Thu được gần 30.000 tỉ đồng từ việc sắp xếp lại nhà, đất

Cập nhật 12/05/2015 09:28

Đến nay, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đối với 121.677 cơ sở (trong tổng số 153.573 cơ sở) của các bộ, ngành, địa phương (79%) và thu về ngân sách số tiền 28.340 tỉ đồng.

Đến nay, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đối với 121.677 cơ sở (trong tổng số 153.573 cơ sở) của các bộ, ngành, địa phương (79%) và thu về ngân sách số tiền 28.340 tỉ đồng.


Khuôn viên khu đất Nhà khách Chính phủ tại số 1 Lý Thái Tổ, P.1, Q.10, TPHCM Bộ Tài chính dự tính sẽ bán đấu giá.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tiến độ sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 09 (2007) của Chính phủ vẫn còn chậm. Dù đã hơn 8 năm triển khai nhưng “một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm”. Hơn nữa, việc thực hiện phương án bán nhà, đất đã được phê duyệt vướng về quy hoạch, về xác định giá...

Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho thấy việc sắp xếp lại nhà, đất của các bộ, ngành tại TPHCM diễn ra rất chậm. Trong quí 1/2015 các bộ, ngành, tổ chức, tập đoàn, tổng công ty chỉ mới hoàn thành việc thực hiện phương án xử lý đối với 777/1.542 cơ sở (50,4%); đang triển khai (ở các mức độ khác nhau) đối với 649/1.542 cơ sở (42,1 %); chưa triển khai đối với 116/1.542 cơ sở (7,5%).

Theo Bộ Tài chính, một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa tích cực triển khai thực hiện các phương án đã được phê duyệt, như: chưa thực hiện các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; chưa thực hiện dứt điểm việc di dời các hộ gia đình đã bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh; việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định chưa được chấm dứt hoàn toàn.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nhà ở của các hộ gia đình trong khuôn viên trụ sở của cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, đối với trường hợp bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã bố trí nhà ở cho các hộ gia đình trong khuôn viên trụ sở (trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án): (i) nếu các đơn vị này có cơ sở nhà, đất bán thì ưu tiên sử dụng số tiền thu được để thực hiện di dời; (ii) nếu các đơn vị này không có cơ sở nhà, đất bán thì Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính bán một số cơ sở nhà, đất các bộ ngành chưa thực hiện bán theo phương án, không có nhu cầu sử dụng và sử dụng không hiệu quả để tạo nguồn vốn thực hiện việc hỗ trợ di dời và bố trí nhà ở tái định cư cho các hộ gia đình này.

Đối với bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục bố trí nhà ở cho các hộ gia đình trong khuôn viên trụ sở (sau thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án) thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Riêng với việc cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định thì giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với TPHCM thu hồi giao các cơ quan, đơn vị chưa có trụ sở đang phải đi thuê; hoặc bán chuyển nhượng tạo kinh phí di dời các hộ gia đình, đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố.

Đối với bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty bố trí sử dụng nhà ở đan xen với cơ sở nhà, đất do TPHCM quản lý thì Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với TPHCM và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG