Tincom Pháp Vân, “vịt trời” bán cho người nhà

Cập nhật 01/11/2013 14:30

Không chỉ hàng trăm khách hàng bên ngoài, nhiều nhân viên Công ty Thăng Long, chủ đầu tư Dự án Tincom Pháp Vân cũng mua phải “vịt trời” của doanh nghiệp này.

Không chỉ hàng trăm khách hàng bên ngoài, nhiều nhân viên Công ty Thăng Long, chủ đầu tư Dự án Tincom Pháp Vân cũng mua phải “vịt trời” của doanh nghiệp này.

Đóng hàng trăm triệu đồng cho CTCP Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long - PV) để được mua căn hộ tại Dự án Tincom Pháp Vân từ năm 2010, nhưng đến nay hàng trăm khách hàng, trong đó có nhiều cựu nhân viên của DN này, phải “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án vẫn đang là bãi cỏ hoang, còn chủ đầu tư thì như “bóng chim tăm cá”.

Sai phạm từ khi khởi công

Tòa soạn vừa nhận được đơn tố cáo của ông Trần Xuân Bắc (Quế Võ - Bắc Ninh) về việc Công ty Thăng Long đã nhận góp vốn của ông số tiền 200 triệu đồng để triển khai Dự án Tincom Pháp Vân từ tháng 4/2010, nhưng đến nay không thực hiện đúng hợp đồng đã ký.

Cụ thể, tháng 10/2009, Công ty Thăng Long được UBND TP. Hà Nội trao quyết định làm chủ đầu tư triển khai Dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà Tincom Pháp Vân tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo phương án đã được phê duyệt, tòa nhà Tincom Pháp Vân sẽ cao 29 tầng nổi với 504 căn hộ có diện tích từ 91 m2 đến 194 m2.

Đến tháng 4/2010, Công ty Thăng Long tiến hành ký hợp đồng góp vốn với ông Bắc. Ông Bắc cho biết, theo hợp đồng góp vốn thì đúng ra ông phải nộp khoảng hơn 600 triệu đồng (30% giá trị căn hộ) ngay sau khi ký hợp đồng, nhưng vì là “người nhà” (ông Bắc lúc đó là cán bộ Ban quản lý dự án của Công ty Thăng Long) nên chỉ phải tạm nộp 200 triệu đồng.

“Không chỉ riêng tôi mà trong Ban có 7 - 8 anh em đều được nộp như vậy”, ông Bắc nói và cho biết, theo cam kết của chủ đầu tư thì đến quý IV/2011 sẽ được nhận nhà.


Nhìn sâu vào trong chỉ thấy vài cọng sắt nhô lên trên mặt đất cỏ mọc um tùm

Thế nhưng, niềm vui của ông Bắc và anh em trong Ban quản lý vì được “ưu ái” kéo dài không lâu, bởi dự án sau khi khởi công đã bị chính quyền địa phương ra quyết định đình chỉ vì chưa có giấy phép xây dựng. Sau khi có được giấy phép, cuối năm 2011, dự án tiếp tục được triển khai cầm chừng cho đến đầu năm 2012 thì dừng hẳn.

Chờ mãi nhưng toàn bộ dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc và ít cọc sắt hoen gỉ, ngày 19/9/2012, ông Bắc đã làm đơn xin thanh lý hợp đồng để rút lại vốn góp.

Tuy nhiên, sau nhiều lần gửi đơn, mãi đến ngày 5/8/2013, Chủ tịch HĐQT Công ty Thăng Long Thang Văn Lương mới ký văn bản chấp nhận xin thoái vốn đầu tư của ông Bắc và cam kết sẽ trả ông Bắc số tiền 200 triệu đồng trong tháng 10/2013.

Tương tự ông Bắc, ông Đinh Quang Hiếu cũng đã góp vốn vào Dự án Tincom Pháp Vân 200 triệu đồng từ tháng 4/2010, trải qua bao cuộc “săn tìm” chủ đầu tư, cuối cùng ông cũng có được 1 “phiếu hẹn” sẽ được “thoái vốn” vào tháng 10/2013.

 “Đen” hơn nữa là ông Hiếu lại còn rủ thêm ông cậu tên Lê Hồng Thanh tham gia góp vốn vào dự án này với mức giá mua lại suất của người khác lên đến hơn 700 triệu đồng cùng gần 100 triệu tiền “chênh”.

Và thất hứa với khách hàng

Trao đổi với phóng viên ngày 31/10, ông Bắc, ông Hiếu và ông Thanh đều bức xúc cho biết vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào của Công ty Thăng Long để đến thanh lý hợp đồng.

 “Mấy ngày nay, tôi liên tục gọi điện thoại cho Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, cả cán bộ marketing và xử lý hợp đồng, nhưng không ai thèm nghe máy”, ông Bắc nói.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Hiếu cho biết, đã tham vấn luật sư về tính pháp lý cũng như trách nhiệm của các bên khi tham gia Dự án Tincom Pháp Vân.

“Nếu chủ đầu tư không giải quyết thỏa đáng quyền lợi thì chúng tôi sẽ xem xét phương án thuê luật sư khởi kiện Công ty Thăng Long ra tòa”, ông Hiếu nói.

Theo tìm hiểu của , không chỉ có ông Bắc và những người trong Ban quản lý dự án bị Công ty Thăng Long huy động vốn mà thông qua nhiều công ty thứ cấp, Công ty Thăng Long còn tiến hành huy động vốn của rất nhiều khách hàng khác.

Điều đặc biệt là những khách hàng này không được ưu ái như “người trong nhà”, nên có người đã phải đóng đến 600 - 700 triệu đồng/căn.

“Mục sở thị” tại công trường Dự án Tincom Pháp Vân sáng 31/10, phóng viên ghi nhận, hiện không có một động thái nào cho thấy có hoạt động xây dựng ở đây.

Toàn công trường được quây tôn kín mít, nhìn sâu vào trong chỉ thấy vài cọng sắt nhô lên trên mặt đất cỏ mọc um tùm, cùng với chiếc cần cẩu lâu không hoạt động nên rỉ sét bám đầy.

 Trao đổi với một người tự nhận là nhân viên bảo vệ hì được biết, Tincom Pháp Vân đã dừng thi công hơn năm nay và không biết khi nào mới khởi động lại. Hỏi đường lên trụ sở Công ty, người này cho địa chỉ tại 360 đường Giải Phóng.

Nhưng tìm đến địa chỉ trên thì không thấy trụ sở Công ty Thăng Long ở đâu.

Nhằm có được thông tin 2 chiều về vấn đề này, chúng tôi đã gọi hàng chục cuộc điện thoại theo số máy di động của lãnh đạo Công ty Thăng Long mà ông Bắc cung cấp, nhưng không thể liên lạc được. Báo sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này khi có thêm tình tiết mới.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư chứng khoán