Tiết kiệm nhà ở giúp dân “tránh ỷ lại Nhà nước”

Cập nhật 06/12/2013 15:41

Mô hình tiết kiệm nhà ở đã được thực hiện thành công tại một số nước trên thế giới, song Việt Nam có áp dụng khả thi khi mặt bằng thu nhập khá thấp?


Với mức sống và điều kiện của phần lớn người lao động ở Việt Nam, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cho cuộc sống hiện tại vốn đã khó khăn thì việc lập kế hoạch tài chính cho tương lại là một việc không được nhiều người tính đến.

Mô hình tiết kiệm nhà ở đã được thực hiện thành công tại một số nước trên thế giới, song Việt Nam có áp dụng khả thi khi mặt bằng thu nhập khá thấp?

"Trách nhiệm lo nhà ở cho người dân là của nhà nước, của toàn xã hội và của chính bản thân mỗi hộ gia đình". Chính sách đó được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhắc lại khá nhiều lần tại hội thảo về mô hình tiết kiệm nhà ở, do Bộ Xây dựng phối hợp với ngân hàng tiết kiệm nhà ở Bausparkasse Schwäbisch Hall (Đức) tổ chức sáng 6/12.

Giúp tránh "ỷ lại"

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, dù là bất kỳ một chính sách, một giải pháp may mô hình nào thì riêng mỗi giải pháp đó không thể là “chiếc đũa thần” có thể giúp người dân có nhà ở một cách dễ dàng được. Do vậy, mô hình tiết kiệm nhà ở dẫu sao cũng chỉ là một trong những giải pháp góp phần biến giấc mơ có nhà của người dân thành hiện thực.

Thống kê đưa ra tại hội thảo cho thấy, từ năm 1775, ngân hàng tiết kiệm nhà ở đầu tiên đã ra đời tại Anh.

Trong khi đó, tại Đức từ những năm 1920, mô hình tiết kiệm nhà ở cũng đã giúp hàng triệu người dân giải quyết được nhu cầu về nhà ở. Theo ông Christian Oestreich (ngân hàng Bausparkasse Schwäbisch Hall), từ năm 1931, ngân hàng tiết kiệm nhà ở đã xuất hiện tại Đức và đến năm 1948 ngân hàng này đã cấp vốn cho khoảng 8 triệu nhà ở xây mới, sửa chữa.

Trong năm 2012, số lượng hợp đồng tiết kiệm nhà ở của 22 ngân hàng có cùng mô hình này tại Đức là khoảng 30 triệu hợp đồng, với tổng giá trị 824,7 tỷ Euro. Với mô hình này, thị trường bất động sản đã tăng trưởng rõ rệt, số lượng nhà ở xây mới, sửa chữa cũng tăng khoảng 5% trong năm 2012.

Tính chung 60 năm qua, các ngân hàng tiết kiệm nhà ở của Đức đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ Euro cho các dự án về nhà ở, giúp khoảng 13 triệu gia đình cải thiện được chỗ ở. Hiện tại Đức, cứ hai gia đình thì có một nhà sở hữu hợp đồng về tiêt kiệm nhà ở. Một số nước khác như Trung Quốc, Cộng hoà Séc, Hungary, Rumania, Slovakia… cũng đã khá thành công vơi mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói tại một số nước hiện nay, nhiều gia đình ngay sau khi sinh con đã lập và ký ngay hợp đồng tiết kiệm nhà ở, để 20 năm sau, khi đứa bé lớn lên là đã có sẵn một căn nhà. Tuy nhiên, với mức sống và điều kiện của phần lớn người lao động ở Việt Nam, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cho cuộc sống hiện tại vốn đã khó khăn thì việc lập kế hoạch tài chính cho tương lại là một việc không được nhiều người tính đến.

Chính vì vậy, theo ông Nam, mô hình tiết kiệm nhà ở dẫu sao cũng chỉ là một trong số nhiều giải pháp mà Nhà nước tính đến để “góp phần lo nhà ở cho dân”. Hơn nữa, việc đề xuất mô hình này, theo ông, là nhằm để người dân tránh tâm lý, tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước trong việc phát triển nhà ở.

Rủi ro thế nào?

Một băn khoăn được TS. Phạm Sỹ Liêm đưa ra là liệu mô hình tiết kiệm nhà ở có khả thi dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân? Hơn nữa, với điều kiện khác biệt về địa lý, về mức sống, thu nhập và cả điều kiện về nhà ở khác nhau hiện nay, khó có thể nói rằng “bắt một người dân tận trên Sơn La đóng tiền vào ngân hàng tiết kiệm để cho một người ở Hà Nội mua nhà”?

Chuyên gia này cũng quan ngại với nhiều vấn đề và nguyên tắc hoạt động của mô hình tiết kiệm nhà ở, trong đó nổi lên là những cam kết về thời hạn, lãi suất… giữa ngân hàng với người gửi - vay tiền.

“Nền kinh tế Việt Nam vốn được biết đến là hay biến động, rủi ro cao, không như một số nước phát triển nên việc người dân gửi tiền vào đây sẽ được đảm bảo như thế nào, khi muốn rút giữa chừng hay tai hoạ giữa chừng thì xử lý như thế nào. Đó là chưa nói lãi suất vay, gửi ở Việt Nam biến động liên hồi”, ông Liêm nói.

Một số chuyên gia quốc tế lẫn trong nước lại lo rằng, tính thiếu ổn định của giá cả bất động sản và lạm phát tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người gửi và vay từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở?

TS. Trần Kim Chung (CIEM) đặt vấn đề, “một gia đình bình thu nhập bình thường hiện nay khoảng 15 triệu đồng/tháng, nếu để dành được 5 triêu đồng thì cũng phải mất 60 tháng mới có thể mua được căn hộ nhỏ 300 triệu đồng. Nhưng lo ngại là 5 năm sau họ có 300 triệu thì giá nhà đã lên 600 triệu đồng/căn rồi thì liệu mô hình tiết kiệm nhà ở có thực sự giải quyết được nhu cầu nhà ở?”.

Giải đáp những băn khoăn trên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, tất cả các vấn đề nảy sinh dự kiến đều phải được tính tới. Quản lý thị trường bất động sản, thị trường ngân hàng như thế nào, Nhà nước phải có trách nhiệm.

Riêng lo ngại về sự trượt giá khi người gửi tiền vào ngân hàng những sau đó không mua nổi căn nhà, Thứ trưởng Nam khẳng định “dù sao có một khoản tiết kiệm vẫn còn hơn là không có khoản nào. Hơn nữa, với mô hình này, nếu một người dân gửi vào ngân hàng 300 triệu thì đương nhiên sẽ được vay thêm 300 triệu khác”.

Theo Thứ trưởng Nam, dự kiến nội dung tiết kiệm nhà ở sẽ được đưa ngay vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và một số điều luật khác để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp đầu tiên của năm tới. Nếu được thông qua, dự kiến đến đầu năm 2017, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ chính thức được triển khai và áp dụng trên phạm vi cả nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Vneconomy