Thu hồi đất đai: Quan trọng nhất vẫn là giá đền bù

Cập nhật 19/03/2013 09:07

Các khiếu kiện liên quan đến đất đai hiện nay chủ yếu do việc thu hồi đất và bồi thường chưa thỏa đáng.

Các khiếu kiện liên quan đến đất đai hiện nay chủ yếu do việc thu hồi đất và bồi thường chưa thỏa đáng.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải ý kiến của các chuyên gia, người dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, phần liên quan đến đất đai, rất nhiều ý kiến đề nghị sửa Khoản 3 điều 58 dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nội dung điều khoản này qui định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Nhìn chung, các ý kiến cho rằng, quy định này rất dễ bị lạm dụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; dễ dẫn đến sự lạm dụng việc triển khai các dự án để thu hồi đất của tổ chức, cá nhân để giao cho các doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận trên danh nghĩa đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, những bất ổn khiếu nại, khiếu kiện đông người phần lớn đều xuất phát từ cơ chế bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mới đây tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp cho rằng, vấn đề dân bức xúc bây giờ không phải là ở hình thức sở hữu hay chế độ sở hữu, mà ở chỗ thực hiện quyền như thế nào để bảo vệ được sự công bằng, hợp lý và lợi ích hài hòa giữa các chủ thể.

Cũng phải nghiêm túc nhìn vào thực tế không mới nhưng vẫn nóng hổi hiện nay là phần lớn khiếu kiện liên quan đến đất đai đều do giá đền bù không thỏa đáng, không theo giá thị trường. Để hài hòa lợi ích quốc gia, người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, trường hợp Nhà nước thu hồi đất phục vụ lợi ích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì bồi thường theo giá quy định. Còn nếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thì phải bồi thường theo giá thị trường.

Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), trong thời điểm này chúng ta đang tiến hành song song nhiều việc liên quan đến đất đai, trong đó đặc biệt lưu ý đến Luật đất đai sửa đổi. Vì thế, cần làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được thông qua trước với các nội dung về đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua sau. Theo đó, cần sửa đổi Điều 15 của Luật đất đai về thu hồi đất cho phù hợp với Hiến pháp. “Tôi đồng ý với việc chỉ thu hồi đất đai cho các mục đích an ninh, quốc phòng, liên quan đến lợi ích quốc gia. Không có lý gì thu hồi đất đai cho các dự án kinh tế-xã hội mà lại gây thiệt hại cho một nhóm xã hội khác”.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Ngân, dù là thu hồi, trưng mua hay trưng dụng thì quan trọng nhất vẫn là đền bù. Việc đền bù phải thỏa đáng. Ví dụ, thu hồi đất ở nhóm A, B, C liền kề nhưng vì khu đất A có vị trí chiến lược nên được thu hồi. Vì vậy, người ở khu vực A phải được đền bù thỏa đáng vì là đất chiến lược mà chủ khu B, C cũng thèm muốn…

Cũng theo ý kiến của ông Ngân, cần thay đổi quan niệm, cách nhìn về thu hồi đất. Chúng ta phải làm sao để việc Nhà nước chọn mảnh đất đó là hạnh phúc của người dân. Có nghĩa là việc đền bù phải thỏa đáng với người bị thu hồi đất. Với các dự án an ninh, quốc phòng, quốc gia luôn dành nguồn kinh phí ưu tiên chính vì vậy không lo ngại vấn đề kinh phí. Ông Ngân dẫn chứng, ở một số nước, người dân thích được thu hồi đất cho các dự án quốc gia vì họ được đền bù với giá rất cao.

Dự thảo Luật Đất đai nêu rõ, giá đất tính tiền bồi thường thực hiện tại thời điểm quyết định thu hồi là giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành. Đồng thời, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất thì được xem xét hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống. Thế nhưng thực tế lại xảy ra tình trạng, các hộ chây ì để đòi bồi thường cao hơn nên dẫn đến tình trạng hộ nhận đề bù sau lại được hưởng giá đền bù cao hơn người trước. Nghĩa là, ai tích cực nhận đền bù thì sẽ phải chịu thiệt. Để giải quyết tình trạng này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trường hợp bồi thường chậm do lỗi của người có đất bị thu hồi mà giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất, thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm bồi thường. Nếu giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất thì cũng chỉ được bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.

Bổ sung cho qui định này, ông Nguyễn Văn Phượng (Thanh Xuân, Hà Nội) đề nghị cần bổ sung chế tài về việc nếu chây ì sẽ bị xử phạt hành chính. Có như vậy mới giảm được tình trạng “nhìn nhau nhận tiền đền bù” và sớm giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư.

Ngoài ra, về quy định thu hồi đất trong trường hợp “Sử dụng đất không đúng mục đích” nhiều người cho rằng qui định như vậy là quá chung chung. Thực tế là một số địa phương do bị hạn chế ở quy hoạch sử dụng đất chi tiết kéo dài từ năm 1998 đến nay chưa điều chỉnh, nên tình trạng nhiều hộ dân đã sử dụng đất trồng cây lâu năm để cất nhà ở. Điều này có nghĩa là sử dụng đất sai mục đích. Thế nhưng, các hộ này vẫn phải đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với hệ số giá đất 0,15%. Ngoài ra, nếu đất trồng cây lâu năm mà bị sử dụng vào việc trồng cây hàng năm khác thì cũng là trái mục đích, nhưng khó có thể bị liệt vào trường hợp bị thu hồi đất. Ngược lại, đất trồng cây hàng năm khác hoặc trồng cây lâu năm mà sử dụng vào mục đích trồng lúa thì cũng là trái mục đích.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV