Thủ tục thuế, đất chậm cải tiến

Cập nhật 03/12/2010 09:10

“Năm 2010, Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông thông báo với các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 2-12 ở Hà Nội.

“Năm 2010, Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông thông báo với các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 2-12 ở Hà Nội.


Tỉ giá không ổn định là trở ngại thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán - Ảnh: T.T.D.

Tại diễn đàn, một báo cáo mới về điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2010 ở Việt Nam đã được ban thư ký diễn đàn công bố. Theo đó, 75% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong ba năm tới, cho thấy sự lạc quan vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Những điểm sáng


Tỉ lệ tăng GDP cả năm 2010 khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra ban đầu là 6,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 1.160 USD, tổng vốn đầu tư phát triển năm 2010 ước tăng 13%, chiếm 41% GDP.

(Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông)
Theo ông Đông, kinh tế Việt Nam năm 2010 đã từng bước phục hồi và tăng trưởng khá cao; vượt ra khỏi tình trạng suy giảm, quý sau cao hơn quý trước.

“Chính nhờ đó, chúng ta sớm hoàn thành nhiều công trình, kết cấu hạ tầng quan trọng, đưa vào sử dụng và tạo thêm cơ sở mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phục hồi tăng trưởng” - ông Đông nói.

Theo ông Đông, tình hình kinh tế vĩ mô đã có bước cải thiện: tổng thu ngân sách nhà nước tăng 18% so với năm 2009, giảm bội chi xuống dưới 6% GDP, chính sách tiền tệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 19%, nhập siêu cả năm ở dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, mức tăng giá tiêu dùng được kiểm soát trong bối cảnh trong nước và thế giới diễn biến phức tạp.

Về an sinh xã hội, ông Đông cho rằng vấn đề này đã được đảm bảo tốt hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vấn đề bảo vệ môi trường và cải thiện khoa học - công nghệ cũng đạt được kết quả tích cực; lĩnh vực cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm được quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả thiết thực.

Phân phối nguồn lực bất hợp lý


Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài công nhận những tiến bộ của Việt Nam trong cải cách thủ tục hành chính, ổn định kinh tế vĩ mô... nhưng đưa ra không ít vấn đề đang gây trở ngại cho công việc kinh doanh của mình.

Cũng trong điều tra của ban thư ký VBF, doanh nghiệp tiếp tục quan ngại về các lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng gian, hàng giả, thiếu lao động có tay nghề, sự yếu kém của kết cấu hạ tầng. Các doanh nghiệp cảm nhận nhiều tiến bộ trong đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng lo lắng về sự cải thiện chậm trễ trong các lĩnh vực đất đai, lao động và thuế.

Ông Phùng Anh Tuấn - Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM - cho rằng: “Cần chấm dứt việc gọi tên một thành phần kinh tế hay định vị một nhóm doanh nghiệp nào đó vào vai trò chủ đạo mà không dựa trên thực tế đóng góp”.

Đến từ Phòng Thương mại Mỹ - AmCham, chủ tịch Hank Tomlinson cho rằng cộng đồng doanh nghiệp cần thêm bằng chứng về tinh thần sẵn sàng của Chính phủ trong việc cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước: “Các vấn đề về tham nhũng và xung đột lợi ích là những yếu tố gắn liền với doanh nghiệp nhà nước. Nếu không giải quyết được các vấn đề cơ bản về điều hành thì tiến trình phát triển sẽ vẫn là một thách thức”.

Theo ông Tomlinson, việc phân phối nguồn lực bất hợp lý đang bị tiếp diễn trong thời điểm Việt Nam cần đưa ra các quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu vốn và chiến lược kinh doanh. Ông Tomlinson cũng cho rằng: “Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang làm giảm lòng tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, không tạo sự ổn định cho VND”.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO