Thoát chết vì không vay được vốn

Cập nhật 06/12/2011 08:45

Trái với dự đoán, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang là một trong những phân khúc ít chịu nhiều ảnh hưởng trong khó khăn chung của thị trường nhờ ít bị đầu cơ và khó vay vốn.

Trái với dự đoán, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang là một trong những phân khúc ít chịu nhiều ảnh hưởng trong khó khăn chung của thị trường nhờ ít bị đầu cơ và khó vay vốn.

Khó lại hóa khôn


Hồi giữa năm, khi BĐS bắt đầu ngấm đòn của thắt chặt lãi suất thì nhiều người đã đặt nghi vấn, sau chung cư cao cấp thì đến lượt BĐS nghỉ dưỡng sẽ "chết đầu nước" vì lệch với nhu cầu.

Tuy nhiên, đến nay, nhận định đó mới đúng một phần khi chung cư cao cấp đang "chết hẳn" thì BĐS nghỉ dưỡng thì có vẻ như đã "thoát chết" khi là một trong những phân khúc có thanh khoản tốt, nhất là BĐS nghỉ dưỡng ở ven đô thị lớn.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia địa ốc cho rằng, sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng luôn có chu kỳ phát triển ổn định khá dài. Hơn nữa, đây là phân khúc nhu cầu không lớn như chung cư, lại thường có giá trị cao nên nó không thuộc loại hàng mà đầu cơ ưa chuộng. Vì thế, nó ít bị làm giá và cũng không mấy khi được ưu đãi tín dụng.

Thực tế, lúc bình thường, so với phân khúc khác, BĐS nghỉ dưỡng nhiều lúc cũng "tủi phận" vì khó vay vốn, giá tăng chậm và tất nhiên bán hàng cũng không thể rôm rả như đất nền hay chung cư.

Chính vì thế, lúc thị trường sôi động, các DN BĐS chẳng mấy khi phải lo quảng cáo, bán hàng mà thay vào đó là ỉm thông tin, âm thầm bán, tạo khan hàng để đẩy giá thì dân BĐS nghỉ dưởng lại phải lo quảng bá, giới thiệu, tiếp cận để chào hàng đến từng người một. Trong khi chung cư, đất nền một suất bán ngàn đơn mua còn BĐS nghỉ dưỡng gặp tiếp thị mười bán được một đã là ngon.

BĐS nghỉ dưỡng: nhà giàu sẵn sàng trả bằng tiền mặt có sẵn.

Thế nhưng, cái khó lúc đó bây giờ lại hóa thành cái khôn. BĐS nghỉ dưỡng vẫn giữ được phong độ là nhờ ít xảy ra tình trạng giá ảo vì vẫn còn trong giai đoạn đầu phát triển, khách hàng có nhu cầu sử dụng thực sự nên ít xảy ra tình trạng bị giới đầu cơ sử dụng những thủ thuật để làm giá.

Đặc biệt, do tiếp cận được nhu cầu thực chất và phần lớn lại là người có tiền, sẵn sàng thanh toán bằng tiền mặt sẵn có nên BĐS nghỉ dưỡng ít bị tác động hơn của chính sách thắt tiền tệ.

Có lẽ vì thế mà trong khi vấn đề "bóng bóng BĐS" được đề cập rất nhiều trong thời gian vừa qua, BĐS nghi dưỡng có dường như không mấy phải lo ngại và thực tế thanh khoản vẫn tốt.

Những năm qua, khi nền kinh tế liên tục tăng trưởng nóng thì dòng vốn tín dụng liên tục được đổ vảo thị trường BĐS. Nguồn tiền dồi dào công với sự đa dạng của hệ thống môi giới BĐS đã khiến thị trường trở nên lạc quan thái quá và hệ quả là giá BĐS cứ tăng vượt xa giá trị thực tế của nó. Khi nền kinh tế bất ổn, dòng tiền vào BĐS sẽ bị siết, thị trường rơi vào trạng thái bi quan, bong bóng BĐS sẽ xì hơi hoặc đổ vỡ. Những phân khúc được ưu thích là chung cư, đất nền và biệt thự...

Tuy nhiên, trong cơn sốt chung đó, BĐS nghỉ dưỡng là phân khúc vốn không được tín dụng ưu ái do phân khúc này còn mới mẻ, tính thanh khoản không cao và khó kiếm lời nhanh do không có bàn tay thổi giá của giới môi giới.

Do vậy trong khi các phân khúc BĐS khác tăng nóng, bong bóng liên tục được bơm hơi, thì BĐS nghỉ dưỡng luôn bị cho là "chán" vì quá bình lặng. Chơi BĐS khó kiếm lời vì giá không tăng "sốc", giá bán bán luôn đi sát với giá trị nội tại của sản phẩm và nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá cũng rất "lành", chủ yếu dựa vào nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng, do sự phát triển về cơ sở hạ tầng, do chất lượng sản phẩm ngày càng cao, do các chính sách về quy hoạch...

Thế nhưng, cái khó lại hóa cái khôn. Khi thị trường xì hơi và sự ảm đạm của BĐS được dự báo có thể dài trong một vài năm thì sự ổn định của BĐS nghỉ dưỡng lại thành một điểm sáng. Và khi đầu cơ qua đi, giá cả giảm, người dân bắt đầu quan tâm đến việc tạo dựng giá trị sống của mình thì cơ hội lại đến với BĐS nghỉ dưỡng.

Chào hàng triệu đô thời đóng băng thị trường

Theo nhiều chuyên gia, trong thời gian này, do sự bất ổn của nền kinh tế, lo sợ lạm phát, đại bộ phận dân cư sẽ tìm đến những loại tài sản có tính bền vững cao để bảo toàn giá trị cho nguồn tiền của họ. Điều này sẽ mở ra một cơ hội lớn cho BĐS nghỉ dưỡng nếu như các chủ đầu tư của phân khúc này tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.

Có lẽ nhờ thế mà trong thời điểm khó khăn này của thị trường lại chính là cơ hội để BĐS nghỉ dưỡng đi lên với việc một số chủ đầu tư vẫn tiếp tục mở rộng quỹ đất phát triển dự án. Trong lúc cả thị trường đang lo bán tháo, chuyển nhượng dự án và chạy nợ thì nhiều chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng lại bán hàng với giá rất "khủng" mà vẫn thành công.

Archi Invest mới ra mắt quần thể biệt thự nghỉ dưỡng Nine Ivory (Yên Bài, Ba Vì), ở đây có 9 căn "dinh thự ngà voi" với mức giá 19 - 25 tỷ đồng. Còn Beverly Investment cũng vừa tung ra thị trường dòng sản phẩm cao cấp mang tên Ngọc Viên Islands (hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) với mức giá cả gần cả chục tỷ.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Archi, trong khi nhiều người cho đây là mạo hiểm thì tôi coi đây là cơ hội. Trong giai đoạn khó khăn, nhưng với những bước nghiên cứu và thực tế thị trường, tôi tin vào sự thành công vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng cao cấp"

Theo các nghiên cứu đánh giá của các Hiệp hội Bất động sản và Du lịch thì tỷ lệ chi tiêu cho nghỉ dưỡng và sở hữu BĐS ngoại ô ở nước ta còn rất thấp, trong khi nhu cầu nghỉ ngơi của mọi người ngày càng tăng, đặc biệt nhận ra BĐS ngoại ô là một kênh đầu tư an toàn và sinh lời tốt chỉ mới phát hiện trong 1 - 2 năm gần đây dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực đầu tư này ở vùng ven TP.HCM và Hà Nội.

Điều tra từ đánh giá này cho biết, một bộ phận dân cư có tiền ở Hà Nội cho rằng việc sở hữu những biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng là nhu cầu thực tế. Lý do đưa ra bởi càng ngày nhu cầu tái tạo năng lượng sống hàng ngày trong giới trung lưu và thượng lưu càng lớn, thêm vào đó là sự hình thành và phát triển của hệ thống giao thông tiện lợi rút ngắn thời gian di chuyển về trung tâm.

Xu hướng phát triển BĐS nghỉ dưỡng là xu hướng tất yếu. Khi khu vực nội đô đang ngày càng trở nên quá tải, hơn nữa quy hoạch chung gần đây cho thấy kế hoạch phát triển và di dời một số cơ sở hành chính sự nghiệp như các trường đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ra ven đô. Việc dịch chuyển này cũng kéo theo việc dịch chuyển của một bộ phận dân cư có thu nhập khá cao như chuyên gia, giảng viên, kỹ sư.... dẫn đến nhu cầu về nhà ở tại các khu vực ven đô cũng tăng lên. Đây chính là một cơ hội đầu tư mới.

Nhận định từ phía nhà đầu tư cho rằng, mảng thị trường nghỉ dưỡng có tính an toàn cao trong các phân khúc BĐS, số tiền đầu tư lớn nên phân khúc này hướng đến những người có nhu cầu thực thay vì nhà đầu cơ lướt sóng. Đây là lý do chính khiến BĐS nghỉ dưỡng vẫn chào hàng trong khi các phân khúc khác giảm sút.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF