hết sức mình vì nếu so với nhiều dự án khác, Hàm Luông gặp thuận lợi về mặt bằng, địa phương rất quan tâm. Hơn nữa sự nhiệt tình, quyết đoán, hết mình vì công việc của lãnh đạo Bộ GTVT tại công trường có tác dụng tiếp thêm tinh thần quyết tâm cho anh em.

Từ Rạch Miễu, Hàm Luông đến Mỹ Lợi

Cách đây vừa tròn một năm (ngày 19/1/2009) cách cầu Hàm Luông không xa trên QL60, cầu Rạch Miễu - cây cầu dây văng đầu tiên do Việt Nam quản lý dự án, thiết kế, giám sát và thi công được đưa vào sử dụng. Chấm dứt bao nhiêu năm trời Bến Tre bị chia cắt bởi các cù lao, kết thúc cảnh đợi phà mòn mỏi kéo dài hàng km để qua sông. Cầu Rạch Miễu là niềm tự hào của những người thợ cầu Việt Nam, tự hào của Bến Tre và ĐBSCL. Từ bờ Tiền Giang nhìn sang phía Bến Tre, cầu Rạch Miễu như dải lụa hồng vắt ngang cồn Thới Sơn dưới những vườn cây trái sum suê.

Chỉ riêng phần cầu dài 2800m, tâm điểm là cầu chính số 1 dài 1800m với chiều cao tháp 106m, thông thuyền 37,5m. Con số tổng mức đầu tư sau điều chỉnh chỉ 1.300 tỷ đồng quả là rất kinh tế và đáng ghi nhận cho ngành cầu Việt Nam. Chất lượng và tính thẩm mỹ của công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao.

Để phát huy hết năng lực khai thác của cầu Rạch Miễu, ngày 17/1/2007 Bộ GTVT và tỉnh Bến Tre tiếp tục cho khởi công cầu Hàm Luông để có thể kết nối giao thông tiểu vùng ĐBSCL, khai thông QL60, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, đưa TP HCM gần hơn với ĐBSCL.

Kỹ sư Lê Mạnh Hùng - Giám sát trưởng công trình cầu Hàm Luông cho biết: Công nghệ đúc hẫng tuy không mới nhưng ở công trình này để giữ ổn định cho nhịp cầu bê tông dài 150m và nặng như thế thì phải vừa làm vừa nghiên cứu từ thực tiễn thi công. Và cuối cùng thì tinh thần sáng tạo - kiên trì - khoa học đã thành công, công trình đạt chất lượng và tính thẩm mỹ cao.

QL60 đã thông suốt, nhưng còn một trục dọc quan trọng khác chia sẻ cho QL1A là QL50 từ TP HCM - Long An - Tiền Giang cũng cần được quan tâm. Cầu Mỹ Lợi trên QL50 đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư từ tháng 2/2009 và tiếp tục giao cho Ban QLDA7 làm đại diện chủ đầu tư vì đã quản lý tốt hai dự án cầu quan trọng trước đó là Rạch Miễu và Hàm Luông.

Trong tình hình ĐBSCL khan hiếm vật liệu cát, đá đủ chuẩn cho bê tông mác cao làm cầu, phần cầu chính Mỹ Lợi sẽ sử dụng 5 nhịp vòm thép giản đơn có chiều dài mỗi nhịp 150m (bằng khẩu độ cầu Hàm Luông). Thiết kế này của TEDI vừa đạt tính thẩm mỹ cao, vừa giảm được đáng kể trọng lượng cho cầu, giải quyết phần nào khan hiếm vật liệu. Dự kiến trong quý II/2010 cầu Mỹ Lợi dài 1394,5m sẽ được khởi công.

Một diện mạo mới cho giao thông ĐBSCL khi tới đây cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Mỹ Lợi thì đường cao tốc TP HCM - Trung Lương thông xe đầu tháng 2/1010, mở ra điều kiện phát triển mọi mặt cho miền Tây - Nam Bộ đầy tiềm năng.


DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải