Một số chi cục thuế ở TP.HCM bị kiện ra tòa và thua kiện vì thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế là thu thuế của cả người được ủy quyền bán bất động sản.
Một số chi cục thuế ở TP.HCM bị kiện ra tòa và thua kiện vì thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế là thu thuế của cả người được ủy quyền bán bất động sản.
Để chống việc trốn thuế, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu thu thuế của người được ủy quyền bán bất động sản.
Mới đây, một người dân (được ủy quyền) đã khởi kiện cơ quan thuế vì cho rằng các văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật và được tuyên thắng kiện.
Theo bản án ngày 4-2-2015 của Tòa án nhân dân quận 2, TP.HCM, ông M. là người được ủy quyền của ông Hồ Trọng T. và bà Lương Thị Kim O. với nội dung ông M. được thay mặt bà O. và ông T. chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với hai thửa đất tại P.An Phú, quận 2.
Thực hiện nội dung hợp đồng ủy quyền này, tháng 5 và tháng 6-2013 ông M. đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đối với các thửa đất nêu trên cho hai người khác với giá trị chuyển nhượng hơn 27 tỉ đồng.
Người ủy quyền phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi sang nhượng bất động sản?
Sau khi hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực, Chi cục Thuế quận 2 phát hành thông báo số 2178 về việc nộp thuế thu nhập cá nhân cho ông T. và bà O. phải nộp tổng số thuế là 554 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng cùng số công văn này, Chi cục Thuế quận 2 yêu cầu ông M. phải nộp số tiền là 554 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Bộ Tài chính.
Không đồng ý với yêu cầu nộp thuế của Chi cục Thuế quận 2, ông M. thắc mắc thì được giải thích là làm theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, bởi vậy dù ông M. được ủy quyền để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân như chủ sở hữu.
Nếu ông M. không nộp thì Chi cục Thuế quận 2 không giải quyết thủ tục nên không thể chuyển nhượng các thửa đất nêu trên. Do vậy, ông M. buộc phải nộp số tiền là 554 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi nộp thuế xong, ông M. đã làm đơn khởi kiện Chi cục Thuế quận 2 ra tòa. Ông M. cho rằng việc Chi cục Thuế quận 2 áp dụng các công văn hướng dẫn thu thuế thu nhập cá nhân đối với bản thân ông là trái luật bởi các văn bản mà Chi cục Thuế quận 2 áp dụng (công văn 1133 ngày 5-4-2011 và công văn 3373 ngày 20-9-2011 của Tổng cục Thuế hướng dẫn về việc thu thuế thu nhập cá nhân đối với việc chuyển nhượng bất động sản được ủy quyền) không phải là văn bản quy phạm hành chính.
Tại tòa, đại diện Chi cục Thuế quận 2 cho rằng đối chiếu với Luật thuế thu nhập cá nhân và các quy định của pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với hợp đồng chuyển nhượng bất động sản được ủy quyền nhưng Chi cục Thuế quận 2 phải thực hiện công văn chỉ đạo của Tổng cục Thuế.
Chi cục Thuế quận 2 cũng cho rằng các công văn này chưa phù hợp với thực tiễn và Luật thuế nói chung.
Từ những căn cứ pháp luật nêu trên, Tòa án nhân dân quận 2 cho rằng việc Chi cục Thuế quận 2 thu thuế của ông M. là không hợp pháp và tuyên buộc Chi cục Thuế quận 2 trả lại số tiền 554 triệu đồng cho ông M. khi bản án có hiệu lực pháp luật. Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo nên đã có hiệu lực pháp luật.
Bản án của UBND quận 2 tuyên ông M. thắng kiện - Ảnh: T.L.
|
Vô hiệu hóa quan hệ dân sự được quy định trong luật
Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM), cơ quan thuế lo lắng trước tình trạng trốn thuế trong việc chuyển nhượng bất động sản.
Tuy nhiên trên thực tế, người được ủy quyền không bao giờ có quyền tương đương với người ủy quyền - chủ sở hữu. Chỉ cần chủ sở hữu hủy hợp đồng ủy quyền thì người được ủy quyền sẽ không còn quyền gì đối với bất động sản đó.
Từ đó, luật sư Nghiêm cho rằng việc quy định người được ủy quyền phải nộp thuế nghĩa là coi bất động sản đó phải nộp thuế hai lần trong một lần giao dịch là bất hợp lý. Và quy định này đã vô hiệu hóa quan hệ dân sự đã được quy định trong Bộ luật dân sự về ủy quyền.
Theo đó, người được ủy quyền không nhận được quyền lợi gì từ việc định đoạt hay chuyển nhượng tài sản.
“Nếu các cơ quan thuế có đủ căn cứ về việc làm ăn gian dối và trốn thuế thì có thể đề nghị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế chứ không thể mặc định rằng việc ủy quyền là để mua bán định đoạt bất động sản để buộc người nhận ủy quyền phải đóng thuế” - luật sư Nghiêm nói.
Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cũng cho biết trong thực tế có những trường hợp ủy quyền cho nhau nhưng thực chất là chuyển nhượng gây thất thu thuế. Tuy nhiên việc dùng hợp đồng ủy quyền để trốn thuế không nhiều.
Trong thực tế vẫn có những trường hợp vì lý do riêng mà không tiện đứng ra chuyển nhượng trực tiếp nên phải nhờ đến người thứ ba và Luật dân sự cho phép điều này.
Trong khi đó cơ quan thuế cứ thấy ủy quyền là thu thuế thu nhập cá nhân hai lần như vậy là không hợp lý, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Yêu cầu Chi cục Thuế quận 2 báo cáo vụ việc
Chiều 4-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thanh Tùng, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế), cho biết hiện Tổng cục Thuế chưa nhận được báo cáo của cơ quan thuế TP.HCM về vụ ông L.V.M. kiện Chi cục Thuế quận 2. Do đó, Tổng cục Thuế đang yêu cầu Chi cục Thuế quận 2 báo cáo về vụ việc này.
Đã cụ thể hóa trong nghị định 65/2013
Quy định nêu trên đã được đưa vào nghị định 65/2013 của Chính phủ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Đến nay, việc thu thuế của người được ủy quyền vẫn được các cơ quan thuế áp dụng. Theo đó, khoản 3 điều 3 nghị định 65 quy định:
d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức;
Thu nhập chịu thuế tại khoản này bao gồm cả khoản thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.