Một trong những mục tiêu của Luật thuế nhà, đất đang được xây dựng là nhằm góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất.
"Đây là luật thuế có tính chất là thuế tài sản, mọi người có tài sản thì phải đóng thuế". |
Một trong những mục tiêu của Luật thuế nhà, đất đang được xây dựng là nhằm góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, góp ý về dự luật này, một số ý kiến đã quá nặng về đặt mục tiêu chống đầu cơ dẫn đến nhiều quan điểm trái chiều xung quanh cách đánh thuế.
Với tư cách là thành viên ban soạn thảo dự luật, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi quả quyết rằng: Luật thuế nhà, đất không phải là luật thuế chống đầu cơ.
Theo ông Thi, thực tế thì thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn là một thị trường phát triển sơ khai, mọi yếu tố vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, cộng với cách đánh thuế lạc hậu của Pháp lệnh thuế nhà đất đang được xem là “đồng phạm” cho hoạt động đầu cơ, kém minh bạch trên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, nếu được ban hành thì Luật thuế nhà, đất cũng chỉ là góp phần hạn chế đầu cơ, bởi để hạn chế đầu cơ có hiệu quả thì cần phải có sự kết hợp của nhiều công cụ, chính sách khác.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của Luật thuế nhà, đất là làm cho tài sản được minh bạch, tức là làm cho thị trường bất động sản lành mạnh. Từ trước đến nay người ta vẫn cho rằng, mua bán nhà đất chủ yếu là hoạt động chui, bởi nếu một người bán nhà công khai nhưng vẫn phải nộp thuế thì đương nhiên là họ sẽ không đồng ý.
Chính vì vậy, luật thuế này ra đời sẽ tạo nên một sự minh bạch, sòng phẳng, hướng hoạt động mua bán trên thị trường dần trở nên minh bạch, công bằng thông qua cách đánh thuế cụ thể đối với từng đối tượng, hoạt động mua bán cụ thể.
* Nhưng nhiều người cho rằng, với cách đánh thuế và mức thuế khá thấp của dự thảo thì khó có thể hạn chế được đầu cơ, mua bán lòng vòng, thưa ông?
Do việc thay đổi cơ bản căn cứ tính thuế của luật này nên khi thực hiện chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn, nhất là trong việc xác định giá nhà, đất làm căn cứ tính thuế. Hơn nữa, việc thu thuế lũy tiến, đặc biệt là đối với nhà được xác định theo giá tại thời điểm tính thuế là vấn đề mới, trong khi cơ quan quản lý nhà, đất chưa xác định được mỗi hộ gia đình, cá nhân có bao nhiêu nhà, đất nên những hạn chế là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu để quản lý thị trường nhà, đất hiện nay của chúng ta đang phải củng cố rất nhiều. Song, suy cho cùng thì mỗi chính sách sẽ có một vai trò nhất định trong việc quản lý thị trường chặt chẽ, bền vững.
Còn mức thuế suất áp dụng với nhà và đất đều được chúng tôi căn cứ trên những định mức trung bình của xã hội về nhà, đất.
Cụ thể, đối với nhà thì dự kiến trên định mức 37,5m2/người, gấp hai lần chỉ tiêu phấn đấu về diện tích nhà ở bình quân đầu người đến năm 2020 mà Thủ tướng đã phê duyệt, và mỗi hộ bình quân có 4 người.
Theo đó, với diện tích khởi điểm chịu thuế là 150m2 và giá của 1m2 nhà xây dựng mới là 4 triệu đồng/m2 thì giá khởi điểm tính thuế sẽ là 600 triệu đồng.
Còn mức thuế suất đối với đất là 0,03% là mức động viên trung bình của cả nước, được xác định trên cơ sở số liệu thu thuế đối với đất ở theo quy định của Pháp lệnh thuế nhà, đất so với giá đất và diện tích đất của các địa phương.
* Có ý kiến cho rằng, chỉ vì mục tiêu chống đầu cơ mà bắt hàng chục triệu dân nghèo phải đóng thuế là không công bằng, thưa ông?
Hoàn toàn không phải như vậy, bởi đây là luật thuế có tính chất là thuế tài sản. Mọi người có tài sản thì phải đóng thuế. Còn mục tiêu hạn chế đầu cơ chỉ là một trong những mục tiêu của luật thuế này. Tôi xin khẳng định, luật thuế này không phải là luật thuế để chống đầu cơ.
Thực ra, đến thời điểm nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau trong việc đặt mục tiêu chống đầu cơ của luật thuế này. Có ý kiến cho rằng, không nên đặt mục tiêu chống đầu cơ, nhưmg cũng có ý kiến nên đưa nó lên hàng đầu. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định lại, dù được đề cập như thế nào thì luật thuế này cũng chỉ là góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà thôi.
Còn mục tiêu xuyên suốt phải là đảm bảo cả 4 mục tiêu, bao gồm:
Tăng cường quản lý Nhà nước đối với nhà, đất, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Khắc phục những mặt hạn chế của những chính sách thuế nhà, đất hiện hành; nâng cao tính pháp lý của pháp luật hiện hành về thuế nhà, đất trên cơ sở bổ sung mới và kế thừa các quy định còn phù hợp.
Tiếp cận với thông lệ quốc tế về thuế nhà, đất tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế.
Động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất, nhất là những đối tượng sử dụng nhà, đất vượt hạn mức quy định.
* Đối với cách tính thuế nhà, vừa qua Bộ Xây dựng đề xuất không nên đánh thuế theo giá trị mà nên tính thuế theo diện tích nhà. Theo ông, tính theo cách nào sẽ hợp lý, công bằng và hiệu quả hơn?
Ngoài bộ Xây dựng ra thì cũng có một số ý kiến khác đề xuất đánh thuế theo hạn mức diện tích nhà ở, tức là chia cho bình quân đầu khoảng bao nhiêu người/m2 để làm mốc đánh thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế thì hiện nay giá trị giữa một ngôi nhà cấp 4 và một căn biệt thự chênh lệch nhau rất lớn. Nếu đánh theo diện tích thì chắc chắn người thiệt sẽ là những người ở nhà cấp 4, còn những người vốn đã giàu có, nay đánh thuế theo diện tích thì họ lại càng được lợi.
Do đó, cá nhân tôi cũng như ban soạn thảo cho rằng, nên đánh thuế nhà theo giá trị sẽ hợp lý hơn, đảm bảo công bằng hơn và nó cũng góp phần chống đầu cơ nhà hiệu quả hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy