Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Căn hộ 20 triệu đồng/m2 "cháy" hàng

Cập nhật 23/04/2014 08:26

“Các căn hộ có diện tích dưới 100 m2 hiện rất khó mua. Các dự án có giá bán trên dưới 20 triệu đồng mỗi m2 không còn hàng. Dự án từ vành đai 3 đổ vào giao dịch vẫn tốt, người mua để ở là chủ yếu, không phải nhà đầu tư"..

“Các căn hộ có diện tích dưới 100 m2 hiện rất khó mua. Các dự án có giá bán trên dưới 20 triệu đồng mỗi m2 không còn hàng. Dự án từ vành đai 3 đổ vào giao dịch vẫn tốt, người mua để ở là chủ yếu, không phải nhà đầu tư"..

Chia sẻ tại một cuộc hội thảo gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định như vậy.

Vị Thứ trưởng Xây dựng cũng cho hay: Những tháng đầu năm, thị trường bất động sản có tín hiệu tích cực với lượng giao dịch tăng mạnh. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, lượng giao dịch qua sàn ở Hà Nội lên đến 1.500 giao dịch, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong vòng 15 ngày đầu của tháng 4 đã có tới 800 lượt giao dịch thành công.

Nhận định của Bộ Xây dựng về thị trường trong những tháng đầu năm nay cho thấy: Một số dự án đất nền trước đây giá bị đẩy lên quá cao nay chủ đầu tư chủ động hạ giá xuống để có thể bán hàng, ví như: Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) giá đất nền chủ đầu tư chào bán khoảng từ 18-20 triệu đồng/m2 ; dự án Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Hà Đông giá bán đất nền hiện nay khoảng 15 triệu đồng/m2, giảm trên 50% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2010, khi đó đất nền khu vực này khoảng 30- 40 triệu đồng/m2.


Những dự án có giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 có tính thanh khoản cao.

Về giá nhà chung cư, Bộ Xây dựng cho rằng đã có dấu hiệu chững lại, không giảm tiếp, thậm chí  một số dự án có vị trí tốt, diện tích nhỏ giá có xu hướng tăng nhẹ như:  các dự án chung cư Khu đô thị Cổ nhuế -Từ Liêm gần đường Phạm Văn Đồng giá khoảng từ 24-26 triệu đồng/m2, giá tăng khoảng 1 triệu đồng/m2 do dự án có hạ tầng tốt, thuận tiện đi lại…Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, qua số liệu về giao dịch trên thị trường Hà Nội thời gian qua cho thấy: Tuy xu hướng chưa thật rõ ràng, mạnh mẽ nhưng đã có khuynh hướng ấm lên. Lòng tin của người tiêu dùng bước đầu đã có sự quay trở lại với thị trường.

Ông Nam dẫn chứng: So sánh số liệu tồn kho bất động sản đến ngày 31/12/2013 với các tháng trước cho thấy giá trị tồn kho bất động sản trên toàn quốc đã giảm dần từ tháng 3/2013 (giảm trên 26%). Lượng tồn kho căn hộ chung cư giảm khá nhiều, đặc biệt là chung cư có diện tích nhỏ.

Theo ông Nam, các dự án có cơ cấu căn hộ thích hợp, giá bán trên dưới 20 triệu đồng/m2 hoặc các dự án có vị trí tốt, đang hoàn thiện tới 70-80% có tính thanh khoản cao.

“Các căn hộ có diện tích dưới 100 m2 hiện rất khó mua. Các dự án có giá bán trên dưới 20 triệu đồng mỗi m2 là không còn hàng. Dự án từ vành đai 3 đổ vào giao dịch vẫn rất tốt, người mua để ở là chủ yếu, không phải nhà đầu tư”, ông Nam nói thêm.

Việc tồn kho bất động sản giảm theo vị Thứ trưởng này nó cũng kéo theo thị trường vật liệu xây dựng giảm mạnh lượng hàng tồn kho.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế, ông Nam cho hay: Các dự án dở dang tồn đọng rất lớn. Thống kê đến cuối năm 2013 có trên 4.000 dự án, với quy mô chiếm đất 105.000 ha, trong đó có 2.800 dự án dở dang, tương đương 68.000 ha.

Có nhiều nguyên nhân: cung vượt cầu, cơ cấu hàng hóa không phù hợp với nhu cầu, vị trí chọn lựa không tốt, nhất là thiếu vốn.

“Trong quá trình vận hành, nhiều DN BĐS vận hành không đúng cách, sử dụng vốn không đúng mục đích, quản lý dòng tiền không tốt… mặc dù dự án đủ lực, ngân hàng cho vay tiền, người mua góp tiền.

Tôi biết, lúc thị trường “sốt” nhiều người “vác” tiền của dự án A ở Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để đấu đầu, mua đất nhằm mục đích tranh thủ kiếm lợi. Nên dù tiền của dự án A là đủ, nhưng vận hành không nghiêm túc nên dự án A cũng chết, dự án B cũng chết, gây tồn đọng”.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam kết luận: Như vậy, phải đảm bảo được dòng tiền cho dự án để dự án được triển khai liên tục, có tiến độ đúng, lấy lại lòng tin của khách hàng.

“Vào kỳ họp Quốc hội ngày 20/5 sắp tới sẽ thảo luận dự thảo Luật Nhà ở và kinh doanh bất động sản. Trong đó, có 2 điểm mới để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà: Thứ nhất, trước khi bán hàng phải có bảo lãnh hoặc bảo đảm của một tổ chức tài chính. Thứ hai là trước khi chủ đầu tư ký hợp đồng bán hàng phải được phép của chính quyền, đơn vị này sẽ kiểm tra chủ dự án đã có đủ các giấy tờ như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được phê duyệt quy hoạch chưa, đã có giấy phép xây dựng và thực hiện đủ các thủ tục của nhà nước chưa?”, ông Nam cho hay.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, trong năm nay các nhà đầu tư không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư các dự án không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc có lượng vốn vay lớn sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí sẽ phải rời bỏ thị trường, nhường thị trường cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị này cũng nhận định, xu thế chuyển nhượng toàn bộ hoặc từng phần dự án phát triển bất động sản, kể cả cho các doanh nghiệp nước ngoài và mua bán sáp nhập giữa các chủ đầu tư với nhau sẽ phổ biến hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet