Phát biểu tại lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy sáng 25/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc tự thiết kế, thi công thành công một cây cầu hiện đại như cầu Vĩnh Tuy là cột mốc đáng nhớ của ngành xây dựng...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng lãnh đạo các Bộ và Hà Nội cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy. |
Phát biểu tại lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy sáng 25/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc tự thiết kế, thi công thành công một cây cầu hiện đại như cầu Vĩnh Tuy là cột mốc đáng nhớ của ngành xây dựng cầu đường Việt Nam.
Đây là cây cầu đầu tiên (trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng qua địa phận Hà Nội) do các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công của Việt Nam đảm nhận hoàn toàn, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Tả Ngạn (thuộc UBND TP.Hà Nội).
Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn 2 quận Long Biên và Hai Bà Trưng, khởi công ngày 3/2/2005, tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng, với chiều dài tuyến chính 5,8km, trong đó cầu vượt sông Hồng dài 3,7km, chiều dài cầu vượt Quốc lộ 5 là 364m, chiều dài tuyến chính hai đầu cầu 1,68km.
Công trình được thiết kế kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8.
Cầu Vĩnh Tuy hoàn thành cũng nắm giữ kỷ lục: kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là 8 nhịp liên tục đúc hẫng dài 990m, có nhịp đúc hẫng lớn nhất 135m.
Hình ảnh thông xe cầu Vĩnh Tuy vào sáng 25/9. |
Việc thông xe cây càu này sẽ giúp các phương tiện từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên lên theo quốc lộ 5 có thể rẽ theo hai hướng để lên cầu Vĩnh Tuy.
Hướng thứ nhất, các phương tiện có trọng tải trên 10 tấn từ quốc lộ 5 sẽ rẽ vào đường Thạch Bàn, qua đường Long Biên - Xuân Quan và đi vào đường 40m của dự án dẫn lên cầu Vĩnh Tuy, từ đó tới các đường Nguyễn Khoái, Minh Khai vào nội đô hoặc theo đường Nguyễn Tam Trinh ra đường vành đai tới Pháp Vân.
Hướng thứ hai, các phương tiện từ đường 5 có thể rẽ vào đường Nguyễn Văn Linh - đường trục Khu công nghiệp Hanel, tới đường 40m của dự án dẫn lên cầu Vĩnh Tuy để tới các đường Nguyễn Khoái hoặc Minh Khai. Ở chiều ngược lại, các phương tiện từ nội đô có thể theo đường Minh Khai, Nguyễn Khoái qua cầu Vĩnh Tuy tới đường 40m của dự án, qua đường trục Hanel, đường Nguyễn Văn Linh và từ đó ra quốc lộ 5.
Cây cầu "nội" đầu tiên bắc qua sông Hồng |
Như vậy, theo tính toán, lộ trình này sẽ giúp rút ngắn hành trình đi từ trung tâm thành phố ra Quốc lộ 5 để đi Hải Phòng, Quảng Ninh xuống 3km, đồng thời giảm tải đáng kể cho cầu Chương Dương.
Tuy thông xe, nhưng hiện tại cầu Vĩnh Tuy vẫn còn một số gói thầu như 9, 10, 15, 16 trong đó có hạng mục đường dẫn phía bắc. Dự kiến, các hạng mục này sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2010 để kịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet