Thiếu vốn, hàng loạt dự án nhà ở sinh viên tạm dừng

Cập nhật 25/12/2014 10:16

rong số 10 dự án nhà ở sinh viên của Hà Nội hiện nay thì có tới 6 dự án đang phải tạm dừng vì thiếu vốn. Một số dự án thi công kéo dài dẫn đến chậm đưa vào sử dụng.

rong số 10 dự án nhà ở sinh viên của Hà Nội hiện nay thì có tới 6 dự án đang phải tạm dừng vì thiếu vốn. Một số dự án thi công kéo dài dẫn đến chậm đưa vào sử dụng.

Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Thiếu trên 1.500 tỷ đồng

Theo Sở Xây dựng, hiện Hà Nội đã và đang triển khai 10 dự án nhà ở sinh viên với khoảng 362 nghìn m2 sàn xây dựng mới, đáp ứng chỗ ở cho hơn 43 nghìn sinh viên. Tổng vốn đầu tư cho các dự án này là hơn 3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, trong 10 dự án trên mới chỉ có 4 dự án đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2013, đáp ứng cho 4.600 sinh viên gồm: Dự án ký túc xá tại ĐH Thủy lợi; ĐH Nông nghiệp; ĐH Ngoại thương và ĐH Việt Hung.

6 dự án còn lại đang phải tạm dừng vì thiếu khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó có 2 khu ký túc xá tập trung là dự án Mỹ Đình II và Pháp Vân - Tứ Hiệp cần 1.300 tỷ đồng. Hiện các dự án này đều chậm so với tiến độ do rơi vào tình trạng thiếu vốn nên phải tạm dừng hoặc thi công kéo dài so với tiến độ đề ra.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho hay, các dự án này trước đây được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, chưa được bổ sung nên đều chưa hoàn thành vì thiếu vốn. Những dự án này có mức vốn lớn nhưng đầu tư chưa hiệu quả, lãng phí do chưa hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng theo đúng tiến độ, mục tiêu ban đầu. Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường ĐH ở Hà Nội, tình trạng thiếu nhà ở cho sinh viên diễn ra trầm trọng kéo dài nhiều năm qua và cũng trông chờ nhiều vào quỹ nhà ở sinh viên tập trung quy mô lớn do TP xây dựng, nhưng hiện nay tiến độ triển khai rất chậm.

Chuyển thành căn hộ để bán

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trước mối lo ngại công tác bố trí vốn gặp nhiều khó khăn, để giảm tải áp lực về nhu cầu vốn cho dự án, cơ quan này đã kiến nghị chuyển đổi hạng mục nhà A3 thuộc Pháp Vân-Tứ Hiệp từ nhà ở sinh viên sang loại hình nhà xã hội để bán cho người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Nếu áp dụng phương án này sẽ thu hồi được khoảng 110 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công và đầu tư cho các hạng mục còn lại. Theo Sở Xây dựng thì khi chuyển đổi hạng mục nhà A3 từ nhà ở sinh viên sang căn hộ để bán sẽ phải điều chỉnh công năng công trình cho phù hợp mục đích sử dụng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đang tiếp nhận hồ sơ của sinh viên các trường ĐH thuê tại hai dự án ký túc xá tập trung trên. Cụ thể, theo phương án vừa được phê duyệt, giá thuê đối với khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp là 205.000 đồng mỗi tháng; khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II là 215.000 đồng.

Theo mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2020, TP Hà Nội phải hoàn thành đầu tư xây dựng 1.340 nghìn m2 sàn nhà ở học sinh, sinh viên, đến nay đã đầu tư được 363 nghìn và cần tiếp tục đầu tư 976 nghìn m2 sàn.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong