Tiếp tục vụ sai phạm của cao ốc Pacific: Sở Xây dựng có quyền ra lệnh lâp hầm

Cập nhật 26/02/2008 11:00

Về nguyên tắc, cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan đó có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo Nghị định 126, Chánh thanh tra Sở Xây dựng...

Nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền trên không hề có sự giới hạn, ngay cả khi vụ án đã được khởi tố.

Một lãnh đạo VKSND TP.HCM: Chỉ Sở Xây dựng mới có quyền

Việc cho lấp các tầng hầm đào lố phải theo quy trình sau đây: Cơ quan cấp phép xây dựng (ở đây là Sở Xây dựng) phải kiểm tra xem việc thi công công trình có đúng hay không đúng với giấy phép đã cấp. Nếu có vi phạm và xảy ra hậu quả (cụ thể là trụ sở Viện KHXH vùng Nam bộ đã bị sập), cơ quan này phải xác định nguyên nhân có phải do vi phạm xây dựng gây ra hay không.

Để khách quan và có cơ sở xử lý dân sự hay hình sự, cơ quan này phải trưng cầu cơ quan chuyên môn giám định nguyên nhân. Sau khi có kết quả kiểm định, nếu xác định hậu quả của chuyện sập nhà là nghiêm trọng, cơ quan cấp phép xây dựng phải chuyển hồ sơ sang công an điều tra, xử lý.

Bấy giờ, công an phải nhanh chóng kiểm tra hồ sơ kiểm định, thu thập dấu vết hiện trường... và sau khi đã làm xong việc này thì công an sẽ giao lại quyền lấp hay không lấp cho cơ quan cấp phép xây dựng.

Như vậy, thẩm quyền lấp các tầng hầm đào lố là của cơ quan cấp phép xây dựng, phần công an chỉ có thể đề nghị mà thôi, vì pháp luật không giao cho họ chức năng này. Tất nhiên, việc lấp hầm chỉ được thực hiện sau khi đã có kết quả giám định để không gây ảnh hưởng đến công tác điều tra.

Theo thông tin trên báo, ngay sau khi xảy ra sự cố sập nhà, công an có đến hiện trường vụ án nhưng vẫn chưa ra quyết định khởi tố vì chưa xác định hậu quả của việc sập nhà, một dấu hiệu bắt buộc của tội phạm về xây dựng. Cách khác, công an phải chờ kết luận giám định mới có thể quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án. Tôi cho rằng đây là cách làm đúng.

Phía VKSND TP, chúng tôi chưa có văn bản yêu cầu công an khởi tố vụ án nhưng trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi có lưu ý việc này như là một thông tin tố giác tội phạm.

Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng:

Cơ quan hành chính có toàn quyền quyết định

Theo Nghị định 126, thẩm quyền xử phạt các vi phạm của cao ốc Pacific thuộc về Sở Xây dựng. Về nguyên tắc, sở này có quyền ra lệnh lấp các tầng hầm đào lố nhưng do Pacific là công trình lớn, ảnh hưởng đến nhiều công trình lân cận nên Sở có thể chuyển giao quyền này cho UBND TP.

Thẩm quyền trên không có gì khác biệt trong trường hợp cơ quan công an đã có quyết định khởi tố vụ án. Cơ quan hành chính hoàn toàn có thẩm quyền ra lệnh lấp các tầng hầm mà không cần phải đợi lệnh của cơ quan công an.

Một chuyên viên tư pháp tại TP.HCM:

Đó là nhiệm vụ của chánh thanh tra Sở Xây dựng

Về nguyên tắc, cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt thì cơ quan đó có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo Nghị định 126, Chánh thanh tra Sở Xây dựng có thẩm quyền xử phạt các vi phạm của cao ốc Pacific nên cũng chính chánh thanh tra Sở Xây dựng phải ra lệnh lấp các tầng hầm vi phạm.

Trong vụ việc cụ thể này, do công trình vi phạm quá lớn, chưa hề có tiền lệ, lại gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều công trình khác nên Sở Xây dựng có thể xin ý kiến của UBND TP. Việc xin ý kiến này cũng chỉ là xin ý kiến về đường lối xử lý chứ người quyết định vẫn là chánh thanh tra Sở Xây dựng.

Cần lưu ý, ngay cả khi đã khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra cũng không có thẩm quyền ra lệnh lấp hầm. Vì xử lý hình sự là việc xử lý cá nhân cụ thể, còn xử lý công trình thuộc lĩnh vực hành chính nên cơ quan điều tra không có thẩm quyền.

Theo Pháp Luật TP.HCM