Vượt qua 7 đối thủ, Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã giành giải nhất trong cuộc thi ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm TPHCM và ven sông Sài Gòn. kết quả này đã được...
Vượt qua 7 đối thủ, Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã giành giải nhất trong cuộc thi ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm TPHCM và ven sông Sài Gòn. kết quả này đã được thông qua tại cuộc họp chiều 22-2 của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ TP
Vì sao là Nikken Sekkei?
“Giành lại vị trí Hòn ngọc Viễn Đông cho TPHCM với ba yếu tố chính là bản sắc, tiện nghi và sinh thái” chính là quan điểm thiết kế đem lại cho Nikken Sekkei số điểm cao nhất. Trong đó, chú trọng tạo ra nhiều mảng xanh và không gian mở cho người dân TP. Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP - thành viên Hội đồng Tuyển chọn quốc tế, nhận xét: “Hai đồ án nhất, nhì là Nikken Sekkei và RTKL (Mỹ) đều nêu được giải pháp cho các vấn đề của khu trung tâm TPHCM. Nhưng Nikken Sekkei trội hơn nhờ xây dựng được hình ảnh một TP nhiệt đới, thân thiện, chú trọng chất lượng sống bền vững bên cạnh yếu tố hiện đại”.
Ông Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TPHCM, một thành viên hội đồng, cho rằng nhờ vốn hiểu biết về TP, Nikken đưa ra được những phương án khả thi như: Chọn hai khu đất sát bờ sông của quận 4 và Bình Thạnh để triển khai xây dựng sớm; bảo tồn các khu vực biệt thự quận 1, quận 3; tổ chức những tuyến giao thông ngầm xuyên qua khu trung tâm để giảm áp lực giao thông...
Bờ Tây sông Sài Gòn lột xác
Sông Sài Gòn đã trở thành “nhân vật chính” trong cả 7 đồ án dự thi. Nikken Sekkei chủ trương xây dựng dọc bờ sông thành một khu phức hợp với dải công viên cây xanh và không gian mở. Đồng thời phát triển cao tầng ở các khu cảng sẽ di dời như Ba Son, Tân Cảng (từ 90 m – trên 180 m, thậm chí 270 m) cho chức năng thương mại, dịch vụ.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đặt câu hỏi: “Bờ Tây sông Sài Gòn được thiết kế như hình cánh võng với hai đầu cao tầng là Tân Cảng và cảng Sài Gòn liệu có hài hòa với tạo hình của Thủ Thiêm là hình nón cao dần từ bờ sông vào lõi trung tâm hay không?”. Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, giải thích đối xứng với những phần cao phía bờ Tây thì phía Thủ Thiêm đã được thiết kế thấp, tránh tạo sức ép hai bờ sông cao như vách, làm hẹp lòng sông, phá vỡ cảnh quan.
Hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân
Một trong những vấn đề được chú ý là việc mở trục Lê Lợi từ sau Nhà hát TP đến thẳng bờ sông Sài Gòn được nhiều đồ án nhấn mạnh. Trong đó có hai hướng, một là phá luôn dãy nhà của ngành điện lực để làm thành một trục lớn. Hai là để nguyên dãy nhà này nhưng khống chế chiều cao rồi mở hai đường song song chạy ra bờ sông.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, trục đường này vốn đã có quy hoạch làm metro nên phía trên cũng không thể xây dựng, thuận tiện để thực hiện mở rộng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Trí, Chủ tịch UBND quận 1, lại cho rằng Sở GTCC từng có ý kiến khu vực này phía dưới làm metro, phía trên vẫn có thể cho xây dựng nhà 4 tầng nên rất lo ngại sẽ xáo trộn đời sống người dân. “Đường Thi Sách hiện nay giao dịch thị trường đã là 30 lượng vàng/m2, nếu mở đường ra thẳng bờ sông có khả thi không? Nếu làm theo đồ án mà ảnh hưởng nhiều đến các khu dân cư thì chưa chắc chúng tôi đã ủng hộ” - ông Trí nói.
Ngoài ra, ông Trí cũng băn khoăn xung quanh việc xây dựng dọc bờ sông Sài Gòn: “Thông thường những nơi có hệ số sử dụng đất cao thì doanh nghiệp thi nhau nhảy vào, còn những chỗ khác thì né hết. TP có chính sách hỗ trợ hay trực tiếp xây dựng những khu vực này không?”.
Tương tự, nhiều ý kiến cho rằng lộ trình thực hiện quy hoạch phải cụ thể để tránh làm xáo trộn đời sống người dân. Trấn an những nghi ngại trên, ông Nguyễn Trọng Hòa khẳng định: “Đồ án này chưa mang tính pháp lý cuối cùng. Ngoài tuyến đường sau Nhà hát TP và dọc bờ Tây sông Sài Gòn thì không có xáo trộn. Đồ án cũng không làm tăng dân số khu trung tâm”.
Về vấn đề mở trục đường Lê Lợi, ông Lê Thanh Hải cho rằng cần bàn bạc thêm với Sở GTCC. “Chúng ta cũng cần chắt lọc thêm những đồ án khác để bổ sung vào đồ án đoạt giải. Riêng vùng bờ Tây sông Sài Gòn xem như xây dựng hoàn toàn nên phải thực hiện ngay quy hoạch 1/500 để kiểm soát từ đầu” - ông Hải chỉ đạo.
5 khu vực phát triển chính ở khu trung tâm
1. Dải bờ Tây sông Sài Gòn từ cầu sài Gòn đến cầu Tân Thuận: xây dựng khu trung tâm thương mại dịch vụ và công viên cây xanh dọc bờ sông.
2. Khu vực biệt thự quận 1, quận 3: Cải tạo chỉnh trang trên cơ sở gìn giữ nét đặc trưng của khu vực.
3. Khu vực trung tâm lịch sử hành chính: kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Hình thành trục biểu tượng của TP.
4. Khu vực lõi trung tâm thương mại dịch vụ (đặc biệt là tam giác Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi): cải tạo, chỉnh trang trên cơ sở chọn lựa các địa điểm thích hợp.
5. Khu vực lân cận lõi trung tâm thương mại dịch vụ: cải tạo, chỉnh trang trên quy mô toàn ô phố.
Ngoài ra, nghiên cứu chi tiết một số khu vực trọng điểm như: Công viên 23-9, ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng ra Khánh Hội, kết nối trục Lê Lợi với bờ sông Sài Gòn qua Ba Son.