Tín hiệu vui từ đấu giá đất

Cập nhật 08/01/2015 10:02

Ngày 7/1, UBND TP Hà Nội đã họp triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn TP năm 2015. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh chủ trì cuộc họp.

Ngày 7/1, UBND TP Hà Nội đã họp triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn TP năm 2015. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh chủ trì cuộc họp.

Khởi sắc

Có thể nói, sau nhiều năm thăng trầm theo chuyển biến của thị trường bất động sản (BĐS), năm 2014 được coi là năm khá thành công trong công tác đấu giá QSDĐ. Theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, ngay từ đầu năm 2014, thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi, nhiều phiên đấu giá QSDĐ có số lượng tăng cả về người tham gia đấu giá và quy mô diện tích.

Tính đến ngày 31/12/2014, theo số liệu báo cáo của 18 đơn vị, quận, huyện, thị xã, với diện tích đất tổ chức đấu giá 18,38ha, tổng số tiền đấu giá thu được gần 2.990 tỷ đồng. Trong đó, việc đấu giá quỹ đất do TP quản lý (diện tích trên 5.000m²), có 10 đơn vị đã tổ chức đấu giá diện tích 11ha với số tiền trúng đấu giá 2.073 tỷ đồng, vượt 38% so với kế hoạch. Việc đấu giá quỹ đất do cấp huyện quản lý (diện tích dưới 5.000m²), có 16/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức đấu giá với diện tích 7,38ha, số tiền trúng đấu giá hơn 916 tỷ đồng.

Với các DA có quy hoạch 1/500, có thể cho phép nhà đầu tư không phải xin giấy phép xây dựng. Rút kinh nghiệm nhiều DA đấu giá cách đây 7 – 8 năm vì chưa xây dựng được nên nhiều nhà đầu tư chưa chịu nộp hết tiền.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Trọng Lượng
 

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, do khó khăn về nguồn vốn ngân sách, một số dự án (DA) đấu giá không bố trí kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dẫn đến chậm tiến độ DA. Một số huyện, thị xã chưa được UBND TP phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 hoặc quy hoạch phân khu 1/2.000, ảnh hưởng đến việc xác định địa điểm lập DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đấu giá.

Kỳ vọng năm 2015

Với thành công trong công tác đấu giá QSDĐ năm 2014, năm 2015 được các quận, huyện kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến. Ông Nguyễn Huy Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, trong năm 2015, huyện sẽ cố gắng đấu giá vượt chỉ tiêu TP giao. “Trong năm 2015, các khu đất đấu giá của huyện chủ yếu là đất xen kẹt, vị trí đẹp nằm ngay phía sau khu dân cư. Tuy nhiên, có những nơi mặc dù nằm trong ngõ xóm lại từng được trả giá rất cao. Trước đó, năm 2014, huyện đã tổ chức đấu giá 9 phiên, chưa kể một phiên đấu giá cuối năm 2013 thu tiền trong năm 2014, và tổng số tiền đấu giá QSDĐ thu được trong năm 2014 lên tới 122 tỷ đồng” – ông Đức phấn khởi chia sẻ.
 

Thửa đất tại phường Dương Nội, quận Hà Đông được đấu giá trong năm 2014. Ảnh: Thái San

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, công tác đấu giá QSDĐ là một trong những nhiệm vụ công tác quan trọng, tăng nguồn thu cho ngân sách, vì vậy, các đơn vị, quận, huyện phải quyết tâm. Đây không những là cơ hội cho TP, cho các quận, huyện, không phải chỉ để hoàn thành chỉ tiêu mà còn là cơ hội để làm đẹp hạ tầng, mỹ quan đô thị, nhà cửa xây dựng văn minh hơn. Tuy nhiên, các quận, huyện phải kiên trì theo đuổi mục tiêu không phải đấu giá QSDĐ bằng mọi giá, đây phải là sản phẩm đảm bảo văn minh đô thị, đấu giá phải theo quy hoạch.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng linh động trong việc cấp phép xây dựng. Ở nhiều DA khi giao cho các nhà đầu tư, tiến độ xây dựng rất chậm. Có những lô đất đấu giá chỉ cho xây 40% diện tích đất, tỷ lệ xây dựng như vậy quá thấp nên phải xem xét lại, vừa đảm bảo cảnh quan đô thị, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân trong việc xây dựng.

Quận Long Biên thu được tiền đấu giá QSDĐ nhiều nhất trong năm 2014, gần 673 tỷ đồng (kế hoạch TP giao 200 tỷ đồng). Trong khi đó, quận Hà Đông thu được 369,3 tỷ đồng; huyện Đông Anh: 242,76 tỷ đồng; huyện Mê Linh: 171,5; huyện Thanh Trì: gần 161 tỷ đồng.

Với các khu đất xen kẹt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu giao hết trách nhiệm cho các quận, huyện. Với việc đưa ra giá sàn, theo quy định của luật, UBND TP chịu trách nhiệm cuối cùng. Tuy nhiên, nguyên tắc phải có đơn vị tư vấn độc lập. Nếu có thể, Sở Tài chính giao trách nhiệm cho đơn vị tư vấn, xác định từng khu, trên cơ sở đó áp giá từng DA theo hệ số. “Các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt dần dần cũng hết, các quận, huyện phải chuyển sang đấu giá các DA. Ví dụ, có những DA lớn như ở quận Bắc Từ Liêm, diện tích hơn 80ha, sao vẫn chưa thấy nói gì?” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nêu vấn đề.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT