Chỉ tháo gỡ trường hợp nhà, đất phù hợp quy hoạch, không tranh chấp, không vi phạm xây dựng.
Theo thống kê của Sở TN&MT, toàn TP hiện còn khoảng 130.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy, trong đó có gần 35.000 nhà, đất là mua bán bằng giấy viết tay (không được Nhà nước công nhận). Ngày 20-1, Sở TN&MT đã làm việc với các quận/huyện có tình trạng mua bán giấy tay nhiều như Bình Thạnh, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Tân cùng các sở/ngành để cùng tìm cách tháo gỡ.
Nhiều dạng mua bán giấy tay
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thạnh, cho biết toàn quận có khoảng 2.000 nhà ở riêng lẻ mua bán giấy tay sau 1-7-2004. Tuy nhiên, đây chỉ là thống kê dựa theo tờ khai sử dụng đất phi nông nghiệp, thực tế còn rất nhiều. Ở quận Thủ Đức cũng có hơn 3.500 trường hợp và tình trạng này xảy ra khá nhiều ở các quận/huyện vùng ven.
Trên thức tế, nhiều dạng nhà đất mua bán bằng giấy tay xảy ra khá nhiều ở các quận vùng ven. Ảnh: HTD
|
Theo Sở TN&MT, có bốn dạng mua bán giấy tay sau 1-7-2004 (với đất) và 1-7-2006 (với nhà). Thứ nhất, người dân mua đất nông nghiệp bằng giấy tay rồi xây dựng nhà ở. Thứ hai, nhà người dân đã ở, chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) nhưng đã bán giấy tay cho người khác. Thứ ba, đất đã được cấp chủ quyền nhưng chuyển nhượng lại bằng giấy tay.
Trường hợp thứ tư, hiện tồn tại nhiều là mua bán giấy tay các suất tái định cư (TĐC). Điển hình, hơn 2.000 trường hợp tại các dự án TĐC của quận Bình Thạnh, hơn 500 trường hợp tại khu TĐC 66 ha của quận 12. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết các quy định pháp luật hiện hành chưa giải quyết cấp GCN cho các trường hợp trên, dù có nơi người dân đã sinh sống ổn định, lâu dài, không tranh chấp và phù hợp quy hoạch.
Pháp luật đất đai hiện hành chưa quy định rõ
Hiện nay Luật Đất đai chỉ cho phép cấp GCN với các trường hợp trước 1-7-2004 và không nhắc đến các trường hợp mua bán giấy tay sau thời điểm này. Điều 15 Nghị định 84/2007 chỉ quy định không cấp GCN với đất lấn chiếm và đất giao trái thẩm quyền kể từ 1-7-2004, không quy định về việc cấp GCN hay không cho trường hợp mua bán giấy tay.
Nghị định 105/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng chỉ nêu mức phạt với hành vi chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng không đúng thủ tục hành chính, đồng thời chỉ ra các biện pháp khắc phục. Trong đó cũng không chỉ rõ là có cấp giấy hay không sau khi khắc phục xong.
Theo phân tích của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, Luật Đất đai và quy định pháp luật hiện hành không đề cập nhiều đến việc xử lý tình trạng nhà, đất mua bán giấy tay. Ông Nam cân nhắc: “Cần nghiên cứu thật kỹ các quy định pháp luật, tránh trường hợp pháp luật không quy định nhưng khi thực hiện, địa phương tự hiểu là không giải quyết được nên không giải quyết cho dân”.
Xử phạt hành chính và cấp giấy cho dân
Ông Nam nhận định để xảy ra tình trạng mua bán nhà, đất bằng giấy tay trong thời gian qua một phần vì chính sách pháp luật đất đai liên tục thay đổi. Cơ quan quản lý nhà nước chậm trễ trong việc giải quyết cấp giấy cho dân khiến người dân không được thực hiện các quyền lợi chính đáng của họ.
Trước đó, UBND TP đã có nhiều cuộc họp liên quan đến việc giải quyết cấp GCN cho các trường hợp trên. Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, đã giao Sở TN&MT cùng các sở/ngành, quận/huyện nghiên cứu tìm biện pháp tháo gỡ. Hướng nghiên cứu tập trung vào việc xử phạt hành chính, thực hiện các biện pháp khắc phục, nghĩa vụ tài chính và cấp GCN.
Một vấn đề đặt ra là tiền thuế chuyển nhượng sẽ được tính như thế nào và tính cho bên chuyển nhượng hay bên nhận chuyển nhượng? Tại cuộc họp của Sở TN&MT, sở này và các đơn vị dự họp thống nhất bên nhận chuyển nhượng sẽ phải chịu khoản thuế này. Phần xử phạt này sẽ được tính toán thay thế cho thuế chuyển quyền mà chủ nhà đất phải đóng cho Nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước sẽ không bị thất thu vì khi thực hiện các thủ tục cấp GCN thì người dân đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Sở TN&MT cho biết sau cuộc họp, Sở sẽ dự thảo văn bản lấy ý kiến của các sở/ngành, quận/huyện và trình TP xem xét.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật