Tìm sự đồng thuận: đưa tiền là xong?

Cập nhật 01/10/2013 08:19

Bồi thường tiền một lần chỉ đúng khi người mất đất muốn chuyển nhượng đất. Trường hợp đất đang là sinh kế nuôi sống họ thì không thể áp dụng cơ chế này.

Bồi thường tiền một lần chỉ đúng khi người mất đất muốn chuyển nhượng đất. Trường hợp đất đang là sinh kế nuôi sống họ thì không thể áp dụng cơ chế này.

Dễ trăm lần không dân cũng chịu..

* Có thể nói đất đai  đang là vấn đề nổi cộm nhất trong những vấn đề xã hội hiện nay. Làm thế nào để chính quyền và người dân tìm được sự đồng thuận? Những thay đổi cơ bản của Dự thảo có giải quyết được các tình trạng nêu trên?

Sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân là một yếu tố cần đạt được không chỉ trong vấn đề đất đai mà trong mọi quá trình phát triển đất nước. Tất nhiên trong vấn đề đất đai thì điều này cần đến như một đòi hỏi của điều kiện cần và đủ. Bác Hồ rất hay nhắc đến câu thơ "Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong" như một nguyên lý tiếp cận công việc của người cán bộ. Trong chiến tranh, hình thái chiến tranh chiến tranh nhân dân là một thành tựu của Việt Nam, đã dẫn đất nước bước qua những giai đoạn khó khăn nhất.

Đất đai là yếu tố người dân cần đến nhiều nhất để lo ăn, lo chỗ ở. Sự đồng thuận của dân và chính quyền có thẩm quyền quyết định về đất đai là một yếu tố mang tính nguyên lý để tạo nên bền vững xã hội. Chắc chắn tất cả chúng ta đều biết như vậy nhưng sự đồng thuận này vẫn thiếu hụt trên thực tế. Người dân vẫn có ý niệm trong đầu là chính quyền hay "thân" với các nhà đầu tư kinh tế hơn với dân. Có lẽ cũng một phần vì ưu đãi đầu tư phát triển nhưng cũng có nơi tệ hơn vì lợi ích nhóm.

Nhìn toàn diện vấn đề, cũng có nhiều cách để vừa đầu tư phát triển và vừa đồng thuận được với dân. Cách thức chính là lợi ích từ đầu tư phát triển phải được chia sẻ minh bạch, hợp lý và công bằng. Nếu ai chưa tin điều này thì hãy xuống xã Thanh Văn, huyện Quốc Oai để xem chính quyền xã làm gì để chính quyền với dân luôn là một, trong tất cả mọi việc và trong cả vấn đề đất đai.Ví dụ Thanh Văn này là một minh chứng về tính đồng thuận có thể đạt được trên thực tế nếu chính quyền, người cán bộ thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều ý tưởng về cơ chế tạo đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu nhiều về vấn đề sự tham gia ý kiến của người dân trong nhiều quá trình quản lý. Có lẽ các quy định trong dự thảo luật cũng mới chỉ dừng ở các nguyên tắc chung. Cái cần của người dân khi tham gia phải là các cơ chế rất cụ thể và chính quyền phải thực sự cần tới sự tham gia của người dân. Người dân cần tới sự thực lòng cần dân của chính quyền, cần như hồi chiến tranh cần tới sự tham gia của người dân.

* Vai trò của người dân như thế nào trong việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi với Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng đất đai? Vai trò đó đã được phát huy như thế nào, thưa ông?

Vai trò của người dân cần được xác định cụ thể trong quá trình hình thành các quyết định của Nhà nước về đất đai như quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về công nhận quyền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận lần đầu, v.v. Vai trò của người dân cần cho cả quá trình quản lý như tham gia vào giám sát việc thực thi pháp luật; vào giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; vào giám sát việc sử dụng đất.

Sự tham gia của người dân không nên hiểu là sự tham gia cá thể từng người mà cần hiểu về sức mạnh cộng đồng với ý kiến đa số. Tất nhiên, thực tế cho thấy cũng có những trường hợp người này hay người kia lợi dụng, muốn nhiều hơn cho mình, nhưng ý kiến của đa số trong cộng đồng khi đủ thông tin luôn đạt được sự công bằng, khách quan và trong sáng.

Về sử dụng, người dân với tư cách cộng đồng sử dụng đất là một cơ chế truyền thống về đất làng xã ở nước ta. Cơ chế đất sử dụng chung làng xã cũng là một đặc điểm khác biệt của vấn đề đất đai trong lịch sử của nước ta. Cộng đồng làng xã tồn tại và vượt quan khó khăn cũng vì mối liên kết thông qua đất đai làng xã. Đất làng xã cũng là một cơ chế rất thuận lợi để giải quyết tình trạng nông dân không có đất. Rất tiếc, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không có cơ chế Nhà nước giao đất cho cộng đồng làng xã để sử dụng chung.

Từ một góc nhìn khác về hình thức hợp tác xã nông nghiệp. Trong lịch sử, hợp tác xã bậc cao đã bị thất bại và Nhà nước đã giao đất cho hộ gia đình. Từ đó, mọi người gần như thiếu thiện cảm với thuật ngữ hợp tác xã nông nghiệp, mặc dù Nhà nước vẫn có đường lối phát triển mô hình hợp tác xã. Chúng ta cần nhận thức rõ là sự thất bại trước đây của mô hình hợp tác xã là do mô hình bậc cao mang tính duy ý chí, không phù hợp với trình độ quản lý nên gây ra tiêu cực. Sức mạnh của mô hình hợp tác xã là rất lớn nếu đó là tự nguyện của nông dân, hợp tác xã phải làm được những điều mà cá thể không làm được để mang lại lợi ích bình đẳng cho từng cá thể.



Cuộc khủng hoảng ở Tiên Lãng là một sự kiện điển hình nhất của xung đột từ thu hồi đất đai. Ảnh Vnexpress

Không thể đưa tiền là xong

* Những vấn đề phức tạp xảy ra nhiều ở việc thu hồi đất của người dân, theo ông cơ chế thu hồi và đền bù cho người dân hiện nay đã thỏa đáng chưa? Công tác định giá, áp giá đền bù hiện nay có cần được điều chỉnh? Làm thế nào để cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tìm được sự đồng thuận?

GS Đặng Hùng Võ: Chắc chắn, cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay chưa thỏa đáng. Ngoài chuyện giá chưa phù hợp thị trường, còn nhiều điều bất hợp lý.

Thứ nhất, khái niệm bồi thường và hỗ trợ còn chưa rành mạch. Người nông dân mất đất dẫn tới mất sinh kế, gián đoạn thu nhập; vậy thì phải là bồi thường cho việc mất sinh kế chứ không thể là hỗ trợ mất sinh kế trong một thời gian nhất định. Cơ chế hiện hành còn đưa ra hỗ trợ giá đất đối với đất nông nghiệp trên cùng thửa đất ở hoặc đất nông nghiệp gắn với khu dân cư. Khi đã bồi thường theo giá đất thị trường thì làm gì còn hỗ trợ giá đất nữa.

Thứ hai, chính sách hiện hành quy về cơ chế bồi thường với tư cách đất đai là tài sản và quy tài sản đó thành tiền. Các làm này chỉ đúng với đất ở vì đó là tài sản thực sự. Đất đai với tư cách là tài nguyên bị mất thì cách bồi thường phải khác. Nhà đầu tư lấy đất sản xuất nông nghiệp có khả năng nông nghiệp cao thì phải bóc lớp đất mặt đổ sang chỗ đất có ít khả năng nông nghiệp để phục hồi tài nguyên. Nhà đầu tư lấy đất rừng phải trồng rừng mới ở chỗ khác và chăm sóc cho tới khi bằng với chất lượng rừng bị mất. Đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất bị mất thì ngoài giá trị tài sản, người lấy đất phải bồi thường mọi thiệt hại về sản xuất bị mất cho tới khi người mất đất chuyển được sang nghề nghiệp mới.

Thứ ba, ai có trách nhiệm bồi thường là việc cần xem xét lại. Theo Luật Đất đai 1993, trách nhiệm này thuộc nhà đầu tư. Theo Luật Đất đai 2003, trách nhiệm này thuộc Nhà nước; nhà đầu tư có trách nhiệm xuất tiền thực hiện và được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước. Nhìn lại toàn bộ, có thể nhận ra tính hợp lý khi quy định: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường phần đất đai với tư cách là tài sản; còn nhà đầu tư sẽ sử dụng đất có trách nhiệm bồi thường cho đất đai với tư cách là tài nguyên và tư liệu sản xuất. Như vậy, nhà đầu tư mới chịu khó cần nhắc lấy đất nào cho tiết kiệm. Tiết kiện nhất là lấy đất hoang hóa để thực hiện các dự án đầu tư.

Thứ tư, việc bồi thường, hỗ trợ chỉ theo phương thức bằng tiền một lần là không đủ tính hợp lý so với cuộc sống đòi hỏi. Tất nhiên, pháp luật vẫn nói rằng bồi thường bằng đất cùng loại, nếu không có đất cùng loại thì bồi thường bằng tiền với giá đất sát giá thị trường. Viết như vậy cũng chỉ là lý thuyết vì rất khó tìm đất cùng loại để bồi thường, thực tế là chỉ là bồi thường bằng tiền một lần. Cách thức này dẫn đến ngữ cảnh người mất đất nhận tiền rồi thì đứng ra ngoài cuộc đầu tư phát triển, trong khi ai cũng biết rằng có đất thì mới có dự án đầu tư.

Cách thức bồi thường bằng tiền một lần chỉ đúng khi người mất đất muốn chuyển nhượng đất đang sử dụng. Trường hợp người mất đất không muốn mất đất vì đất đang là sinh kế nuôi sống họ thì không thể áp dụng cơ chế bồi thường bằng tiền một lần, kể cả tiền nhiều cũng không hợp lý. Người mất đất cần được bảo đảm sinh kế sau khi mất đất.

Trên thế giới, người ta đã đưa ra 2 cơ chế được hầu hết các nước áp dụng. Một là cơ chế "chia sẻ lợi ích" lâu dài từ dự án đầu tư với các lợi ích bằng tiền và không bằng tiền cho địa phương, cộng đồng dân cư nơi mất đất và người đã mất đất cho dự án. Cơ chế này thường áp dụng cho các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên có tác động lớn tới cộng đồng địa phương như thủy điện, khai khoáng, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp, v.v. Hai là cơ chế "góp đất và điều chỉnh lại đất đai" được sử dụng trong phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang và phát triển đô thị. Người mất đất được coi như đã góp đất cũ khi chưa có hạ tầng và được nhận một suất đất mới khi đã có hạ tầng với giá trị tương đương theo quy hoạch chi tiết được cộng đồng đồng thuận. Phần đất còn lại theo quy hoạch chưa xây dựng nhà ở hoặc đã xây dựng nhà ở được đem đấu giá để lấy tiền phát triển không gian đô thị.

Hai cơ chế này được coi như những chuẩn mực tiến bộ của quá trình chuyển dịch đất đai để thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa vì đó là các cơ chế đặt người mất đất tại địa phương vào quá trình phát triển, không bắt phải đứng ngoài cuộc. Các tài liệu về 2 cơ chế này đã được giới thiệu cụ thể ở Việt Nam thông qua các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và đề tài khoa học của Viện Kiến trúc, Bộ Xây dựng. Rất tiếc, có các nghiên cứu này chưa đủ sức mạnh làm động tâm các nhà quản lý chịu trách nhiệm hoạch định chính sách.

Kết lại là dự thảo Luật Đất đai sửa đổi phiên bản gần đây nhất vẫn giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành với tinh thần chính là luật hóa Nghị định số 69/2009/NĐ-CP. Cách làm như vậy là không đổi mới và chắc chưa đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.

DiaOcOnline.vn - Theo VietNamnet