Thu tiền sử dụng đất vượt hạn mức tại TPHCM: Nhiêu khê cho cả dân lẫn huyện

Cập nhật 20/10/2011 16:45

Việc thu hẹp trường hợp áp dụng hệ số 2 khiến cả quận lẫn dân mệt mỏi với việc thẩm định, xác định giá thị trường dù chênh lệch chỉ 1m2.


Làm thủ tục đóng thuế nhà đất tại Chi cục Thuế quận 6.
Việc thu hẹp trường hợp áp dụng hệ số 2 khiến cả quận lẫn dân mệt mỏi với việc thẩm định, xác định giá thị trường dù chênh lệch chỉ 1m2.

Theo quyết định số 64/2011/QĐ-UBND do UBND TPHCM ban hành ngày 15/10, khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận, đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 50% hạn mức, hộ gia đình, cá nhân nộp tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh gấp 2 lần giá đất do thành phố quy định.

Đối với phần vượt trên 50% hạn mức, giao UBND quận, huyện thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá xác định theo giá thị trường.

Quyết định này cũng quy định với trường hợp chuyển mục đích đất đang sử dụng sang đất ở, toàn bộ diện tích vượt hạn mức đều phải nộp theo giá thị trường. Quyết định này siết căng hơn nhiều so với dự thảo trước đây của liên sở là toàn bộ phần diện tích vượt hạn mức đất ở (không phân biệt khi cấp giấy hay chuyển mục đích) sẽ nộp gấp 2 lần bảng giá đất do thành phố ban hành.

“Theo dự thảo cũ, phần đất ở vượt hạn mức phải nộp gấp 2 lần bảng giá đất là đã thấy căng rồi. Quyết định 64 yêu cầu phải nộp theo giá thị trường chắc tôi xin rút hồ sơ” - ông Lê Văn Nam, quận 12, nói.

Ông Nam có 1.000 m2 đất nông nghiệp đã được quận 12 chấp thuận chuyển sang đất ở đang chờ nộp tiền sử dụng đất. Ông đang dự định sau khi chuyển mục đích sẽ đầu tư hạ tầng và tách thửa để chuyển nhượng theo quyết định 19.

“Giá đất thị trường ở khu vực này trung bình là 4 triệu đồng/m2. Cộng thêm tiền tôi đã bỏ ra mua đất, rồi tiền đầu tư hạ tầng này nọ thì giá trung bình bán ra ít nhất không dưới 10 triệu đồng/m2. Giá này quá cao, người nào mà mua cho nổi?” - ông rầu rĩ.

Đối với việc thẩm định để xác định giá thị trường, văn bản trên quy định, sau khi có chứng thư thẩm định, quận, huyện nghiệm thu chứng thư, báo cáo Sở Tài chính thẩm định lại để trình UBND thành phố xem xét. Chi phí thẩm định được trích từ ngân sách thành phố, khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp của hộ gia đình, cá nhân.

“Để có một chứng thư thẩm định phải mất ít nhất là 6 tháng. Chi phí thẩm định rẻ nhất cũng phải 5 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay. “Trường hợp nhỏ lẻ của hộ gia đình cá nhân, có khi chỉ vài m2, vài chục m2 mà cũng phải làm theo quy trình của quyết định 64 thì mất thời gian nhiều quá. Người dân chờ đến bao giờ mới được nộp tiền sử dụng đất?”.

Ngoài ra, ngân sách khó khăn, địa phương có áp lực khống chế việc chi nên theo ông Trường, không dễ để trích ngân sách giải quyết cho từng trường hợp.

Chủ tịch UBND một quận tại TPHCM cũng cho rằng: “Quyết định 64 chỉ gỡ vướng được cho một số trường hợp công nhận đất ở mà diện tích vượt hạn mức không quá 50% phần vượt được nộp tiền theo hệ số. Còn lại, trường hợp vượt hạn mức nhiều và trường hợp vượt hạn mức khi chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, chỉ cần lố 1 m2 cũng phải đi thẩm định để cho ra giá thị trường”.

“Địa phương sẽ làm được cho mấy trường hợp? Suốt ngày thành phố và quận, huyện sẽ phải đi làm công việc này hay sao, bởi số lượng hồ sơ là rất lớn” - vị này nói.

Chẳng hạn tại quận Gò Vấp, hạn mức đất ở là 160 m2. Quyết định 64 của thành phố chỉ giải quyết được tối đa 240 m2 nộp tiền sử dụng đất ngay (160 m2 nộp theo giá đất thành phố ban hành, 80 m2 nộp hai lần). Còn các trường hợp có diện tích đất ở từ 261 m2 trở lên lại tiếp tục vướng, phải đi thẩm định giá.

Đặc biệt, trường hợp chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, phải nộp theo giá thị trường cho toàn bộ diện tích ngoài hạn mức. Tại các quận mới như quận 2, 7, 9, 12 và Thủ Đức và thị trấn của các huyện, hạn mức đất ở là 200 m2. Cũng ở những nơi này, số trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rất nhiều.

Như vậy, chỉ cần diện tích không phải là 200 m2 mà là 201 m2 thì cũng phải lục tục tổ chức thẩm định giá để cho ra giá của 1 m2 bị lố.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP