Thị trường nhà ở: “Ấm”, “lạnh” theo dòng vốn

Cập nhật 21/10/2010 09:40

Nghị định 71/CP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ làm tăng tính minh bạch cho thị trường bất động sản (BĐS), đồng thời giảm nguy cơ bong bóng, tình trạng đầu cơ và gây sức ép lên các nhà đầu tư thiếu khả năng tài chính...

Nghị định 71/CP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ làm tăng tính minh bạch cho thị trường bất động sản (BĐS), đồng thời giảm nguy cơ bong bóng, tình trạng đầu cơ và gây sức ép lên các nhà đầu tư thiếu khả năng tài chính. Tuy nhiên, để thị trường khởi sắc, các chuyên gia cho rằng cần khơi thông dòng vốn, với mức lãi suất hợp lý.

Thị trường nhà ở trầm lắng

Theo ghi nhận của Công ty TNHH CBRE Việt Nam - công ty chuyên tư vấn, quản lý BĐS - thị trường nhà ở hiện trầm lắng, với số lượng chào bán chỉ khoảng 1.950 căn hộ, ít hơn rất nhiều so với 4.600 căn hộ trong quý II-2010. Trong đó, nhóm nhà ở cao cấp chiếm 67%, nhóm nhà ở trung cấp 33%; không có dự án hạng bình dân nào được bán ra. Nếu phân theo khu vực, quận Thanh Xuân chiếm 46%, Tây Hồ 21%, Đống Đa 17% và Từ Liêm 17%. Về giá bán, tất cả các căn hộ đều được chào bán từ mức 1.200 USD/m2 trở lên và tương đối ổn định. Hạng nhà trung cấp và bình dân, giá bán trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ 1,4-2,2%; trong khi nhà hạng sang và cao cấp giảm 0,2-0,6%. Nhiều dự án nhà cao cấp có tốc độ bán chậm.


Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên) vừa được hoàn thành. Ảnh: Huyền Linh

Theo CBRE, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường nhà ở chủ yếu là do Nghị định 71/CP chính thức có hiệu lực, quy định chỉ cho phép tối đa 20% số căn hộ trong một dự án được bán thông qua hình thức hợp đồng góp vốn. 80% số căn hộ còn lại buộc phải bán thông qua sàn giao dịch BĐS. Một lý do khác là theo thông lệ, tháng 7 âm lịch giao dịch mua bán nhà ở thường chững lại. Nhiều dự án lùi kế hoạch chào bán sang thời điểm cuối quý, hoặc sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, theo CBRE, Nghị định 71/CP sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS như tăng tính minh bạch, giảm nguy cơ bong bóng, tình trạng đầu cơ và gây sức ép lên các nhà đầu tư thiếu khả năng tài chính.

Kỳ vọng xu hướng nhà giá thấp

Dự kiến, trong quý IV-2010, thị trường Hà Nội sẽ có khoảng 3.000 căn hộ được chào bán, nâng tổng nguồn cung cả năm 2010 lên 16.000 căn hộ. Với việc hoàn thành dự án Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương kéo dài; triển khai dự án nâng cấp đường Ngô Gia Tự, Cầu Diễn - Nhổn; khởi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; tăng trưởng GDP của Hà Nội vượt xa tốc độ cả nước... thị trường BĐS được kỳ vọng có triển vọng tốt trong những tháng tới. Đặc biệt, với số lượng lớn căn hộ dành cho người thu nhập thấp ở đô thị khởi công trong quý III-2010, thị trường được dự báo sẽ có xu hướng tăng nhanh nguồn cung nhà ở có giá cả phải chăng. Nhận định này cũng trùng với nhận định của Bộ Xây dựng trong báo cáo mới đây. Theo Bộ Xây dựng, cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS đã có sự thay đổi, các nhà đầu tư chuyển hướng vào phân khúc thị trường nhà ở có mức giá trung bình (trên dưới 1 tỷ đồng), diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường và tăng tính thanh khoản của nguồn đầu tư. Nhu cầu về nhà ở đô thị, nhất là nhà ở giá phải chăng, nhà ở xã hội vẫn rất lớn, ước tính khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở với diện tích lên tới 150 triệu mét vuông, trong đó Hà Nội cần 5,5 triệu mét vuông.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS ấm lên hay nguội đi phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền. Hiện nay, chính sách tín dụng dành cho BĐS vẫn thắt chặt. Lãi suất ngân hàng dành cho các khoản vay tiêu dùng, mua BĐS ở mức cao. Vì vậy, thị trường BĐS nhìn chung đình trệ về giao dịch. Một số dự án chào hàng thời gian qua, mặc dù chủ đầu tư đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ như tặng quà giá trị lớn, liên kết với ngân hàng tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn, song tốc độ bán chậm. Theo một số chuyên gia, để thị trường khởi sắc cần xây dựng hệ thống tài chính riêng. Tuy nhiên, trước mắt khi còn phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng, chính sách tài chính tiền tệ cần linh hoạt để vừa bảo đảm không tạo ra bong bóng nhưng cũng không thắt chặt gây đổ vỡ trên diện rộng. Về lâu dài, cần hình thành các hình thức tín dụng phát triển nhà ở như quỹ tiết kiệm để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà hoặc quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn cho thị trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới