Ngày 6-5, tại hội thảo “sân golf và xây dựng xanh” do Tổng hội Xây dựng VN tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến góp ý cần làm rõ các loại hình sân golf để có chính sách thuế cho phù hợp, tránh lợi dụng.
Ngày 6-5, tại hội thảo “sân golf và xây dựng xanh” do Tổng hội Xây dựng VN tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến góp ý cần làm rõ các loại hình sân golf để có chính sách thuế cho phù hợp, tránh lợi dụng.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, đến nay đã có 144 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện thuộc địa bàn của 38 tỉnh, TP.
Golf: phụ, bất động sản: chính
Giáo sư Tôn Gia Huyên (Hội Khoa học đất VN) nêu rõ thực trạng quá trình quản lý và phát triển sân golf trong thời gian qua là “có vấn đề”. Hiện cả nước chưa có một quy hoạch tổng thể cho phát triển sân golf. Việc hình thành hệ thống sân golf hiện nay thể hiện tính tự phát rất rõ, phần lớn phụ thuộc “sáng kiến” của nhà đầu tư. Đất dùng làm sân golf thật sự chiếm tỉ lệ thấp hoặc rất thấp trong các dự án sân golf, có nơi chỉ bằng 30% diện tích được cấp, còn lại để xây dựng các công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, biệt thự, khách sạn, du lịch sinh thái, công viên cây xanh, vui chơi giải trí... Do giá thuê đất làm sân golf thấp hơn giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nhiều lần nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản, thu hồi vốn nhanh hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Chu, tổng thư ký Hiệp hội Golf VN, thẳng thắn thừa nhận bản thân sân golf không mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận. Các lợi nhuận chủ yếu dựa vào bất động sản. Chi phí thu từ khách đánh golf và các dịch vụ liên quan nói chung chỉ đủ trang trải chi phí hoạt động. Các sân golf ở xa khu đô thị, không thuận lợi giao thông, không có vị thế đẹp có thể mang đến cho nhà đầu tư mạo hiểm và bất lợi. “Thực chất sân golf là phần tử cấu thành cần thiết trong các dự án nghỉ dưỡng, đô thị và khu công nghiệp. Do vậy cần thiết phải hoán vị lại tên các dự án, không để cho tên sân golf ở vai trò chính mà chỉ là vai trò phụ”- ông Chu nói.
“Bốn không”
Thượng tá Phạm Mạnh Thông, phó trưởng phòng 3 (Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an), cho biết nhiều sân golf “bốn không, một có”. Trong đó, bốn không là: không thực hiện hoặc không tuân thủ đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; không lập hồ sơ, đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại dẫn đến chất thải nguy hại như bao bì phân bón, hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, ăcquy chì, dầu thải... không được quản lý theo đúng quy định; không thu hồi sản phẩm như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải nguy hại đối với trường hợp bắt buộc thu hồi sản phẩm, bao bì đó; không thực hiện chế độ báo cáo hiện trạng môi trường theo quy định, các dự án đều vi phạm việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép. Đối với các dự án đang xây dựng phần lớn đều không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã tiến hành xây dựng. Còn một có là: có vi phạm.
Ông Trần Ngọc Hùng (chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN):
Cảnh giác sân golf gắn với đô thị
Chúng tôi sẽ đề nghị phân biệt rõ các loại hình sân golf: sân golf thuần túy, sân golf gắn với khu đô thị. Cần làm rõ sự khác nhau giữa sân golf gắn với khu đô thị và khu đô thị gắn với sân golf. Nếu khu đô thị đã được quy hoạch cả khu vực và có sân golf thì đấu giá quyền sử dụng đất như là các đô thị bình thường. Phải cảnh giác sân golf gắn với đô thị, tức là lợi dụng diện tích, dự án làm sân golf để hưởng giá thuê đất thấp theo dạng phát triển dự án vào mục đích thể thao nhưng biến một phần đất có giá thuê thấp vào mục đích kinh doanh bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO