Nông dân bị thu hồi đất cho dù có được tái định cư cũng thiệt đủ đường: Chỗ ở mới xa hơn, mất việc làm, xa trường học và bệnh viện…
Nông dân bị thu hồi đất cho dù có được tái định cư cũng thiệt đủ đường: Chỗ ở mới xa hơn, mất việc làm, xa trường học và bệnh viện…
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP gần đây cho thấy nhiều người dân sau khi chuyển đến nơi ở mới có thu nhập thấp hơn nhưng chi phí cho cuộc sống lại nhiều hơn nơi ở cũ. Nguyên nhân là do hạ tầng cơ sở ở những nơi ở mới không đáp ứng kịp nhu cầu việc học, việc làm, chữa bệnh... của người tái định cư.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng từ trước đến giờ, những thiệt hại vô hình của người dân nêu trên đã chưa được tính tới.
Muốn nhanh phải bỏ tiền túi để tăng giá
“Bồi thường giá đất theo giá nhà nước thì không thể nào có đất mà làm dự án!”. Đó là lời thật lòng của ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Vinaland. Theo ông Hoàng, chủ đầu tư bỏ tiền túi ra bồi thường cho dân với giá gấp ba, bốn lần giá nhà nước duyệt là chuyện bình thường. Trong mắt của người dân, doanh nghiệp luôn lời to khi bồi thường giá đất nông nghiệp nhưng bán ra với giá đất ở nên họ thường không chấp nhận giá do nhà nước duyệt. Trong khi đó, sau khi nhận mặt bằng, doanh nghiệp còn phải đầu tư hạ tầng, trích quỹ đất để làm đường sá, công viên và các dịch vụ công cộng khác theo tỷ lệ đã được phê duyệt. Muốn nhanh có mặt bằng để thực hiện dự án, doanh nghiệp phải trả giá cao để người dân giao đất nhanh. Chủ đầu tư một dự án nhà ở tại Hóc Môn cho biết công ty của ông phải bồi thường cho dân giá 1,5 triệu đồng/m2 trong khi giá đất do trung tâm thẩm định giá tư vấn cho dự án công ích sát bên chỉ có 200.000 đồng/m2.
Ngay cả những dự án công ích cũng chịu cảnh móc thêm tiền túi để hỗ trợ cho dân. Dự án trường học Thăng Long ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) thuộc quy hoạch Khu Nam được UBND TP duyệt giá từ 200 ngàn đến 250 ngàn đồng/m2 đất nông nghiệp không mặt tiền. Đất mặt tiền của dự án này từ 300 ngàn đến 375 ngàn đồng/m2. Phần lớn người dân phản đối vì giá đất họ bán cho tư nhân từ một đến hai triệu đồng/m2. Rốt cuộc, chủ đầu tư phải hỗ trợ thêm cho người dân gấp hai lần giá TP duyệt thì mới “êm”.
Có tính nhưng chưa đủ
Những năm gần đây và nhất là từ đầu năm 2008 đến nay, giá bồi thường đất ở luôn được thẩm định sát giá thị trường, đôi khi cao gấp bốn, năm lần so với giá nhà nước duyệt. Tuy nhiên, giá đất nông nghiệp thì vẫn bị khống chế ở mức cũ theo Nghị định 123 năm 2007.
Nhiều chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp đã ra đời. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ thêm từ 20% đến 50% đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư tại Nghị định 197 năm 2004 của Chính phủ. Tại TP.HCM, Sở Tài chính cũng từng trình UBND TP hỗ trợ thêm 10% giá đất ở liền kề cho người dân bị thu hồi đất. Những dự án đã duyệt giá trước năm 2008 cũng được “lệnh” hỗ trợ thêm cho dân phần lãi suất theo ngân hàng. Nhiều chính sách hỗ trợ chi phí di dời, chuyển đổi ngành nghề, kinh doanh... cũng đã được duyệt cụ thể trong từng dự án. Tuy nhiên, những hỗ trợ này vẫn chưa đủ để tạo cho người dân có cuộc sống mới tốt hơn.
Vô hình nên... hơi bị khó!
Một số chuyên viên trực tiếp làm công tác thường giải phóng mặt bằng tại TP.HCM nói nhà nước phải chăm lo cho dân nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, nông dân ở Thủ Đức suốt đời gắn bó với mảnh ruộng, vườn mai, nay “tự nhiên” mất đất thì làm sao họ yên tâm bỏ vài tháng đi học nghề để chuyển đổi công việc. Trong thời gian học nghề họ sẽ sống bằng gì?
Nhiều giá trị vô hình khác cũng được các chuyên viên này đặt ra: người dân từ chỗ có nhà cửa hợp pháp nay thành nhà không hợp pháp, họ phải bỏ thời gian ra để chạy xin trường lớp cho con cái học hành chỗ mới, thời gian để chuyển hộ khẩu về nơi ở mới...
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, giá trị vô hình có thể tính được bằng 40% đến 50% giá trị hữu hình, Bộ sẽ nghiên cứu để đưa vào giá tính bồi thường cho dân. Ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho rằng mất mát vô hình của người dân bị thu hồi đất đã được Liên Hiệp Quốc kết luận từ nhiều năm trước. Do đó, ý tưởng của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thể hiện sự tích cực. Tuy nhiên, “nhà nước chỉ nên đặt ra những tiêu chí và phương pháp để xác định giá trị. Chính người dân sẽ tính những thiệt hại vô hình của họ và phải có một cơ quan độc lập thẩm định những giá trị đó”.
Ông Phùng Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ Đăng ký thống kê - đơn vị được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao lập đề án tính toán cụ thể giá trị vô hình, cho rằng cần phải có sự góp ý của nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học thì mới xác định được giá trị vô hình này là gì.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP