Thời điểm "vàng" cho thị trường bất động sản

Cập nhật 20/03/2014 15:50

Ngày 19/3, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) năm 2013. Theo đó, tình hình giao dịch trên thị trường diễn ra theo chiều hướng tốt dần lên về cuối năm, đây chính là thời điểm “vàng” cho thị trường bất động sản.

Ngày 19/3, Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) năm 2013. Theo đó, tình hình giao dịch trên thị trường diễn ra theo chiều hướng tốt dần lên về cuối năm, đây chính là thời điểm “vàng” cho thị trường bất động sản.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho thị trường được các cơ quan triển khai mạnh trong thời gian vừa qua, đã kích thích sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Tác động của các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho thị trường

Theo đánh giá của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững lại, không giảm liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ.

Có được kết quả này là do tác động của các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho thị trường được các cơ quan triển khai mạnh trong thời gian vừa qua, đã kích thích sự hồi phục của thị trường bất động sản, có tác động làm tan băng thị trường tại phân khúc nhà ở có mức giá trung bình, diện tích căn hộ nhỏ, hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ sớm xem xét cho phép các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã qua phân loại được đưa vào diện tiếp tục triển khai mà chủ đầu tư hiện đang nợ tiền sử dụng đất, chưa thực hiện kinh doanh (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) nhưng giá thị trường hiện tại thấp hơn suất đầu tư (bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, chi phí đầu tư công trình, tiền sử dụng đất) thì được phép tính lại tiền sử dụng đất phải nộp theo mặt bằng giá thị trường hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.

Theo đó, kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân); mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng), được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%.

Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở. Mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ); ngoài 5 ngân hàng thương mại Nhà nước, bổ sung một số ngân hàng thương mại cổ phần (theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước), được phép tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Lượng giao dịch tăng

Tính đến ngày 25/2/2014, tổng số tồn kho trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 12.601 tỷ đồng, giảm gần 369 tỷ đồng (giảm 2,8%) so với tháng 12/2013; trong đó: Tồn kho căn hộ chung cư 3.164 căn, tương đương 3.565 tỷ đồng (giảm 294 căn so với tháng 12/2013); Tồn kho nhà thấp tầng: 3.096 căn, tương đương 9.036 tỷ đồng (giảm 26 căn so với tháng 12/2013).

Đối với phân khúc nhà thấp tầng, hiện nay, tồn kho nhiều chủ yếu là ở các dự án xa trung tâm, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.

Bước vào năm 2014, qua 2 tháng đầu năm, thị trường BĐS Hà Nội đã có khá nhiều giao dịch thành công mặc dù có thời gian dài nghỉ Tết cổ truyền. Theo thống kê của một số sàn giao dịch và các chủ đầu tư, trong tháng 1 và tháng 2/2014 trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.290 giao dịch thành công (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013).

"Qua số liệu về giao dịch cho thấy, thị trường BĐS Hà Nội đã có chuyển biến tích cực, lượng giao dịch khá, trong đó có nhiều giao dịch ở các dự án có tồn kho, từ đó đã góp phần làm giảm lượng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Giá nhà đang dần ổn định, đã có tác động tích cực, tạo thêm niềm tin của khách hàng vào thị trường", Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá.

Trong tháng 1 và 2/2014, lượng giao dịch khá, các dự án nhà ở xã hội bán được 820 căn và có 470 giao dịch nhà thương mại. Dự án nhà thấp tầng có diện tích nhỏ, giá khá cao (25 - 27 triệu đồng/m2) bán rất tốt như dự án Khu nhà ở Ao Sào (Q.Hoàng Mai) bán được 120 căn trong tháng 1 - 2/2014.

Một số dự án nhà ở thương mại có giá thấp, tuy xa trung tâm nhưng tiến độ thi công đảm bảo và sắp bàn giao cũng có giao dịch tốt như Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Hoài Đức) có giá từ 13 - 16 triệu đồng/m2 bán được 100 căn trong tháng 1 và tháng 2.

Với diễn biến trên, các chuyên gia nhận định, thị trường BĐS Hà Nội sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhất là việc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định hạ trần lãi suất còn 6%/năm, và điều kiện cho vay bất động sản đang được nới lỏng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong 2 quý đầu năm 2013, lượng giao dịch thành công không nhiều, đến quý III và quý IV, con số này đã gấp 2 lần 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của một số sàn giao dịch BĐS, tính đến hết tháng 12/2013, trên địa bàn Hà Nội ước tính có khoảng 6.450 giao dịch được thực hiện. Trong đó, quý I có khoảng 800 giao dịch, quý II có khoảng 1.050 giao dịch, quý III có khoảng 1.600 giao dịch, quý IV có trên 3.000 giao dịch.

Sự chuyển động này thể hiện rõ qua mức thu lệ phí trước bạ. Thu lệ phí trước bạ trong quý I/2013 đạt 61,2 tỷ đồng (tương đương giá trị giao dịch 12.240 tỷ đồng), quý II/2013 thu 64,9 tỷ đồng (tương đương giá trị giao dịch 12.980 tỷ đồng), đến quý IV/2013, con số ước thu đã lên đến 80 tỷ đồng (tương đương giá trị giao dịch 16.000 tỷ đồng).

Phân khúc căn hộ mức giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích nhỏ bao gồm cả loại hình nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, có lượng giao dịch nhiều nhất. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều chủ đầu tư đã điều chỉnh dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ và đã thực sự thu hút người mua, giao dịch tăng.

Phân khúc căn hộ có mức giá trung bình từ 15 triệu đồng/m2 đến dưới 25 triệu đồng/m2, tình hình giao dịch tuy không ở mức sôi động nhưng diễn ra tương đối đều đặn. Đặc điểm của các dự án loại này là vị trí không quá xa trung tâm, gần các khu vực tập trung đông dân cư, đã xây dựng gần xong phần thô hoặc đang hoàn thiện nên tạo được niềm tin đối với khách hàng.

Ngoài ra, các chủ đầu tư có chính sách thanh toán linh hoạt, phù hợp với khả năng của nhiều đối tượng có mức thu nhập trung bình và trung bình khá, nên giao dịch tương đối tốt.

Đáng chú ý, tình hình giao dịch căn hộ cao cấp (giá bán từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) trong quý IV đã có cải thiện, một số dự án cao cấp tiếp tục bán sản phẩm như: Dự án Royal City và dự án Times City của Tập đoàn Vingroup.

Dự án Mandarin Garden trong tháng 10 - 11/2013 bán được 65 căn (giá bán 31 - 33 triệu đồng/m2). Tòa nhà N04 Trung Hòa - Nhân Chính đã xây dựng gần xong phần thô, có 504 căn hộ được mở bán từ đầu năm 2013, giá trung bình 29,5 triệu đồng/m2.

Tòa nhà Trung Yên Plaza có 210 căn hộ cũng bán hết trong năm 2013 mặc dù giá khá cao (34 triệu đồng/m2). Một trong những lợi thế của các dự án này là đều nằm ở những vị trí thuận lợi, hạ tầng tốt, thời hạn giao nhà cơ bản đúng tiến độ.

Còn tại thị trường TP HCM, giá nhà đã giảm nhiều trong suốt 3 năm qua, nay có xu hướng giữ giá không giảm tiếp nữa. Một số chủ đầu tư đã có các hình thức khuyến mại như cho mua nhà trả góp, trả dần không tính lãi, hỗ trợ lãi suất vay... để thu hút khách hàng.

Tuy vậy, tại một số nơi như Khánh Hòa lại có sự tăng giá ở phân khúc đất nền. Theo số liệu công bố chỉ số đánh giá thị trường BĐS của Sở Xây dựng Khánh Hòa, tình hình giao dịch quý III/2013 giá giảm ở phân khúc chung cư, nhưng lại tăng ở phân khúc đất nền.

Cụ thể, chỉ số giá căn hộ chung cư tại TP Nha Trang quý III/2013 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá đất nền tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Lượng giao dịch chung cư tại TP Nha Trang quý III/2013 tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2012...

DiaOcOnline.vn - Theo Xây dựng