Xây trường mới vừa tốn kém vừa vướng đủ thứ tiêu chuẩn nhưng thuê nhà ở làm trường học thì vô tư! “Có quy mô từ hai đến ba tầng, được hoán cải từ nhà ở, che bít bùng bên ngoài và sử dụng lề đường làm chỗ giữ xe”...
Xây trường mới vừa tốn kém vừa vướng đủ thứ tiêu chuẩn nhưng thuê nhà ở làm trường học thì vô tư! “Có quy mô từ hai đến ba tầng, được hoán cải từ nhà ở, che bít bùng bên ngoài và sử dụng lề đường làm chỗ giữ xe” - đó là đặc trưng của nhiều trường ngoại ngữ, cao đẳng và trung cấp dạy nghề tại TP.HCM hiện nay.
Lấy nhà hàng làm chỗ dạy học
Có mặt tại Trường Ngoại ngữ Đông Nam Á nằm ngay mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, chúng tôi bị “choáng” về cơ sở vật chất của trường. Đó là căn nhà gồm một trệt, một lầu, bề ngang khoảng 30 m nhưng chiều sâu chỉ khoảng 4 m. Tầng trệt là nơi để học viên đến đăng ký học, còn trên lầu có hai phòng học, mỗi phòng rộng khoảng 10 m2.
Một nhân viên của trường cho biết mỗi lớp học có 10-15 học viên, trung bình một người chưa được 1 m2. Các phòng học ở đây đều không có cửa sổ, bít bùng và ngột ngạt, cầu thang chỉ đủ cho một người đi, trong khi tìm đỏ mắt cũng không thấy nhà vệ sinh.
Cũng nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, Trường Ngoại ngữ Thần Đồng (gồm ba lầu) là trường dành cho trẻ em 5-14 tuổi, mỗi phòng khoảng 9-10 m2, cầu thang rộng chưa đầy 1 m. Khi chúng tôi hỏi về lối thoát hiểm dành cho các em, một nhân viên cười đáp: “Có mấy khi cháy mà lo!”.
Bên ngoài là trường dạy ngoại ngữ nhưng kết cấu vẫn là nhà ở. (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Văn Nghi, Gò Vấp) Ảnh: L.Giang |
Đoạn đường Lê Quang Định từ ngã tư Nguyễn Văn Đậu đến chợ Gò Vấp hiện có khoảng năm trường dạy tiếng Anh. Quanh ngã tư Hàng Xanh, trên các đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh cũng có gần chục trường dạy ngoại ngữ. Tương tự các nơi khác, dù có quy mô lớn bé, mới cũ khác nhau nhưng điểm chung của đa số các trường này là nhà ở.
Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhiều trường trung cấp dạy nghề dân lập thậm chí còn tệ hơn. Chẳng hạn, Trường Trung cấp tư thục Kinh tế Kỹ thuật Âu Việt trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) là do hai ngôi nhà bốn tầng cũ kỹ liên kết lại, được che khuất sau tấm pano.
Còn Trường Du lịch Tiếp thị quốc tế Hoa Nước trên đường Phan Đăng Lưu tuy nhìn lớn hơn nhưng cũng không che được kết cấu vốn có là một căn nhà ở. Thậm chí Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn còn thuê nhà hàng Vườn Hồng (số 75A Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp) làm điểm dạy học cho hơn 2.000 sinh viên.
Quy chuẩn đầy đủ nhưng thực tế thì...
Đối chiếu với hệ thống tiêu chuẩn xây dựng thì từ trường mầm non, trung học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề đến đại học đều có quy định riêng về thiết kế. Thậm chí quy định này đã được ban hành từ rất lâu. Riêng trường ngoại ngữ được xếp vào nhóm nào thì chưa thấy liệt kê.
Ông Lê Quốc Tuấn, Trưởng phòng Thẩm định dự án Sở Xây dựng, cho biết trường dạy ngoại ngữ không có tiêu chuẩn riêng vì được căn cứ theo cấp học và độ tuổi học sinh, ví dụ dạy cấp mầm non thì áp theo tiêu chuẩn mầm non, dạy cỡ tuổi cấp ba thì theo trường THPT.
Các quy chuẩn đều nói rõ là được áp dụng khi thiết kế xây dựng mới hay cải tạo nhà thành trường. Ví dụ, theo tiêu chuẩn xây dựng 3978:1984, trường THPT phải có sân chơi, bãi tập, vườn thí nghiệm, phòng thực nghiệm...; phòng học có diện tích tối thiểu 48 m2, phải được chiếu sáng tự nhiên, có hệ thống phòng cháy chữa cháy...
Còn theo tiêu chuẩn xây dựng 275:2002, diện tích từng phòng học của trường trung học chuyên nghiệp (trung cấp) căn cứ vào số học sinh. Chẳng hạn phòng từ 100 chỗ thì diện tích mỗi chỗ 1,3 m2; phòng 75-50 chỗ thì mỗi chỗ phải từ 1,5 m2. Ngoài ra còn có quy định về ánh sáng, cây xanh, chiều cao bàn ghế, bục giảng...
Nếu xét theo các quy định này, rất nhiều căn nhà ở đang bị biến thành trường dân lập, tư thục hoặc ngoại ngữ hiện nay không đạt tiêu chuẩn, thậm chí kém quá xa. Theo Quyết định 1466/2008 của Thủ tướng, danh mục những loại hình được khuyến khích xã hội hóa có trường học các cấp, trường cao đẳng, đại học, dạy nghề... Tuy nhiên, các loại hình này vẫn phải đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.
Trước đó, Quyết định số 39/2001 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ: Trong vòng năm năm, trường phải xây dựng cơ sở vật chất theo quy mô, ngành nghề của mình.
Nhưng hiện nay, khi nhà ở được “mông má” thành trường học thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên hầu như không được xem xét. Do vậy, nguy cơ tiềm tàng từ các công trình tập trung đông người nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn như kẹt xe, an toàn cháy nổ, môi trường, lớp học thiếu ánh sáng gây hại sức khỏe học sinh... thể lường trước được!
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Quách Hồng Tuyến khẳng định: “Mỗi loại công trình có thiết kế riêng phù hợp với mục đích sử dụng nên phải được sử dụng đúng công năng. Việc sử dụng nhà ở làm các công trình tập trung đông người như trường học mà không xem xét đến yếu tố công năng, thiết kế là rất đáng lo ngại về độ an toàn của công trình.
Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã ra văn bản chấn chỉnh việc biến các nhà ở trong chung cư thành văn phòng công ty, cơ sở sản xuất. Nhà ở riêng lẻ cũng thế. Hiện Viện Nghiên cứu phát triển TP đang lập đề án cho việc này”.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP