Tiền đổ vào bất động sản: Ngóng!

Cập nhật 07/07/2014 14:22

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, những luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản hiện nay không những không có đột biến mà thậm chí, một số luồng tiền rất quan trọng mới chỉ ở mức hình dung và chưa có trong thực tiễn cuộc sống.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, những luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản hiện nay không những không có đột biến mà thậm chí, một số luồng tiền rất quan trọng mới chỉ ở mức hình dung và chưa có trong thực tiễn cuộc sống.

Đánh giá những luồng tiền đang đổ vào thị trường BĐS hiện nay, TS Trần Kim Chung và Nguyễn Ngọc Tuấn từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, cho đến nay, luồng tiền từ các hệ thống NHTM vẫn là quan trọng nhất đối với thị trường BĐS với số dư tín dụng tháng 12.2013 là 268.000 tỉ đồng. Do đó với xu hướng lãi suất giảm, lạm phát giảm và các NH đứng trước áp lực tăng tín dụng, khả năng nguồn này tăng lên là rất cao.

Tương tự luồng tiền từ kiều hối cũng có những dấu hiệu khả quan khi năm 2013, Việt Nam nhận 11 tỉ USD kiều hối và khả năng có thể tăng lên 12 tỉ USD trong năm 2014. Đây là một luồng tiền rất hữu hiệu. Song hai chuyên gia trên cho rằng, luồng tiền từ dân cư vẫn là lượng tiền tiềm năng nhất cho thị trường BĐS. Bởi với mức dân số xấp xỉ 90 triệu, nhu cầu BĐS nhà đất cho thị trường Việt Nam vẫn rất cao. Chưa kể, việc chuyển dịch trọng tâm từ NOTM sang NOXH và nhà thương mại giá thấp, giá vừa sẽ tạo ra một nguồn cung khá tốt.

Tuy nhiên, ngoài một số kênh vốn hấp dẫn trên đây, khả năng luồng tiền từ một số kênh khác có thể đổ mạnh vào thị trường BĐS lại được cho là không mấy triển vọng. Ngay với luồng tiền từ hệ thống đầu tư công, dù có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ nhằm tạo ra nguồn tiền cho khu vực đầu tư công, bình diện tổng thể cho thấy nguồn vốn đầu tư công năm 2014 không có gì đột biến.

Các cam kết đầu tư nước ngoài năm 2014 cũng không có chuyển biến đặc biệt với các nguồn tiền vẫn đang ở mức 20 tỉ USD/năm. Cho đến ngày 20.5, tổng lượng vốn FDI của các dự án cấp mới và tăng thêm cũng chỉ đạt hơn 5,5 tỉ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tương tự với luồng tiền từ đầu tư gián tiếp nước ngoài, trước tháng 5.2014, dự kiến sẽ có hàng tỉ USD sẽ vận hành vào thị trường BĐS Việt Nam. Có một lượng tiền lớn có nguồn gốc Trung Quốc quan tâm đến thị trường BĐS, song trong bối cảnh Biển Đông như hiện nay, luồng tiền này có thể sẽ có biến động khó dự đoán.

Thêm một thông tin thiếu tích cực khác chính là khả năng luồng tiền từ thị trường chứng khoán hỗ trợ thị trường BĐS xuống mức thấp với việc Vn-Index suy giảm xuống mức 500. Một lượng tiền trong đó được cho đã chốt lời để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Ở khía cạnh khác, dù thị trường BĐS và kinh doanh BĐS gỡ bỏ được hạn chế cho vay, nhưng do thị trường vẫn trầm lắng nên các Cty tài chính vẫn chưa thực sự chú trọng cho vay đối với thị trường BĐS - hai chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phân tích.

Dẫu vậy, với một số luồng tiền khác như luồng tiền từ các quỹ đầu tư (tín thác) BĐS, hai chuyên gia trên cho rằng, về lâu dài thị trường BĐS có thể sẽ có được một cú hích lớn. Việc các quỹ đầu tư BĐS đến nay vẫn chưa thực sự được hình thành và phát triển là do thị trường BĐS đang trầm lắng và thị trường tài chính cũng không có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, cùng với sự ấm lên của thị trường BĐS và một khi các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ tín thác đầu tư BĐS ra đời, thị trường sẽ có một cú hích lớn và điều này có thể xảy ra trong trung hạn 2-3 năm.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động