Thiếu nhà ở: Giải pháp phải từ quy hoạch vĩ mô (Phần 1)

Cập nhật 29/11/2007 11:00

Vấn đề nhà ở, đặc biệt nhà ở cho người làm công ăn lương đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người...

Vấn đề nhà ở, đặc biệt nhà ở cho người làm công ăn lương đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người. Bài viết đề xuất một số giải pháp cho thực trạng thiếu nhà ở hiện nay.

Chúng ta đều biết cuộc sống con người tồn tại trên nền tảng các nhu cầu cơ bản là ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, giải trí và ước muốn lưu lại cái gì đó cho đời sau mà ta có. Có thể gọi đó là “lưu tích” (Có con nối dõi, mồ yên mả đẹp, công trình xã hội, danh thơm tiếng tốt…)

Để có được 7 yếu tố cơ bản đó, con người phải đấu tranh với tự nhiên, và cả trong cộng đồng xã hội. Cuộc đấu tranh thể hiện trong lao động ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sáng tạo ra cái mới, để không ngừng vươn lên.

Hay nói một cách khác, mỗi người phải tìm cho mình một hoạt động thích hợp trong xã hội để tồn tại và vươn lên hướng tới ngày mai. Từ đó ra đời sự cạnh tranh và phát triển của cá nhân, gia đình, của một cộng đồng xã hội. Và mục tiêu đó trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Nhà ở: Mối quan tâm hàng đầu của người dân hiện nay

Trong điều kiện kinh tế của đất nước ta hiện nay, ăn và mặc tuy còn có một bộ phận nhỏ có khó khăn, nhưng xem ra đại bộ phận người dân đều có thể vượt qua. Các yếu tố còn lại còn tùy thuộc vào sự phát triển chung của xã hội và sự phấn đấu của từng cá nhân. Nhưng vấn đề chỗ ở, nói một cách rõ ràng hơn là quyền sở hữu một chỗ ở, một căn nhà cho cá nhân, cho một gia đình đơn (hai thế hệ) hiện nay đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu của mọi người và điều này cũng đã trở thành nội dung quan trọng của sự công bằng xã hội hiện nay.

Như vậy, quyền có được nhà ở như nêu trên của mọi người dân phải được luật pháp bảo vệ, đó là quyền sống và phát triển của con người. Nhưng khi xã hội phát triển, dân số ngày càng tăng, trong khi đó đất đai thiên nhiên không tăng, mật độ dân số trên một diện tích tự nhiên ngày càng tăng, nghĩa là không gian sinh tồn của con người trên trái đất này bị thu hẹp lại.

Đất để sản xuất lương thực, đất cho công nghiệp, giao thông, xây dựng đô thị mới, làm nhà ở, đất để giữ gìn môi trường thiên nhiên... đều trở thành bài toán nan giải cho mọi quốc gia. Từ đó việc giải quyết nhà ở cho các thế hệ mới trưởng thành, những gia đình trẻ mới thành lập trở thành trọng tâm của chính sách xã hội hiện nay.



Thị trường bất động sản ngày càng nóng.


Để giải quyết yêu cầu nhà ở cho con người và các công trình kiến trúc khác cho xã hội, cần hai nhân tố. Nhân tố cứng là ngành nhà đất - xây dựng và nhân tố mềm là chính sách xã hội, về môi trường sinh sống của dân cư, trong đó chính sách đúng đắn cho ngành kinh tế bất động sản có vai trò quan trọng nhất.

Điều này liên quan sâu rộng đến các lĩnh vực khác bao gồm:

- Thể chế, luật pháp xã hội đảm bảo 7 yếu tố (nêu trên) cho con người đến mức độ nào.

- Thang bậc của trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

- Khả năng điều hành thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền, trong đó có chủ trương cơ chế chính sách thực hiện mục tiêu nhà ở cho dân. Đặc biệt là thông qua các công cụ điều hành kinh tế như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (trong đó chú trọng đến quy hoạch sử dụng đất đai, bố trí mạng lưới giao thông, quy hoạch xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường thiên nhiên, phân bổ khu dân cư, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ…)

Vấn đề đảm bảo nhà ở tương ứng với trình độ phát triển kinh tế của xã hội và mức sống của các tầng lớp dân cư, tưởng chừng đơn giản như câu nói “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu”. Nhưng thực chất câu nói này phản ánh trình độ phát triển thấp của một xã hội chỉ lo cái ăn là chính, còn nâng cao trình độ tiêu dùng và mức sống xã hội chưa được đặt ra.

Nơi ở của con người không chỉ là nơi che nắng che mưa, ngả lưng một giấc để ngày mai còn đi “cày” tiếp, mà còn là một không gian sống như một thiên đường riêng biệt nho nhỏ của bản thân mình, của gia đình mình. Không những thế, không gian sống đó còn là không gian kiến trúc, văn hóa của cộng đồng dân cư trong một xóm làng, một khu phố, một khu đô thị và rộng hơn cả là một thành phố. Nhà ở còn là biểu tượng tượng trưng cho đẳng cấp xã hội của người sở hữu ngôi nhà, nó hàm chứa cả một cách nhìn về thang bậc của 7 yếu tố cơ bản của cuộc sống con người xã hội.

Có lẽ hơi dông dài một chút nhưng chúng tôi muốn nói lên một vấn đề cốt lõi về bản chất xã hội của nhà ở. Yêu cầu của người mua nhà, chọn chỗ ở nó hàm chứa biết bao nội dung sâu xa về môi trường sống con người, về cấu trúc xã hội, vế chính trị, kinh tế.

Các yêu cầu luôn luôn biến động theo xu hướng mà ta hoàn toàn có thể tiên liệu trước. Chúng ta không thể giải quyết nhà ở cho nhân dân theo kiểu mở một tuyến đường rồi phân lô bán nền, xây dựng một chung cư nhiều tầng để có thể chứa được nhiều người là xong việc lo nhà ở cho dân. Như vậy thì chẳng có gì để nói đến thị trường bất động sản như một ngành kinh tế quan trọng của một quốc gia, trong vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của người dân.

Giải pháp phải từ quy hoạch vĩ mô

Để xây dựng được thị trường bất động sản lành mạnh, vừa phát triển kinh tế, vừa không ngừng cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là người lao động ăn lương trong mọi tầng lớp (từ người lao động chân tay như thợ hồ, công nhân bốc vác tại các bến cảng… cho đến người lao động trí óc như giáo sư, nhà nghiên cứu, các quan chức nhà nước ở mọi cấp...) Chúng tôi mạnh dạn nêu lên một số vấn đề mang tính giải pháp mà Nhà nước phải có trách nhiệm như sau:

Thứ nhất: Trong phạm vi chức năng quản lý Nhà nước nhất thiết phải gắn quy hoạch nhà ở với quy hoạch phân bổ dân cư, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho từng khu vực, từng địa phương cụ thể. Từ đó, phân bổ và quy hoạch đất đai địa phương, quy hoạch giao thông, và phân bổ mạng hạ tầng cơ sở xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, khu bảo tồn thiên nhiên…

Quy hoạch phải có giá trị thời gian suốt quá trình thực hiện, tương ứng với quy mô quy hoạch đã được cấp có thẩm quyến phê duyệt (UBND hoặc HĐND địa phương), vì thế không thể tùy tiện thay đổi quy hoạch (nếu muốn thay đổi phải qua trưng cầu dân ý của địa phương đó quyết định). Vì rằng, hủy bỏ hay thay đổi quy hoạch làm ở mức độ lớn sẽ đưa đến sự thay đổi chức năng địa dụng của vùng đất, là làm đảo lộn cuộc sống của người dân trong thời gian dài, đồng thời làm mất uy tín chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương là cơ quan công quyền chịu trách nhiệm bảo vệ nội dung quy hoạch đó, đồng thời có những chính sách hướng dẫn, khuyến khích nhà đầu tư, người dân tham gia thực hiện nội dung quy hoạch đó (Chính quyền không được tùy tiện thông qua quyết định hành chính để ngăn cản hay thay đổi quy hoạch và phải cẩn trọng khi đề nghị điều chỉnh quy hoạch).

Thứ hai: Việc quy hoạch và phân bổ dân cư phải xem xét trong tương quan với cơ cấu thành phần dân cư, phù hợp với nội dung kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Đây là bài toán nhân lực trong kinh tế - xã hội phải được cân nhắc kỹ. Từ đó quy hoạch xây dựng nhà ở, cảnh quan, cơ sở hạ tầng xã hội, khu vui chơi giải trí… nhất thiết phải dựa trên cơ sở thành phần dân cư và sức mua của đối tượng dân cư, mà hình thành kế hoạch phát triển nhà ở, các khu đô thị mới.

Thứ ba: Từ hai bài toán cũng như điều kiện cơ bản được bảo đảm như trên, chúng ta tiến hành chọn lựa các vùng đất phù hợp cho từng nội dung đề án phát triển kinh tế - xã hội, mở ra một thị trường bất động sản cho mọi ngành nghề cùng tham gia, trong đó chính sách tài chính, tín dụng sẽ được thực thi cụ thể trên từng đề án, hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh trong cả hai khu vực: đầu tư kinh doanh bất động sản và thực hiện chính sách nhà ở cho người lao động ăn lương. Từ đó giải quyết hài hòa bài toán thị trường bất động sản theo quy luật cung cầu và chính sách nhà ở xã hội cho các tầng lớp khác nhau.

Thứ tư: Vấn đề nhà ở cho người ăn lương. Đây là một nội dung cần được nghiên cứu và xem xét nghiêm túc.

> Thiếu nhà ở: Giải pháp phải từ quy hoạch vĩ mô (Phần 2) .

Theo VietNamNet