Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý việc quy hoạch Thủ đô phải hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, xứng tầm Thủ đô 1000 năm văn hiến.
Thủ tướng trao đổi với các đại diện của Liên danh Tư vấn PPJ. Ảnh: Đức Tám. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý việc quy hoạch Thủ đô phải hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, xứng tầm Thủ đô 1000 năm văn hiến.
Ngày 21/8, tại buổi làm việc với Liên danh tư vấn Quốc tế PPJ, nghe liên doanh này báo cáo lần 2 Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng chỉ đạo PPJ cần bám sát yêu cầu trên để tiếp tục hoàn thiện đồ án theo hướng lựa chọn mở rộng không gian đô thị Hà Nội theo phương án vừa có đô thị trung tâm, vừa có các đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Quốc Oai, Phú Xuyên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, trong đó không gian chung dành để xây dựng đô thị khoảng 30%, còn 70% là vùng đệm xanh.
Bên cạnh đó phải giữ cho được tất cả sông, hồ và sông chảy qua Hà Nội. Trong phát triển đô thị dứt khoát không phân lô, bán nền; tập trung nâng cấp, bảo tồn trung tâm cũ gắn với bảo tồn các công trình văn hóa vật thể và các giá trị văn hoá phi vật thể, nhất là các công trình trong khu vực cổ, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu PPJ trong khi nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồ án phải chú ý tính kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và các thành phố, địa phương khác; nâng cấp, bảo tồn, tôn tạo các trung tâm đô thị cổ, cũ; làm rõ hơn các phương án xây dựng kết cấu hạ tầng thủ đô như đường bộ, đường sắt, công trình ngầm…đảm bảo tính đồng bộ và hiện đại, đồng thời bỏ phương án phân lũ đã có trước đây.
Trong báo cáo lần 3, PPJ phải trình bày rõ hơn và cụ thể hơn phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ với yêu cầu hiện đại, đảm bảo không ùn tắc và kết nối vùng; xây dựng phương án thoát lũ; làm rõ hơn các khu chức năng như hành chính, đô thị, trung tâm.
Thủ tướng chỉ đạo cùng với việc không cấp phép mới các dự án, Hà Nội tiếp tục rà soát các dự án còn lại trong số hơn 740 dự án đã cấp phép trình Chính phủ. Dự án nào phù hợp với định hướng quy hoạch thì tiếp tục triển khai còn lại phải dừng vì mục tiêu chung, đồng thời huy động các nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông như trục xuyên tâm, đường sắt trên cao, đường sắt ngầm, nâng cấp sân bay Nội Bài và phát triển sân bay mới không nhất thiết trong khu vực trung tâm…
Trên cơ sở tiêu chí quy hoạch xây dựng Thủ đô là phát triển bền vững, Liên danh tư vấn đề xuất 2 phương án quy hoạch. Theo phương án 1, đô thị trung tâm được mở rộng, giảm thiểu mật độ ở các đô thị vệ tinh và trung tâm hành chính quốc gia gần đô thị trung tâm. Phương án 2, đô thị trung tâm mở rộng sẽ tách khỏi đô thị lịch sử bằng vùng đệm xanh và Trung tâm hành chính sẽ cách thành phố lõi 18km về phía Tây.
Liên danh tư vấn cũng đưa ra phương án thứ 3 kết hợp các ưu điểm của phương án 1 và 2, trong đó khu vực đô thị trung tâm sẽ mở rộng về phía Tây, còn Trung tâm hành chính sẽ cách thành phố lõi về phía Tây…
Thường trực Chính phủ và các thành viên dự họp đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để Bộ Xây dựng và Liên danh nhà thầu tư vấn quốc tế bổ sung hoàn thiện báo cáo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội lần 3 trong tháng 9 - 10/2009.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+