Tìm nơi dòng tiền trú ẩn trên thị trường bất động sản

Cập nhật 04/11/2022 13:53

Nguồn vốn vẫn đổ nhiều vào địa ốc ngay cả khi bị kiểm soát chặt đã lý giải thói quen “chọn đất cất tiền”, có chăng thời điểm này thay vì đất nền, dòng tiền tìm đến những phân khúc an toàn hơn như nhà chung cư.

Nguồn vốn vẫn đổ nhiều vào địa ốc ngay cả khi bị kiểm soát chặt đã lý giải thói quen “chọn đất cất tiền”, có chăng thời điểm này thay vì đất nền, dòng tiền tìm đến những phân khúc an toàn hơn như nhà chung cư.

Nhà chung cư đang hút tiền. Ảnh: Dũng Minh

Vay mua nhà ở thực chiếm ưu thế

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 11%, trong đó cho vay lĩnh vực bất động sản tăng 15,7% - cao hơn mức bình quân ngành và chiếm khoảng 20,9% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Việc tín dụng địa ốc tăng trong bối cảnh bị kiểm soát chặt cho thấy sức hút của bất động sản chưa bao giờ giảm, cũng tương tự như cái cách mà lĩnh vực này trở nên hấp dẫn trong mắt khối ngoại, khi trong 9 tháng qua, bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong 21 ngành nghề hút vốn ngoại nhiều nhất, chiếm khoảng 18,5% trong tổng số vốn đầu tư từ 43 nền kinh tế vào Việt Nam.

Là thỏi nam châm hút vốn đầu tư, bất động sản cũng là lĩnh vực có được sự chuyển biến nhiều về chất khi giá trị đầu tư cho các dự án liên tục tăng theo thời gian. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự lớn mạnh của thị trường còn được thể hiện rõ ở quy mô vốn trung bình/dự án. Cụ thể, năm 2018, quy mô vốn trung bình là 54 triệu USD/dự án thì đến năm 2022, con số này tăng lên 64 triệu USD/dự án. Theo ông Tuấn, một điều không thể không nhắc đến trong giai đoạn hiện tại, đó là thành tựu ấn tượng trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài,

Quay trở lại câu chuyện tín dụng bất động sản, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nếu phân tích kỹ số liệu của Ngân hàng Nhà nước sẽ thấy, tín dụng bất động sản tăng chủ yếu phục vụ mục đích vay tự sử dụng, tức là cá nhân, hộ gia đình vay để xây nhà, sửa nhà, mua nhà khi tăng trưởng đến 20,1% - điều này có nghĩa dòng vốn tín dụng đã phần nào hướng đến nhu cầu ở thực như định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể hơn, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối tháng 8/2022 đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng và chiếm 20,9% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đây là tỷ trọng cao nhất từ năm 2019 đến nay. Riêng trong năm 2022, tín dụng bất động sản trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng khá nhanh (15,7%), cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của ngành (9,91%). Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung chủ yếu cho vay mua nhà ở với mức tăng hơn 20,1%; còn tín dụng đầu tư - kinh doanh bất động sản tăng 7,35%. Những thống kê này phần nào cho thấy, người dân vẫn giữ thói quen “cất tiền vào đất” như từ bao đời nay.

Đại diện một chủ đầu tư tại Hà Nội cho hay, nhu cầu nhà ở của người dân luôn ở mức cao, minh chứng là dự án của doanh nghiệp này tại Mỹ Đình cơ bản hoàn thành công tác bán hàng trong thời gian ngắn sau khi mở bán, cho dù thị trường khó khăn.

“Quan trọng là nhu cầu thực về nhà ở của người dân luôn cao, trong khi lượng dự án lại quá ít. Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư cũng coi căn hộ là ‘của để dành’, vừa có thể là tài sản tích lũy, vừa có thể sử dụng hoặc khai thác cho thuê. Cất tiền vào bất động sản vẫn là thói quen khó bỏ của nhiều người”, vị đại diện trên nói.

Còn đại diện một chủ đầu tư khác cho hay, thời gian qua là giai đoạn các nhà đầu tư phải loay hoay “trông giỏ bỏ thóc” khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền điện tử… không còn dễ đem lại lợi nhuận cao như trước.

“Tiền đổ vào bất động sản nhiều nhưng đã có sự thay đổi nhất định trong gu đầu tư. Người có sẵn tiền ngày càng thận trọng hơn khi chủ yếu lựa chọn bỏ tiền vào các sản phẩm gắn với nhu cầu sử dụng thực, thay vì sản phẩm đầu tư đơn thuần như trước”, vị này nói và cho biết thêm, đã có một thời gian dài, các tổ chức tài chính đứng ra huy động vốn cho chủ đầu tư, rồi đến nhà đầu tư thứ cấp cũng dùng vốn vay từ ngân hàng để mua bán bất động sản, tạo nên tình trạng tăng giá ảo. Đây là lý do khiến cơ quan quản lý nhà nước có những động thái “nắn” dòng tiền vào sản xuất - kinh doanh nhằm tạo ra nhiều của cải, vật chất hơn, hỗ trợ xuất nhập khẩu mang về ngoại tệ, từ đó lan tỏa ra các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Hiện tại, chỉ những nhà đầu tư có tiền thật, đầu tư vào sản phẩm gắn với nhu cầu thật mới có thể trụ vững trước những biến động lớn của thị trường.

Nhà chung cư hút tiền
Dòng vốn tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình vay để xây nhà, sửa nhà, mua nhà tăng cao. Ảnh: Dũng Minh

“Kể cả những giai đoạn thị trường địa ốc khó khăn nhất, vẫn có những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội sinh lời. Có điều, khẩu vị đầu tư, khẩu vị rủi ro hiện tại đã khác trước nhiều”, ông Bùi Văn Lộc, Giám đốc Bất động sản 666Land cho hay.

Theo ông Lộc, vẫn là trú ẩn tài sản vào bất động sản, nhưng nhà đầu tư hiện rất đề cao yếu tố an toàn, nên thay vì đầu tư vào những sản phẩm có tính đầu cơ như đất nền, nhiều người đang tìm kiếm các sản phẩm nhà chung cư sắp hoặc đang bàn giao, hoặc chung cư cũ để mua, lý do bởi các sản phẩm này có pháp lý đầy đủ, tính thanh khoản cao và mục đích sử dụng đa dạng.

“Nếu như trước đây, với khoảng 3-4 tỷ đồng, nhiều người sẽ chọn mua đất ven đô chờ tăng giá để bán ra chốt lời thì nay lại khác, người ta chọn chung cư ngay nội đô để cho thuê khi nhu cầu thuê nhà ở những đô thị lớn thường rất cao. Với nhà chung cư, nhu cầu thực luôn rất lớn, nhà đầu tư cũng không phải quá lo lắng về thanh khoản nếu cần bán. Ngoài ra, giá nhà chung cư liên tục tăng những năm qua cũng khiến nhà đầu tư an tâm với sản phẩm này”, ông Lộc phân tích.

Theo thông tin của Bộ Xây dựng, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trên cả nước trong quý III/2022 đạt 51.003 giao dịch thành công (tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP.HCM), tổng lượng giao dịch bằng khoảng 73,8% so với quý liền trước và bằng khoảng 439% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tại miền Bắc có 9.627 giao dịch, miền Trung có 17.425 giao dịch, miền Nam có 23.951 giao dịch. Riêng tại Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công, TP.HCM có 2.144 giao dịch thành công.

Trái ngược với sức nóng của phân khúc chung cư, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng giao dịch đất nền toàn quốc lại giảm mạnh trong quý III/2022 khi đạt 115.129 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý liền trước. Trong đó, miền Bắc có 21.806 giao dịch, miền Trung có 18.789 giao dịch, miền Nam có 74.534 giao dịch.

Trong một diễn biến khác, mới đây, Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ. Theo ông Lộc, dù “mê lực” từ bất động sản là khó cưỡng, nhưng ở thời điểm hiện tại, khi lãi suất tiền gửi liên tục tăng cao, nhiều nhà đầu tư có xu hướng chọn gửi ngân hàng để vừa hưởng lãi suất cao, vừa đảm bảo an toàn nguồn vốn.

DiaOcOnline.vn – Theo ĐTCK