Sức chịu đựng của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định việc tiếp tục hay từ bỏ cuộc chơi khốc liệt hiện nay.
Hầu hết doanh nghiệp địa ốc nhận định rằng, thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục khó khăn, đồng thời chuẩn bị tâm lý cho một cuộc đua đường dài. Sức chịu đựng của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định việc có tiếp tục hay phải từ bỏ cuộc chơi khốc liệt này.
Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp địa ốc đã không thể trụ nổi trên thị trường.
Mới đây, ông Nguyễn Minh Sương, Giám đốc Công ty Bất động sản Đại Nam (quận 2, TP.HCM) không ngần ngại cho biết, Công ty đã chính thức đóng cửa. “Thị trường khó khăn quá, nhiều tháng liền không bán được sản phẩm, trong khi chi phí hoạt động của Công ty mỗi lúc một tăng, nhân viên không có thu nhập nên xin nghỉ việc”, ông Sương nói và cho rằng, đóng cửa doanh nghiệp đồng nghĩa với phá sản, nhưng đây giải pháp “cắt lỗ” hiệu quả nhất mà ông đã tính toán.
Cũng theo ông Sương, ngoài doanh nghiệp ông, một số doanh nghiệp “chiến hữu” của ông đóng trên địa bàn quận 2, quận 9 cũng có chung hoàn cảnh.
Trong khi các doanh nghiệp địa ốc nhỏ phải rời bỏ “cuộc chơi”, thì phần lớn các “đại gia” bất động sản cũng đã thấm mệt. Kết quả báo cáo tài chính quý III/2011 của một số công ty cho thấy, hầu hết doanh nghiệp địa ốc hoạt động thua lỗ. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà ITC - doanh nghiệp có thâm niên trong ngành bất động sản và có khá nhiều quỹ đất, nhưng trong quý III vừa qua đã lỗ gần 38 tỷ đồng; Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt lỗ 7,17 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thủ Đức lỗ hơn 7,8 tỷ đồng…
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ, theo giải trình chung của các doanh nghiệp, là do sản phẩm không tiêu thụ được, trong khi gánh nặng lãi vay tăng cao.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thủ Đức đã đưa ra so sách, nếu như quý III/2010, chi phí tài chính của Công ty chỉ hơn 5,9 tỷ đồng, thì quý III/2011, chi phí này đã nhảy vọt lên hơn 14,3 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm hơn 12,7 tỷ đồng.
Còn với Công ty Phát triển bất động sản Phát Đạt, theo số liệu báo cáo tài chính quý III/2011, khoản vay ngân hàng lên tới hơn 538 tỷ đồng, với lãi suất phổ biến ở mức 21,6%. Tính ra, bình quân mỗi tháng, công ty này phải chịu khoản lãi gần 9,9 tỷ đồng, trong khi doanh thu trong quý III chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh các doanh nghiệp bị lỗ, cũng có một số doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khá tốt, nhưng lãi vay đã “ngốn” hết phần nhiều lợi nhuận. Công ty cổ phần Địa ốc Đất Xanh (DXG) là một ví dụ. Theo báo cáo của DXG, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của DXG đạt 173 tỷ đồng, với mức lợi nhuận ròng 50,48 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng chi phí lãi vay đã hết hơn 24 tỷ đồng.
Giới kinh doanh địa ốc cho rằng, chưa bao giờ, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như thời gian qua. Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay liên quan đến vấn đề tín dụng.
“Thực trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay là hàng tồn nhiều vì không bán được. Việc không tiêu thụ được sản phẩm liên quan mật thiết đến vấn đề tín dụng, bởi lẽ, nhu cầu nhà ở của người dân hiện rất lớn, nhưng phần lớn người tiêu dùng đều không đủ năng lực tài chính, mà phải trông cậy vào vốn vay ngân hàng. Song thời gian qua, tín dụng bị siết chặt và lãi suất cao, nên rất ít người tiêu dùng có đủ điều kiện để mua nhà”, ông Thanh nói và cho rằng, việc thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn hay sôi động trở lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tín dụng đối với bất động sản.
Rất may là, Ngân hàng Nhà nước mới phát thông điệp mở tín dụng bất động sản cho 4 nhóm đối tượng (các khoản vay phục vụ tiêu dùng như sửa chữa nhà cửa, mua nhà ở có nguồn trả nợ là tiền lương, tiền công; vốn vay để hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012; cho vay các dự án xây nhà để bán, nhà cho thuê; xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế).
Đây có thể được xem là tín hiệu khá tích cực không chỉ cho thị trường bất động sản, mà còn đối với cả nhiều ngành nghề khác. Trước hết, việc mở tín dụng này phần nào tháo gỡ vấn đề tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư vì như vậy, bất động sản không còn bị coi là lĩnh vực phi sản xuất. Điều này sẽ giúp người có tiền tin tưởng hơn và có thêm điều kiện mua nhà để ở, doanh nghiệp bất động sản theo đó cũng sẽ đỡ khó khăn hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư