Bộ NN và PTNT vừa tổ chức hội nghị tham khảo ý kiến các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế, thu thập thông tin nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 26/NQ-TƯ về nông nghiệp - nông dân - nông thôn...
Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị tham khảo ý kiến các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế, thu thập thông tin nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 26/NQ-TƯ về nông nghiệp - nông dân - nông thôn (gọi tắt là “tam nông”). Nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến “tam nông” được các chuyên gia đưa ra "mổ xẻ", trong đó có vấn đề tích tụ ruộng đất.
Tích tụ thế nào cho hiệu quả
Một trong những vấn đề đạt được sự đồng thuận của đại diện các tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ là quan điểm tạo dựng thị trường đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn, từ đó tích tụ ruộng đất nhằm hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại. Ông Lã Văn Lý, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Nếu trước đây, khi chia lại ruộng đất để khoán hộ, nông dân đòi hỏi phải có ruộng tốt - ruộng xấu, xa - gần, thấp - cao thì ngày nay, tư tưởng manh mún, nhỏ hẹp đó đã nhường cho ước nguyện mang tính thời đại, cần những diện tích rộng lớn, liền vùng, liền khoảnh để sản xuất hàng hóa".
Thực tế hiện nay ở nước ta có khoảng 11 triệu hộ nông dân, chiếm giữ hơn 12,5 triệu héc-ta đất nông nghiệp (chiếm 57,49% diện tích đất nông nghiệp cả nước). Song theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đang có tới 70 triệu thửa ruộng manh mún, bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 0,7-0,8ha đất canh tác, có tới 7-8 thửa. Ruộng manh mún đã hạn chế việc áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Và nếu cứ để ruộng đất manh mún như hiện nay thì không bao giờ có sản xuất hàng hóa, mà không có vùng sản xuất hàng hóa thì không bao giờ có tiêu thụ theo hợp đồng. Vì thế, theo ông Lý, giải pháp để hình thành tích tụ đất đai, trước hết phải xây dựng thị trường đất đai trong nông nghiệp. "Đất đai dù thuộc sở hữu Nhà nước song vẫn là hàng hóa. Nông dân chính là "doanh nghiệp" ở nông thôn. Họ phải được thỏa thuận với các doanh nghiệp, dịch vụ khác vào kinh doanh trên đất nông nghiệp mà họ đang sản xuất. Họ có quyền được quyết định trong việc chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, cho mượn quyền sử dụng".
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn cho rằng: "Ở nước ta dân số ngày càng phình ra, nên đất đai nông nghiệp trên nhân khẩu ngày càng ít đi, do đó kinh tế tiểu nông ngày càng manh mún. Muốn nâng cao thu nhập cho người nông dân phải định hướng để cho họ tự nguyện sang làm các ngành nghề khác. Vấn đề chỉ là chọn mô hình nào để giảm thiểu "tổn thương" cho nông dân". Ông Tạn cũng cho rằng, có tích tụ ruộng đất mới chuyên môn hóa được sản xuất. Ai không làm nông nghiệp phải nhượng lại đất cho người làm nông nghiệp. Tích tụ ruộng đất đương nhiên phải hình thành những trang trại lớn nhưng không nên "tham to" hàng trăm, hàng nghìn héc-ta. Bởi quy mô trang trại cần phù hợp với trình độ lao động, cơ giới hóa, quản lý của người nông dân.
Ưu tiên hoàn thiện chính sách đất đai
Thạc sỹ Đỗ Đức Đôi, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Thông tin đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, những bất cập trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế là một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong quản lý đất đai hiện nay. Ông Đôi cho rằng, Nhà nước cần có chính sách để nông dân bị thu hồi đất được thụ hưởng mức chênh lệch do "giá cơ hội" đem lại, đồng thời có chính sách ưu đãi đầu tư cho những dự án bán cổ phần ưu đãi cho người bị thu hồi đất. Và chìa khóa pháp lý để thực hiện giải pháp này là việc Nhà nước trao cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất ở.
Song theo kết quả điều tra, nghiên cứu về thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, nông thôn, các hộ gia đình, cá nhân có xu hướng giữ đất, chỉ có 1-2% là muốn chuyển nhượng, cho thuê. Đó là một trong những trở ngại lớn để phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.
Nhiều ý kiến cho rằng, khoa học kỹ thuật dù cung cấp một số giống cây trồng, vật nuôi mới thì cũng khó có thể làm thay đổi cục diện nền nông nghiệp lạc hậu và bộ mặt chậm phát triển của nông thôn Việt Nam. Vì vậy, phải có những chính sách mới, nhất là về đất đai, để làm "thay da đổi thịt" khu vực có tới 2/3 dân số đang sinh sống này. Chính vì vậy, việc tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp, tránh gây "tổn thất" cho nông dân và đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), công tác dồn điền đổi thửa cũng phải phát triển lên một bước mới, nghĩa là phải tích tụ đất đai để sản xuất nông sản hàng hóa. Mặc dù có nhiều ý kiến quan ngại vấn đề tích tụ ruộng đất có thể gây những bất ổn trong xã hội nhưng đây là xu hướng tất yếu và là sự vận động đúng quy luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới