Thuê và cho thuê: Kiếm tiền không khó

Cập nhật 27/06/2014 16:18

Thị trường nhà đất thường nghiệt ngã với những người chưa đủ tích lũy tài chính để tự chủ nơi ở. Nhưng đó lại là mảnh đất màu mỡ cho không ít người may mắn với thời cuộc.

Thị trường nhà đất thường nghiệt ngã với những người chưa đủ tích lũy tài chính để tự chủ nơi ở. Nhưng đó lại là mảnh đất màu mỡ cho không ít người may mắn với thời cuộc.

Thị trường nhà đất thường nghiệt ngã với những người chưa đủ tích lũy tài chính để tự chủ nơi ở. Nguồn: internet

Nhu cầu thuê nhà ở luôn rất đa dạng và phong phú, khả năng tiếp cận cũng như mục đích sử dụng. Đa phần, khách hàng thuê trọ chỉ tập trung vào thuê để ở ngắn hạn, hoặc dài hạn. Thu nhập bấp bênh ở mức đủ chi tiêu đã khó, nên rất nhiều người thuê trọ tìm đến những căn phòng đã có người thuê để “share” (ở chung, chia nhau tiền thuê).

Thắt lưng buộc bụng

Học sinh, sinh viên (HS, SV) chưa làm ra tiền, phụ thuộc vào nguồn chu cấp gia đình, đối tượng còn đi học ở ghế nhà trường đại học, cao đẳng chỉ biết làm sao tiết giảm tối đa chi phí ăn - ở để cân đối cuộc sống. Xếp hàng dài cũng chẳng thể vào ký túc xá (KTX), đi thuê nhà riêng một mình thì khó “gánh” tiền thuê nhà, tiền điện nước. Bên cạnh những nhóm bạn cùng trường, cùng lớp, hoặc đồng hương rủ nhau thuê chung căn chung cư giá khoảng 6-9 triệu đồng/tháng (nhóm 3-5 người), rất nhiều người vẫn ngày ngày lên các diễn đàn cộng đồng đăng tin tìm đối tượng “cùng cảnh ngộ” để thuê chung.

Một SV năm thứ 3, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, vài tháng nữa sẽ chuyển khỏi KTX để tiện cho việc học tập, thi tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên, mất hai tuần đi tìm nhà mà khó quá. Nhà riêng thì giá cao, nhiều bất tiện, giá điện nước không hợp lý. Tìm thuê chung cư còn “mệt” hơn, vì chi phí cao vọt, lại thêm phí dịch vụ, gửi xe, truyền hình cáp... Nếu tìm được căn phòng nào đã có người thuê, vào ở ghép được là tốt nhất.

Một cựu SV Đại học Mỏ Địa chất hiện đang làm tại Viettel than thở, 5 năm đi làm mà vẫn “chui ra chui vào” ở cái nhà cấp 4 lụp xụp gần Công viên Hòa Bình (!) Ngay ngáy lo mất trộm, tiền thuê cứ tăng 2 tháng 1 lần, nên quyết chí “dứt áo ra đi” tìm nơi thuê trọ mới. Tuy nhiên, với mức lương 5 triệu đồng/tháng chưa kể phụ cấp không đáng kể, “khổ chủ” khó lòng chấp nhận bỏ ra trên dưới 2 triệu đồng/tháng (cả điện nước) để vào ở các căn khép kín dạng chung cư mini xung quanh khu vực Hồ Tùng Mậu – Trần Cung, Hoàng Quốc Việt. Sau gần 1 tháng ở nhờ gia đình người bạn thân, người này may mắn tìm được nơi thuê trọ hợp lý: căn phòng 19m2 khép kín tại đường Trần Quốc Hoàn, có giá thuê 2,8 triệu đồng/tháng, ở chung với một người đang đi làm, mỗi người chỉ mất chừng 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Đồng thời, rủi ro từ việc hai người xa lạ ở chung dưới một mái nhà là hiện hữu.

Cần tìm người “share” phòng

Rủi ro thường gặp với người đi “share” phòng là chưa hiểu rõ về xuất xứ, nhân thân cũng như tính cách, thói quen sinh hoạt của “đối tác”. Thậm chí, không ít trường hợp người thuê nhà tự hại mình vì đối tác thuộc thành phần bất hảo xã hội. Mặc dù vậy, đây dần trở thành mốt kinh doanh nhặt tiền lẻ từ các BĐS cho thuê.

Gõ từ khóa “tìm người share phòng tại Hà Nội”, vào trang tìm kiếm google sẽ cho ra 1,4 triệu kết quả trong 0,42 giây. Thôi thì đủ kiểu phòng trọ chờ đối tác: từ nhà thổ cư xây cao tầng, căn chung cư mini khép kín, tới chung cư giá rẻ ở khắp địa bàn từ nội đô tới ngoài vành đai 3 Hà Nội. Giá cho thuê cũng thoải mái dao động từ 2 triệu đồng/tháng, tới 5 triệu đồng/tháng (tùy diện tích và số lượng người cùng thuê). Tìm hiểu, chính những người đang rao “cần người share phòng” đã chuẩn bị kỹ lưỡng như một kế hoạch đầu tư địa ốc thực sự.

Theo chân Hoàng trong vai một người có nhu cầu ở chung tìm tới một căn hộ tầng 3 gần chợ Trương Định, chị Lan – chủ nhân lời đăng tin trên facebook hồ hởi: “May quá, mình ở căn nhà này rất tốt, nhưng chi phí hơi quá tầm. 20m2 ở riêng chủ, có chìa khoá riêng, đi lại tự do, có chỗ để xe thoải mái, có tầng riêng phơi quần áo. Nhà WC khép kín, vòi hoa sen, nóng lạnh, có máy giặt, phòng có ban công... Nếu bạn vào ở chung, mỗi người chỉ mất chưa đầy 900.000 tháng (bao gồm cả tiền thuê nhà, điện nước, nóng lạnh..). Sau một tuần, Hoàng tìm hiểu mới biết chị Lan đã thuê cả 3 tầng nhà (6 căn hộ) từ đầu năm và liên tục đăng tin tìm người thuê, ưu tiên 2-3 người cùng thuê một căn. Cuối cùng, tới căn người này đang ở cũng được “rao” nốt để chia sẻ gánh nặng tài chính (theo chị Lan nói). Vậy là, với tổng cộng 13 triệu đồng/tháng, 6 phòng cho thuê với mức 2,5 triệu đồng/tháng, Lan vừa có chỗ cư trú ổn định, lại vừa được thêm vài triệu đồng mỗi tháng. Cứ đến cuối tháng, với vai trò thay mặt chủ nhà (đứng tên trong hợp đồng thuê với từng căn), người này chỉ việc yên tâm thu tiền thuê của khách dài dài.

Điều cần lưu ý với các nhà đầu tư kiểu này, đó là chỉ khoanh vùng những chủ nhân BĐS thường xuyên vắng mặt tại địa bàn, hoặc đi công tác xa một vài năm mới về thăm nhà cửa. Đã từng có trường hợp chủ nhân bất chợt kiểm tra nhà của mình, khi ấy người đứng ra “thầu” cho thuê các căn phòng lập tức bị cắt hợp đồng thuê và đương nhiên, quyền lợi của các khách hàng thứ cấp cũng “cuốn theo chiều gió”.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh