Thông tin trái chiều về mặt bằng bán lẻ Hà Nội

Cập nhật 11/04/2014 14:15

Trong khi Savills nhận định, công suất cho thuê của thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn trong xu hướng giảm, thì CBRE cho rằng, con số này đang tăng.

Trong khi Savills nhận định, công suất cho thuê của thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn trong xu hướng giảm, thì CBRE cho rằng, con số này đang tăng.

Rất nhiều trung tâm thương mại vắng khách

U ám thị trường

Trung tâm thương mại (TTTM) Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) khai trương rầm rộ năm 2010, nhưng đến cuối tháng 12/2012, Trung tâm đã phải quyết định tạm dừng kinh doanh để tái cơ cấu. Cho đến thời điểm này, Grand Plaza vẫn chưa hẹn ngày mở cửa trở lại.

Năm 2013 cũng là năm "u ám" của TTTM Parkson sau 5 năm hoạt động. Tại Parkson Thái Hà, mặc dù tỷ lệ lấp đầy các gian hàng vẫn đạt gần 90%, nhưng khách hàng rất thưa thớt, chủ yếu tới tham quan là chính. Còn ở Parkson Keangnam, tại các quầy thanh toán và gian hàng gia dụng, quần áo, nhân viên bán hàng và bảo vệ nhiều hơn khách hàng.

Nằm ngay tại trung tâm thành phố, TTTM Tràng Tiền sau khi được rót 400 tỷ đồng đầu tư nâng cấp với rất nhiều kỳ vọng, cũng khó thu hút được khách hàng.

Các TTTM được chuyển đổi từ chợ truyền thống cũng không “sáng” hơn. TTTM chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), được khởi công năm 2007, hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2010, các hộ kinh doanh tại đây lần lượt bán lại chỗ cho chủ đầu tư, do vắng khách.

TTTM chợ Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) được xây dựng lại khang trang vào năm 2007 với 7 tầng nổi, một tầng hầm trên diện tích 520 m2, nhưng nay trở thành nhà hàng kinh doanh karaoke, nơi tập thể dục thẩm mỹ, cho thuê văn phòng.

Hiu hắt và xuống cấp nhất có lẽ là TTTM Thanh Trì. Với công trình 7 tầng nổi, một tầng hầm được đưa vào sử dụng từ năm 2004, đến nay, trong tổng số hơn 260 hợp đồng mua ki ốt chỉ có một nửa hộ kinh doanh, với tình trạng “buổi có, buổi không”.

“Hàn thử biểu” loạn thông số

Nhìn nhận thị trường bán lẻ là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, bà Ngô Hương Giang, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills cho biết, trong quý I/2014, Hà Nội có thêm hai dự án khối đế bán lẻ mới, nâng tổng cung toàn thị trường lên xấp xỉ 1 triệu m2, tăng 1% theo quý và 36% theo năm. Hoạt động của thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn trong xu hướng giảm, xét trên cả công suất và giá thuê. Giá thuê của toàn thị trường giảm 4% theo quý và giảm 6% theo năm, xuống mức 1,1 triệu đồng/m2/tháng.

“Savills ghi nhận không khí mua sắm trầm lắng và lượng người đến các trung tâm mua sắm lớn ở Hà Nội khá ít, do đó hoạt động kinh doanh của các khách thuê cũng không khả quan”, bà Giang nói và cho rằng, khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng của khách thuê trong dài hạn vẫn còn là một dấu hỏi.

Trong khi đó, ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE cho hay, đến cuối quý I/2014, tổng diện tích bán lẻ cho thuê tại Hà Nội là 602.938 m2, tăng 5,8% so với quý I/2013. Giá thuê trung bình toàn thị trường quý I/2014 là 39,7 USD/m2/tháng, giảm 4,8% so với quý trước. Giá thuê giảm đối với cả hai khu vực trung tâm và ngoài trung tâm, với mức giảm lần lượt là 14,6% và 3,7%. Giá giảm tại cả dự án cũ và dự án mới mở, đặc biệt tại khu vực trung tâm.

Một điểm khác biệt lớn nữa là trong khi Savills đưa ra con số về công suất toàn thị trường trong quý I/2014 đạt 82% (tỷ lệ trống là 18%), giảm 1 điểm phần trăm theo quý và giảm 7 điểm phần trăm theo năm, thì CBRE cho biết, tỷ lệ trống toàn thị trường trong quý I/2014 ở mức 14,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Về xu hướng dịch chuyển khách thuê, ông Richard Leech cho rằng, trong quý I/2014, có tất cả 196 khách thuê mở mới tại trung tâm thương mại, trong khi 193 khách thuê đóng cửa.

“Nếu không tính trung tâm thương mại mới khai trương, thì số lượng cửa hàng đóng cửa nhiều hơn so với số lượng cửa hàng mở mới tại các trung tâm thương mại hiện hữu”, ông Richard Leech nói và cho biết, một trong những tín hiệu tích cực đầu năm 2014 là chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng. Đó có thể là tín hiệu cho những bước phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới.

Ngược lại, bà Giang cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng thời gian qua rất thấp, thể hiện sức cầu yếu, làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của thị trường bán lẻ Hà Nội.    

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán