Tiền tái định cư "treo", người dân dựng lều trên vùng sạt lở

Cập nhật 06/11/2009 15:10

Cuộc sống của 17 hộ dân với gần 100 nhân khẩu ven biển tại xã Phú Hải (Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện gặp rất nhiều khó khăn...

Cuộc sống của 17 hộ dân với gần 100 nhân khẩu ven biển tại xã Phú Hải (Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà lâm vào cảnh màn trời chiếu đất ở ngay vùng sạt lở do bị "treo" tiền hỗ trợ tái định cư.

Nghe theo cam kết của chính quyền địa phương, nhiều gia đình vay tiền để làm nhà nhưng khi đang xây, chủ nợ không cho vay nữa vì nợ quá lâu, trong khi tiền "hứa" của xã vẫn xa vời.

Nhà cũ đập đi, nhà mới đang dang dở

Trước khi di dời 17 hộ dân ven biển Cự Lại, chính quyền xã ký cam kết với các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng cho người dân mua nợ vật liệu xây nhà và thông báo mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 14,5 triệu đồng từ chương trình định canh, định cư cho người dân vùng sạt lở. Thế nhưng, nhiều nhà dân đến phần hoàn thiện vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.
 

Chị Đặng Thị Búp, gia đình gồm 6 người quay trở lại chen chúc trong túp lều tạm bợ ven vùng sạt lở để trú ẩn.


Do nợ dây dưa quá lâu, đại lý vật liệu xây dựng, chủ nợ, không bán tiếp hàng nên các hộ dân này đành quay ra vùng sạt lở để ở, chịu những nguy cơ ngay trong mùa bão lũ “treo” trên đầu. Một số gia đình khác trú ngụ nhà bà con, anh em. Không có kinh phí, những căn nhà đã thi công lên đến phần mái phải bỏ dở, các gia đình lâm vào cảnh thợ bỏ đi, chủ cửa hàng vật liệu đến đòi nợ....

Nhà mới xây chưa xong, nhà cũ đã dỡ bỏ, giữa muôn trùng cát trắng, gia đình chị Đặng Thị Búp, gồm 6 người, quay lại chen chúc trong túp lều tạm bợ ven vùng sạt lở để ở. Chị Búp buồn rầu nói: “Xã hứa cứ làm đi, lên móng rồi sẽ có tiền. Nhưng sau khi xây đến hai phần ba nhà thì chủ nợ không bán vật liệu nữa và đòi nợ. Hiện, chúng tôi nợ hơn 15 triệu đồng mà không biết bao giờ mới có tiền trả. Cứ nghĩ đi để núp bão, nhưng giờ thì phải đón “bão” thật rồi”.

Không ra "lều" ở, những người trú tạm hàng xóm, họ hàng cũng chịu lắm cảnh phiền hà. Gia đình vợ chồng anh Trần Văn Bét và chị Lê Thị Hường có 7 người, trú ngụ trong nhà người hàng xóm ông Bùi Tiềm hơn 3 tháng nay. Anh Bét nói: “Nhiều lúc cũng bất tiện lắm, đã bốn lần chúng tôi vào xã kêu, nhưng lần nào cũng bảo chờ. Chúng tôi không làm nhà thì họ giục họ hối, nhưng khi làm nhà thì không có tiền để mua vật liệu ”.
 

Ba tháng qua, gia đình anh Trần Văn Bét và chị Lê Thị Hường, 7 người, phải trú tạm trong nhà người hàng xóm vì nhà mới xây dang dở.


Hiểm nguy rình rập

Không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi người dân quay lại vùng sạt lở. Tại cuộc họp mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có kết luận: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng để dân quay về vùng sạt lở thì địa phương đó chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, thực tế tại xã Phú Hải, người dân vẫn chịu nguy cơ từng ngày.

Ông Phan Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, giải thích, công tác hỗ trợ do Chi Cục Phát triển Nông thôn và Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản tỉnh quản lý, phân bổ, nên tiền hỗ trợ không qua khâu trung gian xã.
 

Hàng loạt công trình đang xây dựng dở dang phải dừng lại vì thiếu kinh phí.


Ông Thắng cho biết, năm 2006 có 10 hộ di dời vùng sạt lở cũng bị treo đến hai năm mới hỗ trợ (2006 - 2008). Năm nay, điều này này lập lại với 17 hộ dân. “Thấy lo, chúng tôi nhiều lần điện về Phòng Nông nghiệp huyện, chi cục nhưng không thấy hồi âm”, ông Thắng nói.

Trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Đình Văn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, phân trần, việc để dân quay trở lại vùng sạt lở là trách nhiệm của xã Phú Hải, còn vì sao chậm hỗ trợ là do xã không báo lên kịp thời.

“Chúng tôi không nhận một văn bản, giấy tờ nào của xã, huyện báo cáo về tiến độ để gải ngân cho các hộ vùng sạt lở.Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ 4,5 triệu đồng nguồn chính sách, còn về số tiền thêm thì còn phải chờ kinh phí Trung ương cấp”, ông Văn nói.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt