Thủ tục bớt rườm rà, giá nhà mới hạ

Cập nhật 03/09/2014 09:46

Thực tế khi triển khai các dự án nhà ở thương mại, nếu làm đủ các thủ tục thì ít nhất phải chịu sự điều chỉnh của 4 bộ luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Xây dựng. Ông Thành cho rằng, đối với DN đầu tư dự án BĐS, thủ tục hành chính có liên quan đến yếu tố chi phí thời gian, nếu kéo dài thời gian đầu tư căn hộ, chi phí gia tăng.

Thực tế khi triển khai các dự án nhà ở thương mại, nếu làm đủ các thủ tục thì ít nhất phải chịu sự điều chỉnh của 4 bộ luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Xây dựng. Ông Thành cho rằng, đối với DN đầu tư dự án BĐS, thủ tục hành chính có liên quan đến yếu tố chi phí thời gian, nếu kéo dài thời gian đầu tư căn hộ, chi phí gia tăng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố công khai 214 thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong đó, lĩnh vực đất đai đã loại bỏ được 11 thủ tục, còn 74 thủ tục được thực hiện theo nguyên tắc một cửa, hồ sơ đơn giản hơn, thời gian thực hiện các thủ tục được rút ngắn hơn... Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận cải cách hành chính của ngành TN&MT chưa như mong đợi của người dân và DN...

Thủ tục rườm rà, nguyên nhân chính đẩy giá đất dự án tăng cao

Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và USAID tiến hành gần đây cho biết, có khoảng 55% số DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trong năm 2013. Điều này cho thấy, thủ tục hành chính là trở ngại lớn cho DN triển khai dự án. Trong khi đó, các DN cho rằng nếu làm theo đúng như quy định thì sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn.

Do đó, muốn thực hiện các thủ tục nhanh hơn buộc DN phải lót tay. Chính điều này làm cho giá nhà đất đội lên nhiều lần so với giá trị thực... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho giá nhà đất của Việt Nam cao ngất ngưởng tại một số địa phương so với bình quân chung tại một số nước trong khu vực…

Theo ông Trần Ngọc Thành, Giám đốc công ty Đất Xanh miền Trung, thực tế khi triển khai các dự án nhà ở thương mại, nếu làm đủ các thủ tục thì ít nhất phải chịu sự điều chỉnh của 4 bộ luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Xây dựng. Ông Thành cho rằng, đối với DN đầu tư dự án BĐS, thủ tục hành chính có liên quan đến yếu tố chi phí thời gian, nếu kéo dài thời gian đầu tư căn hộ, chi phí gia tăng.

Hiện nay, thời gian thu hồi đất thường kéo dài, nhà đầu tư xây xong lại không được bán hoặc cho thuê ngay, phải chờ nghiệm thu mới cấp giấy chứng nhận, lúc đó mới được gọi là sản phẩm hoàn chỉnh. Như vậy, quy trình đầu tư của DN kéo dài, giá thành đội lên rất cao. Đây chính là nguyên nhân làm giá nhà tại Việt Nam cao hơn 25 lần so với thu nhập người dân. Những bất cập này cơ quan chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ để tạo điều kiện cho DN.

Giám đốc một DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại TP. Đà Nẵng chia sẻ, trước đây một dự án chỉ tốn khoảng 7 tháng là xong các thủ tục hành chính. Thời điểm hiện nay, để hoàn thành các thủ tục có khi mất 3 - 5 năm, thậm chí có dự án kéo dài lên đến 7 năm mới xong. Vì sao lại bất hợp lý như vậy?

Giám đốc này phân tích, khi đầu tư một dự án, DN phải xin chủ trương của chính quyền địa phương cấp tỉnh/thành. Tiếp đó, UBND tỉnh/thành lại lấy ý kiến thông qua các đầu mối như Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở TN&MT… Sau khi có được ý kiến chấp thuận đầu tư, DN lại phải chờ xin giấy phép quy hoạch thông qua các cơ quan như trên...

Trước những khó khăn của DN trong lĩnh vực hành chính về đất đai, mới đây tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành với Bộ TN&MT về đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN...

Ban hành các Thông tư, Thông tư liên bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý đất đai hiện nay. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định về thủ tục hành chính về đất đai tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm. Đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương kiện toàn và tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất một cấp trước ngày 31/12/2015.

Thông tin này như một tín hiệu vui đối với thị trường bất động sản, mà theo ông Thành, nếu việc này được các bộ, ngành cụ thể hóa và thực hiện được chỉ đạo của Chính phủ thì chắc chắn giá bất động sản có thể giảm nữa, bởi chủ đầu tư cắt bỏ được chi phí bất hợp lý cơ cấu vào giá thành. Nếu cắt giảm 50% thủ tục hành chính, DN chỉ mất nhiều nhất 1 năm để thực hiện xong khâu thủ tục đối với một dự án và giá nhà đất lúc đó sẽ rẻ hơn đáng kể.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng