Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở năm 2017 hình thành khi thu nhập của người Việt là 4.000 USD/năm sẽ là liều thuốc cứu thị trường bất động sản. Trong khi, gói 30.000 tỷ cứu bất động sản đang triển khai với nhiều kỳ vọng trước đó về việc sẽ cứu bất động sản đang phá sản.
Vẽ tương lai vực dậy bất động sản
Dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 2.000 USD/năm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã lạc quan cho rằng, sau 4 năm con số này sẽ nhân lên gấp đôi, lên 4.000 USD/năm và việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của Ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Trả lời báo chí về tính khả thi của mô hình tiết kiệm nhà ở, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam lạc quan cho rằng, mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ vực dậy thị trường bất động sản.
"Chắc chắn mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Mô hình này sẽ tạo được một dòng vốn bên cạnh vốn Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ huy động một dòng vốn rất lớn từ những người muốn mua nhà và chỉ tập trung vào nhà ở. Chúng tôi dự kiến rằng, dòng vốn này sẽ chủ yếu sẽ vào phân khúc nhà ở xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.
Thu nhập 4.000 USD/năm Việt Nam sẽ có ngân hàng tiết kiệm nhà ở, ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ vực dậy thị trường bất động sản.
|
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, có những người không đủ tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội nhưng người ta vẫn tiết kiệm để vay và mua nhà ở thương mại. Đây là một nguồn để cầu thực tăng lên. Dòng tiền này đương nhiên sẽ đổ vào thị trường nhà ở và sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản.
Phép tính của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam về con số 4.000 USD vừa đưa ra, độc giả Nam Thắng đã cho rằng, đây là phép tính không cần logic, không cần thực tế, chỉ cần đếm cua trong lỗ.
"Năm 2013 kinh tế chỉ tăng khoảng 5,3%, nếu trừ mức tăng dân số khoảng 1% thì mức tăng thu nhập bình quân chỉ còn 4,3%. Thế mà lại bảo là tăng 23% mới ghê chứ.
Phép tính nào mà tăng được kiểu này, hay là đồng USD mất giá so với đồng tiền Việt Nam, lại bảo 4 năm tới tăng gấp đôi lên 4000 USD mới kinh hoàng chứ", độc giả Nam Thắng góp ý.
Theo tính toán của độc giả Nguyễn Viết An, người dân Việt Nam 70% là nông nghiệp, thu nhập từ nông nghiệp 30.000 đồng/ tháng. Ngoài ra họ làm thêm, chăn nuôi, nghề phụ thì cũng không đáng kể. Công nhân thì liệu trung bình có được 2 triệu đồng/tháng không? Khi nhiều doanh nghiệp đang giải thể, giảm năng xuất , nhiều người bị chậm lương tới 3-5 tháng?
Cú huých gói 30.000 tỷ cứu bất động sản phá sản?
Một liều thuốc đã được đưa ra với nhiều kỳ vọng về việc sẽ giúp thị trường bất động sản được cứu hiện cũng trong tình trạng "thất bại hoàn toàn", theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty bất động sản Đất Lành.
Trong khi trước đó, tại Buổi tọa đàm trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỷ diễn ra vào ngày 11/6, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã từng cho biết, gói 30.000 tỷ là vốn "mồi" để tạo cú huých cho phát triển thị trường nhà ở xã hội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam việc dùng 30% gói tín dụng cho các doanh nghiệp vay có tác dụng như vốn mồi vì nhiều ngân hàng được phép giải ngân nguồn vốn 9.000 tỷ đồng để cho vay kèm thêm nguồn vốn thương mại với mức lãi suất chấp nhận được để phối trộn nguồn vốn tín dụng.
Mặt khác, ngay cả khi cho người dân vay, các dự án làm xong móng đã được bán, người dân có thể mang hợp đồng đến ngân hàng để vay nên dòng vốn sẽ được quay vòng nhanh, nguồn lực tạo ra nguồn cung tương đối lớn, tạo được sự phấn khích và lan toả trong thị trường.
Cũng theo thứ trưởng, gói 30.000 tỷ sẽ giải ngân trong 3 năm nên người dân không cần nóng vội.
Tuy nhiên, thực tế tính đến tháng 11/2013, sau 5 tháng triển khai gói 30.000 tỉ đồng tới thời điểm này mới giải ngân được 341 tỉ đồng tương đương khoảng 1,1%.
Số dự án đề xuất vay là 72, với tổng số vay 6.657 tỷ đồng nhưng mới có 7 dự án được chấp thuận với tổng số tiền 870 tỷ và giải ngân cho 4 doanh nghiệp với số tiền 91 tỷ đồng.
Đối với cá nhân, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng với số tiền 325 tỷ đồng, giải ngân cho 920 khách hàng với dư nợ 221 tỷ đồng.
Như vậy, sau gần 6 tháng, gói 30.000 tỷ mới giải ngân được hơn 1%, với tốc độ giải ngân như hiện nay, sau 3 năm, liệu con số này sẽ tăng lên bao nhiêu %? Cú huých gói 30.000 tỷ mà Thứ trưởng cho rằng có thể là liều thuốc giải cứu bất động sản đã phá sản?
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt