Thực trạng buông lỏng dự án (K2): Chính quyền thiếu trách nhiệm?

Cập nhật 15/09/2014 13:46

Việc sai phạm hàng loạt trong xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh được đại diện tập đoàn này lý giải do vừa làm vừa xin giấy phép vì nghĩ thủ tục xin đơn giản, thấy nơi này làm được nơi khác cũng làm được. Như vậy, có thể thấy việc chính quyền địa phương vô tình hay cố ý buông lỏng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp cố tình sai luật. Và điều này, tiếc thay, lại đang trở nên phổ biến trên cả nước.

Việc sai phạm hàng loạt trong xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh được đại diện tập đoàn này lý giải do vừa làm vừa xin giấy phép vì nghĩ thủ tục xin đơn giản, thấy nơi này làm được nơi khác cũng làm được. Như vậy, có thể thấy việc chính quyền địa phương vô tình hay cố ý buông lỏng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp cố tình sai luật. Và điều này, tiếc thay, lại đang trở nên phổ biến trên cả nước.

>> Thực trạng buông lỏng dự án (K1): Giơ cao đánh khẽ

Có hay không sự tiếp tay?

Tập đoàn Mường Thanh có lẽ là chủ đầu tư tạo nên kỷ lục trên thị trường BĐS khi liên tục sai phạm cùng một nội dung ở nhiều công trình tại nhiều địa phương. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi các chủ đầu tư liên tục lộng hành? Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn đây không phải lần đầu tiên vai trò của chính quyền địa phương được đưa lên để mổ xẻ.

Tại các nghị định 180/2007 và 121/2013, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho chủ tịch UBND từng cấp trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Theo đó, tùy theo hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc lập biên bản đình chỉ thi công, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện đầy đủ với các công trình riêng lẻ của người dân.

Báo cáo mới đây của Thanh tra Xây dựng Hà Nội cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2014, TP đã xử lý hơn 1.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng, trong đó 642 trường hợp xây dựng không phép, 174 xây dựng sai phép. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Bảo, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, những công trình bị xử phạt hầu hết là nhà dân, quy mô nhỏ và nằm ở các huyện ngoại thành. Trong khi đó, hàng loạt dự án lớn ngay ở quận nội đô xây dựng không phép hoặc sai phép lại được tiếp tục cho tồn tại.

Đó là các công trình xây dựng sai phép tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm); dự án NO4B1 của CTCP Phát triển Nhà Từ Liêm (khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy); dự án tòa nhà hỗn hợp của Công ty TNHH Thăng Long (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy); công trình ở 16B Nguyễn Thái Học (phường Yết Kiêu)… Thậm chí có những dự án, người dân đã tố cáo ròng rã hàng năm trời về việc sai phạm đều nhận được câu trả lời vô thưởng vô phạt như đang tiến hành kiểm tra, đang báo cáo tìm hướng xử lý…

Phương cách xử lý yếu ớt, hình thức cả nể và sự bao che của lực lượng thanh tra xây dựng đã khiến doanh nghiệp lờn. Việc dự án khởi công xây dựng trong lúc đang xếp hàng xin giấy phép, thậm chí công trình xây gần xong vẫn chưa có giấy phép diễn ra như cơm bữa. Còn chuyện chủ đầu tư xây vượt quá số tầng quy định đã không còn là xa lạ ở những địa bàn lớn như Hà Nội, TPHCM. Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không thể có chuyện thanh tra hay cơ quan chức năng địa phương không biết, vấn đề là biết nhưng bao che không xử lý hoặc xử lý kiểu hời hợt, không quyết liệt. Bởi doanh nghiệp sẽ không dám động thổ, xây dựng khi chưa được cấp phép nếu không có sự “bật đèn xanh” từ cơ quan quản lý.

Thanh tra kiểu "đầu voi đuôi chuột"

Quay trở lại với câu chuyện của Mường Thanh, tại Cần Thơ, Sở Xây dựng TP này đã giải thích nguyên nhân không đình chỉ thi công, không xử phạt việc xây dựng không phép của chủ đầu tư do mong muốn thu hút đầu tư, đã khiến không ít người ngỡ ngàng.

Thực tế, nhiều năm qua tại hàng loạt địa phương, đa phần là tỉnh nghèo, ít thu hút đầu tư đã “trải chiếu” mời gọi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm tăng thu ngân sách. Ưu đãi hết mức, dành cho các dự án ở những vị trí đắc địa nhất, giản lược những thủ tục trong đầu tư xây dựng, nhân nhượng trước rất nhiều sai phạm…

Và hiện nay, tình trạng này đang lặp lại với cả những công trình có vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp trong nước. Đơn cử TP Cần Thơ hiện đang rất cần khách sạn 5 sao và trung tâm hội nghị cho chuỗi hội nghị quốc tế sẽ tổ chức đầu năm 2016. Đây chính là lý do để việc cấp phép vô tiền khoáng hậu cho khách sạn Mường Thanh Cần Thơ xảy ra: cấp phép theo từng phần, móng riêng, thân riêng. Và khi biết doanh nghiệp cố tình xây phần thân trước khi có phép, TP cũng không có ý kiến bởi chưa thấy việc này ảnh hưởng đến ai (!?).

Hay tại Nghệ An, dự án liên hợp Kinh tế - thương mại - khách sạn - thể thao - chung cư - biệt thự  Cửa Lò trị giá 50 triệu USD tại thị xã Cửa Lò của chủ đầu tư Công ty Liên doanh Hồng Thái - SIT Việt Nam, đã để lại một bài học đắt giá về việc nóng vội và nhân nhượng trong áp lực thu hút đầu tư. Không chỉ bỏ hoang, công trình này còn có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, như ngang nhiên điều chỉnh tăng thêm 28 biệt thự, huy động vốn từ cộng đồng dân cư trong nước khi không được phép…

Dự án N04B1 không giấy phép bị đình chỉ thi công.

Theo các chuyên gia BĐS, việc địa phương nhân nhượng trong thu hút các dự án lớn do các chỉ tiêu thu thuế, ngân sách chỉ trông đợi vào một số dự án BĐS lớn. Điều này dẫn đến kẽ hở cho doanh nghiệp lấn tới. Thậm chí đối với một số dự án sai phạm, kể cả địa phương đã có quyết định thanh tra nhưng triển khai theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Theo đó, quyết định thanh tra công khai nhưng kết quả thanh tra lại không công bố, khiến việc thanh tra không có ý nghĩa. Thực trạng này có thể dễ dàng nhận thấy tại Hà Nội, với hàng loạt dự án được thanh tra như dự án Tháp Thiên niên kỷ (Hà Đông), Tổ hợp công trình tại khu tập thể X1-26 (Ba Đình), Trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư tại chỗ số 22-24 Hàng Bài (D’.San Raffles)… khi đến nay kết quả thanh tra vẫn mờ mịt.

(Còn tiếp)

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư