Trong 2 ngày 29 - 30/8, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) do Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đã thực hiện giám sát tại TP.HCM về việc chấp hành pháp luật về...
Trong 2 ngày 29 - 30/8, đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) do Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đã thực hiện giám sát tại TP.HCM về việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và thực hiện chính sách pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Theo đó, nổi lên tại các buổi làm việc là những kiến nghị về khung giá đất, chính sách bồi thường GPMB...
Sao lại khống chế khung giá trần?
Liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng, báo cáo của UBND TP.HCM cho biết từ năm 1998 đến 30 - 7 - 2007, TP đã triển khai hơn 700 dự án có thực hiện việc bồi thường, giải tỏa. Tổng số hộ bị thu hồi một phần nhà ở và một phần hoặc toàn bộ đất nông nghiệp là 43.955 hộ với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 20.121 tỉ đồng.
UBND TP.HCM nhận định một trong những tồn tại lớn nhất trong công tác bồi thường, GPMB là một số chính sách, pháp luật về đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có nhiều thay đổi và không nhất quán, dẫn đến việc thực hiện vừa chậm, vừa khó khăn.
Phó giám đốc Sở Tài chính Trần Thị Ánh Nguyệt dẫn khoản 4, Điều 58 NĐ 84/2007 của Chính phủ (quy định những dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày NĐ 197/2004 có hiệu lực, trường hợp do chậm chi trả hoặc chậm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; trường hợp chưa thực hiện chi trả mà sau đó giá đất cao hơn giá phê duyệt thì phải điều chỉnh giá đất theo quy định tại khoản 2 Điều 9 NĐ197 và khoản 2 Điều 4 NĐ 17/2006) và cho rằng "Việc NĐ 84 cho hồi tố giá đất sẽ dẫn đến người chây lỳ, không chấp hành chủ trương trong giải tỏa đền bù thì hưởng lợi do giá đất tăng; còn trường hợp chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì chịu thiệt nên so bì, dẫn đến khiếu nại sẽ nhiều lên.
Các quy định trước đây trong NĐ 197/2004 và Chỉ thị 05/2006 của Thủ tướng đều không đặt vấn đề hồi tố. Để tránh tình trạng so bì, khiếu kiện và nếu phải làm lại theo NĐ 84 thì TP thực hiện không nổi". Theo bà Nguyệt, cách làm của TP là với các dự án lớn, phải chia nhiều giai đoạn thì tiền đền bù mà dân chưa nhận sẽ nhân lãi suất ngân hàng để tránh thiệt thòi cho dân; đồng thời giữ nguyên giá bán suất tái định cư như phương án đã được duyệt trước đây, không tăng theo giá thị trường.
Cách định giá đất để bồi thường, GPMB cũng là vấn đề bức xúc của TP.HCM. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cho rằng, quy định hiện nay của pháp luật là "bồi thường theo giá thị trường trong điều kiện bình thường", nhưng lại đưa ra khung giá tối đa đất nông nghiệp là 135.000 đồng/m2, đất ở là 80 triệu/m2 là thiếu hợp lý. "Làm sao có thể vận dụng một lúc 2 nguyên tắc: đảm bảo giá đất sát giá thị trường và không vượt khung?
Trong thực tế, TP phải vận dụng tối đa các quy định cho phép để hỗ trợ người dân khi giải tỏa, bồi thường, có nơi tiền hỗ trợ còn cao hơn tiền bồi thường. Như vậy việc quy định khung giá trần có hợp lý?" - ông Tín nói. Một minh chứng, bà Trần Thị Ánh Nguyệt cho biết trong dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, người dân kiến nghị và Sở Tài chính đang trình thành phố ban hành đền bù 1m2 cao nhất là 125 triệu đồng/m2, nếu áp dụng giá quy định theo khung cao nhất chỉ bằng khoảng hơn 65% của giá kiến nghị. Nhưng đây chưa phải con đường "cao giá" nhất TP.HCM!
Đề xuất giải pháp, tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cho rằng, với đất ở đô thị, không nên quy định khung giá trần, mà để tùy điều kiện từng địa phương tính toán, chi trả cho phù hợp, đúng theo tinh thần "sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường".
Cán bộ vừa làm vừa... "run"!
Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhận xét không chỉ ở TP.HCM mà rất nhiều tỉnh, TP mà đoàn đã giám sát cho thấy địa phương đều có quy định một khoản hỗ trợ, cộng thêm so với quy định của Trung ương vì "nếu không làm thì không thể triển khai, nhưng việc làm này đã vượt ra khỏi quy định của Nhà nước. Rõ ràng là các địa phương cũng trăn trở lắm".
Được Phó chủ tịch QH chia sẻ, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo "giãi bày": "Áp lực về quản lý đất đai ở TP lớn lắm. TP thấy cũng còn nhiều kẽ hở, cũng biết có nhiều tỉ phú sinh ra từ những kẽ hở này, nhiều vụ tham nhũng cũng bắt nguồn từ đất đai... Việc vận dụng đền bù như thế nào cho đúng luật mà dân đỡ thiệt là vấn đề cần nghiên cứu chu toàn hơn. Vừa qua, TP có một chủ tịch quận bị khởi tố vì việc này. Liên quan đến việc giải tỏa một khu đất trên đường xuyên Á, vị chủ tịch quận này thấy bức xúc ký đền bù khoảng 7 tỉ đồng cho dân, nhưng cơ quan chức năng cho rằng đó là đất chuyên dụng nên tiến hành khởi tố".
Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với giá đất đền bù
có thể lên đến 125 triệu đồng/m2 (ảnh: D.Đ.M)
Theo Đức Trung - Thanh Niên