Thiếu quy ước đô thị

Cập nhật 14/04/2010 09:10

Quy hoạch một thành phố ngoài chuyện dự báo tương lai, đưa đời sống đô thị vào trật tự, quy củ còn cần một quy ước đô thị hay còn gọi là luật đô thị của mỗi vùng miền. Từ quy ước này tạo ra kịch bản phát triển, sự tuân thủ...

Quy hoạch một thành phố ngoài chuyện dự báo tương lai, đưa đời sống đô thị vào trật tự, quy củ còn cần một quy ước đô thị hay còn gọi là luật đô thị của mỗi vùng miền. Từ quy ước này tạo ra kịch bản phát triển, sự tuân thủ, chế tài đối với mọi thành phần trong đô thị, kể cả chính quyền.


Những ngôi nhà mới đang được xây ở quận Gò Vấp, TP.HCM không theo một quy chuẩn đồng bộ nào - Ảnh: Minh Đức

Quy ước đô thị của một thành phố được thể hiện bằng “được” và “không được” trong danh mục điều kiện của một bản quy hoạch được phê duyệt. Bản quy ước này không thể là “có thể được” hay “thỏa thuận”, cũng không thể là ý kiến chủ quan hay cảm tính.

Hiểu quy ước đô thị

UBND TP.HCM cấm xe thô sơ trên nhiều tuyến đường, cấm xe tải chạy vào ban ngày. Sở Giao thông vận tải cấm kinh doanh trên 115 đoạn, tuyến đường. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấm kinh doanh nhà hàng đông người trên cao, cấm mở hội trường, nhà khách trên sân thượng.

Bộ Xây dựng cấm mở văn phòng trong chung cư. Bộ Quốc phòng cấm xây cao ở một số vùng ảnh hưởng an toàn bay và tĩnh không của hệ thống pháo, cao xạ phòng không... Những điều trên thật ra là quy ước đô thị dưới dạng văn bản của một thành phố.
Mở nhà hàng 100 ghế phải có 100 chỗ để xe. Mở văn phòng, khách sạn, chung cư, trường học, bệnh viện, công viên, nhà hát đến dịch vụ giải trí đông người phải hội đủ yếu tố “được” và “không được” trong quy ước đô thị. Các phân khu chức năng trong đô thị phải được tuân thủ để khu nào ra khu đó, từ khu làm việc đến khu sản xuất, khu thương mại. Các phố chợ, trung tâm thương mại tập trung phải kèm bãi xe, đáp ứng các điều kiện phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Khu ở, khu công viên cũng vậy, nơi nào là công cộng phải thuộc về cộng đồng, không và dứt khoát không được thỏa thuận.

Thỏa hiệp với các mục đích kinh doanh sẽ dẫn tới nhiều hậu quả: tự do kinh doanh ảnh hưởng tự do đi lại (kẹt xe), cháy nổ hay vệ sinh môi trường... Trong quy ước đô thị, những gì ảnh hưởng đến cộng đồng dứt khoát phải là “không”!

Mở một con đường phải có quy hoạch cảnh quan, kèm danh mục điều kiện từ quy ước đô thị, kịch bản phát triển kinh tế, kịch bản văn hóa xã hội, các yêu cầu đối với chính quyền, cộng đồng và đối với nhà đầu tư. Có thể nào ngành giao thông chỉ biết làm đường?

Với một dự án chỉ vài hecta, chủ đầu tư phải làm quy hoạch kèm theo bản quy ước khu dân cư. Với dự án lớn vài trăm hecta, thành phố phê duyệt quy hoạch kèm theo phê duyệt quy ước đô thị.

Quy hoạch một thành phố phải có kịch bản phát triển và luật đô thị... Bởi những điều này sẽ là kim chỉ nam của cộng đồng, ở đó mọi thành phần cùng tham gia bảo vệ quy ước và không ai có quyền phá vỡ. Sẽ không có những chuyện như phân lô, cho thuê đất công cộng trong các dự án, tự tiện điều chỉnh quy hoạch từ đường lớn biến thành những đường nhỏ, công viên lại được phép xây khách sạn (như công viên Thống Nhất ở Hà Nội) hay khu trung tâm cũ lại được phép xây chen cao ốc.

Thiếu quy ước đô thị, người dân sẽ “bám trụ mặt tiền” kinh doanh, buôn bán cho dù phần còn lại của ngôi nhà sau khi giải tỏa chỉ là một khối hình kỳ dị. Tiện và lợi của cá nhân sẽ ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị và khiến môi trường sống ô nhiễm.

Thiếu quy ước đô thị, chủ đầu tư dự án nào cũng muốn chia nhỏ lô đất, bóp nhỏ vỉa hè, đường sá, hạn chế công viên và công trình công cộng bởi lợi nhuận là trên hết. Khu đất trống nào cũng được tận dụng xây chen cao ốc, càng nhiều căn hộ càng tốt, bất chấp đường sá, hạ tầng xung quanh quá tải.

Đây là vấn đề cấp thiết

Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã đặt ra một vấn đề rất cấp thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là vấn đề mới vì nhà siêu mỏng đã xuất hiện tại TP.HCM từ nhiều năm qua, ở nhiều tuyến đường. Khoảng năm năm trước, khi chuẩn bị mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP đã yêu cầu cơ quan chức năng phải thiết kế đô thị cho tuyến đường này nhưng khi có hướng dẫn thì phần lớn nhà dân đã xây xong. Tình trạng này đang lặp lại ở các tuyến đường mới mở khác như đại lộ Đông - Tây, đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất dù lãnh đạo TP đã yêu cầu các cơ quan quản lý quy hoạch phải làm thiết kế đô thị. Một vấn đề mang tính cấp thiết như vậy lại để quá lâu, nhiều năm qua chưa có sự chuyển biến. Không biết còn bao nhiêu tuyến đường mới mở sẽ tiếp tục phát sinh tình trạng này.

Tôi đã thấy nhiều căn nhà hình hộp kỳ dị trên đại lộ Đông - Tây, một đại lộ lớn và đẹp. Tôi nghĩ các cơ quan quản lý phải tính ngay phương án khắc phục, chấp nhận tốn kém. Với các tuyến đường sắp mở, khu dân cư mới cần chuẩn bị thiết kế đô thị ngay từ bây giờ. Không nên để tình trạng giải quyết nơi này lại phát sinh ở nơi khác.

Ông Đặng Văn Khoa (đại biểu HĐND TP.HCM)
Thiếu quy ước đô thị, thành phố sẽ lúng túng trong việc phân xử giữa giao thông công cộng hay giao thông cá nhân, giữa quyền tự do đi lại với mọi phương tiện gây ra kẹt xe, ô nhiễm. Cả thành phố trở thành nơi sản xuất, buôn bán tràn lan, thậm chí chung cư, cao ốc văn phòng cũng là nơi họp chợ hay sản xuất.

Thiếu quy ước đô thị còn dẫn tới mỗi căn nhà một kiểu thiết kế, màu sắc, nền nhà cao thấp, bảng hiệu quảng cáo che lấp cây xanh, trụ đèn và lề đường thành bãi đậu xe...

Nhìn lại hương ước làng xã và luật hè phố


Trước năm 1975, Sài Gòn đã có quy ước về vỉa hè hay còn gọi là luật hè phố. Trong đó gồm quy định ứng xử của các công trình phía sau nó như cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân, cao ốc; quy định về cây xanh, trụ đèn, lối đi bộ, lối đi cho người khuyết tật; quy định về bảng số nhà, nơi đấu nối điện, nước; quy định về cảnh quan khu vực vách mặt tiền đường, hợp khối từng đơn nguyên, chiều cao cốt nền; quy định khu vực nào được phép xây cao tầng, khu nào là khu hành chính, khu ngoại giao, khu thương mại, khu trường học, bệnh viện và khu ở... Tất cả được trình bày trong một tập văn bản mỏng dễ hiểu, dễ nhớ.

Quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm ngoài các bản vẽ kỹ thuật còn kèm theo bản quy ước khu vực, danh mục điều kiện, khuyến nghị với chính quyền và một kịch bản phát triển được cân nhắc giữa các thành phần tham gia. Hiện nay, mỗi thành phố trên thế giới đều có luật đô thị hay bản quy ước riêng, góp phần tạo ra bản sắc văn hóa của từng vùng miền mà bất cứ kiến trúc sư nào cũng phải tuân thủ.

Thiết kế đô thị là một từ chuyên môn dành cho những nhà chuyên môn. Trong một thời gian dài chúng ta đã lãng quên không gian công cộng và sự hài hòa của đô thị, dù cả trăm năm trước những yếu tố của thiết kế đô thị đã được thể hiện dưới hình thức quy ước, hương ước làng xã. Ví như đường làng có kích thước cụ thể, đình làng phải có hồ nước, cổng tam quan và sân đình, nhà dân ba gian hai chái, trường học phải có sân chơi, họp chợ ở nơi quy định...

Những hương ước, quy ước này đã giúp tạo ra một cộng đồng trật tự, hài hòa với những ứng xử văn hóa cho làng xã Việt Nam - cộng đồng dân cư lâu đời nhất - và ngày càng được hoàn thiện để trở thành quy ước của xã hội, của đô thị.

Ngày nay, Luật quy hoạch đô thị được ban hành đã lâu nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống vì thiếu hướng dẫn. Đã vậy, mỗi ngành có một quy hoạch riêng, không có sự phối hợp; quận huyện cũng có quy hoạch riêng gò bó với mật độ, tầng cao... mà quên nhiều thứ khác quan trọng hơn của cộng đồng.

Điều chỉnh pháp luật chung rất phức tạp với các quy trình tố tụng khó khăn, quy ước đô thị chính là biện pháp lấp chỗ trống này trong cuộc sống cộng đồng. Cả xã hội phải cùng tham gia xây dựng quy ước đô thị, không thể chỉ riêng ngành kiến trúc, xây dựng với một bản vẽ thiết kế đô thị hay bản quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết...

KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Thiết kế biên chỉnh trang

Vừa qua Hà Nội rất cương quyết với nhà siêu mỏng, siêu méo... TP.HCM phải mạnh dạn hơn với chuyện này. Kinh nghiệm ở Đà Nẵng cho thấy khi làm dự án, ngoài phần đất làm đường, cơ quan chức năng thu hồi sâu vào trong để sử dụng quỹ đất này làm biên chỉnh trang. Nhà nước sử dụng đất trong biên chỉnh trang này làm dự án, xây dựng các công trình, cao ốc hoặc đưa ra đấu giá để chủ đầu tư làm dự án, số tiền thu được bù vào khoản kinh phí đền bù giải tỏa, làm đường.

Ở TP.HCM giá đất cao hơn ở Đà Nẵng nên việc thực hiện biên chỉnh trang sẽ khó khăn hơn. Nhưng tùy điều kiện của từng dự án, có khi phải chấp nhận làm để khai thác được quỹ đất hai bên đường, đồng thời góp phần làm đẹp bộ mặt đô thị. Chuyện này phải tính toán ngay, nhất là những tuyến đường lớn, ở các cửa ngõ TP phải quan tâm nhiều đến việc chỉnh trang, thiết kế đô thị.

Để tồn tại hàng trăm căn nhà siêu mỏng kỳ dị như hiện nay là do các cơ quan quản lý nhà nước đã không tính toán, quản lý ngay từ đầu. Bây giờ xử lý khá tốn kém, thiệt hại cho người dân và cho cả Nhà nước.

Ông Phan Hùng Sanh (phường 2, quận 10, TP.HCM)


Đô thị ngột ngạt

Tôi nghĩ yếu tố con người và cộng đồng đã không được các nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng đô thị đề cao. Việc lấy ý kiến dân trước khi thực hiện một dự án chỉnh trang đô thị hay thay đổi quy hoạch, chức năng... cũng vậy, rất ít được coi trọng thực hiện. Trong khi chính dân mới là những người đầu tiên chịu tác động sâu sắc từ những méo mó, xô lệch và xấu xí mà quá trình đô thị hóa ồ ạt, thiếu kiểm soát và dự liệu gây ra; từ sự bất tiện trong đời sống thường nhật đến an toàn cư trú, sức khỏe, chưa nói đến quyền thụ hưởng hay những đòi hỏi tất yếu khác về diện mạo đẹp đẽ, đàng hoàng của một thành phố hiện đại.

Có bận khi mời tôi đến thăm căn nhà mới của mình, ông bạn đã phải chỉ dẫn tôi đi rất vòng vèo, qua những đoạn đường ngập nước cống và rác, sát cổng là một chùm cột điện. Ông bạn luôn miệng xin lỗi. Tôi cho rằng người phải nói lời xin lỗi chắc chắn không phải là ông bạn tôi.

Ông Mai Quốc Hà
(quận 2, TP.HCM)


Giấc mơ khắc khoải

Tự bao giờ mà mỗi lần dừng xe trước cửa nhà, ta bỗng nhận ra niềm vui nhỏ xíu khi reo lên hoặc nghĩ thầm: “A! Thế là ta đã về được nhà, đã thoát những đường phố kẹt cứng, đã an toàn không va quẹt, không tai nạn giữa đường...”.

Tự bao giờ khi lưu thông ta bỗng có thói ngó... lên trời xem có đi qua chỗ đang xây cao ốc vài chục tầng với cái cần cẩu đeo khối bêtông hàng chục tấn lủng lẳng, lo âu liệu có rơi xuống đầu mình, con đường lúc nhúc người phía dưới?

Tự lúc nào ta không còn nhận ra những con đường nhỏ với hai hàng cây bóng mát từng có những biệt thự không được quá hai tầng lầu, yên tĩnh, êm đềm sau cánh cổng có bóng mát, đầy hoa tím của cây khế cổ thụ. Những con đường khi quy hoạch nó, những nhà kiến trúc đã tính toán tỷ lệ không gian, cảnh quan hài hòa đến tuyệt hảo. Con đường ấy nay trông như một hàm răng lởm chởm nhô ra thụt vào, cái cao lênh khênh sát cạnh cái thấp lè tè... Tự lúc nào?...

Tự lúc nào ta bỗng nhớ? Bởi ta từng có những con đường rợp mát bóng lá, những góc phố ngăn nắp. Tự lúc nào ta nhìn thành phố yêu mến của mình đang sống mỗi ngày bỗng trở thành gương mặt lạ, manh mún đến tội nghiệp?

Tự lúc nào ta mất đi sự điềm đạm, an nhiên bởi bao nhiêu nỗi lo âu, bất an: đi ngoài đường không bị điện cột đèn giật chết tươi, vào ATM rút tiền không bị giật chết đứng. Nhà đang xây bỗng sụp đè chết người... Tự lúc nào?...

Sống là an. An khang, an nhiên, an lành...

Sống là yên. Yên tâm.

Nhưng tự lúc nào ta chẳng còn muốn ra đường...

Sự căng thẳng thường trực, sự đối phó thường xuyên với những điều lẽ ra không còn phải đối phó hay tính toán.

Tự lúc nào giấc mơ phố thị từng có nay lại phải mơ mãi, mơ dài, mơ lâu, mơ đến lòng khắc khoải...!

Ông Đỗ Trung Quân


>>Nghệ thuật kỳ dị


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ