Thị trường nhà đất TP.Hồ Chí Minh: Gần nghĩa trang, bãi rác cũng "sốt" giá từng ngày

Cập nhật 27/12/2007 11:00

Nhiều năm trước đây, đất ở những khu vực ven kênh rạch, bãi rác ô nhiễm, hay nghĩa địa ở TP.HCM thường là sự chọn lựa của những...

Nhiều năm trước đây, đất ở những khu vực ven kênh rạch, bãi rác ô nhiễm, hay nghĩa địa ở TP.HCM thường là sự chọn lựa của những người có thu nhập thấp, do giá rẻ và ít biến động, lại không có giá trị sinh lời cao.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2007 đến nay, trước cơn sốt đất đang lan rộng, giá đất ở những khu vực này cũng đã lặng lẽ tăng. Và đối với hàng triệu dân còn có thu nhập trung bình và thấp ở TP.HCM thì những khu đất "chết" này lại đang hồi sinh thực sự.

Xóm nghĩa trang ở đường Nguyễn Sỹ Sách, Trần Thái Tông P.15, Q.Tân Bình, có rất nhiều người sinh sống sinh sát bên cạnh phần mộ của người chết. Nhà khu vực này có diện tích không lớn, chỉ khoảng từ 16m2 đến 30m2.

Gần đây, kèm theo cơn sốt đất là việc được đăng ký đồng hồ điện, không phải dùng điện câu như trước nên đất càng có giá. Nhà diện tích trên dưới 20m2 thậm chí nằm trong hẻm nhỏ cũng có giá dao động từ 50 -130 triệu/căn. Một chủ đất vừa bán xong một mảnh diện tích 18m2 với giá 65 triệu đồng mấy tháng trước, giờ có khách hỏi mua lại với giá 100 triệu đồng! Nhiều câu chuyện "được lộc, được phù hộ" từ đất nghĩa trang càng làm người dân hy vọng.

Vả lại đây là khu nghĩa trang tự phát, chưa quy hoạch, nên người dân hy vọng sẽ có sự thay đổi. Cách khu vực này một ngã tư, giá đất lên tới 13 triệu đồng /m2. Gần chợ Tân Trụ, nhà có diện tích từ 12m2-52m2 được rao bán với giá dao động từ 300 - 650 triệu đồng/căn.

Khu vực Bình Hưng Hòa, xóm nghĩa trang đường số 11, P. Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, giá có phần rẻ hơn vì khu này là nghĩa trang đã quy hoạch. Nhà 40m2 giá 110 triệu, 72m2 giá 220 triệu, 100m2 giá 250 triệu…đa số là nhà cấp 4 hoặc xây dựng tạm bợ, chắp vá.

Địa bàn kênh nước thải đường Hiền Vương P. Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú giá đã lên cao ngất ngưởng vì đoạn đường này có quy hoạch làm cống hộp. Tại khu vực này, nhà cấp 4 diện tích khoảng 60 -70m2, giá khoảng 1,4 tỷ đồng, với diện tích đó trên mặt tiền Phạm Văn Xảo gần đó giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng trở xuống, bởi con đường này đã được xây dựng ổn định.

Kênh Tân Hóa đường Hòa Bình, Q. Tân Phú (gần công viên Đầm Sen) chưa được gia cố xây dựng bờ kênh, nước thải ô nhiễm nặng bốc mùi nồng nặc nhưng giá vẫn cứ tăng và dân tình vẫn cố bám sống ở đây để giữ đất chờ giá tăng ăn theo quy hoạch. Nhà 42m2 giá 750 triệu, 36m2 giá 560 triệu đồng, nhưng người dân cũng chẳng ai tha thiết muốn bán.

Một số khu vực khác được coi là điểm nóng về ô nhiễm ở TP.HCM hiện nay như gần bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi), bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), bãi rác Gò Cát (Q. 9) giá cũng tăng tương tự. Tại ngã ba Đông Thạnh, đất thổ cư trong các ấp 2, 4, 6,7 có giấy tờ hợp lệ được rao bán với giá từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/m2. Những khu đất vị thế đẹp hơn như mặt tiền đường Bùi Công Trừng có giá từ 3,5 đến 5 triệu đồng/m2.

Người dân tại các phường Phước Long, Long Bình, Tân Phú, Long Thành My, Q.9 từ nhiều năm nay đã sống chung với khói bụi, mùi hôi thối độc hại từ 120 lò gạch thủ công, xưởng thực nghiệm Công ty Hóa chất miền Nam, nhưng khi có dự án quy hoạch ở phường Phước Long, giá cả đã "thăng thiên" leo lên tới con số chóng mặt: 8,2 - 17 triệu đồng/m2.

Khu Công nghiệp Tân Thới Hiệp (Q.12) không nằm ở khu vực trung tâm, là nơi sinh sống chủ yếu của người lao động, công nhân thu nhập thấp, chịu ảnh hưởng ô nhiễm bởi nước thải từ Nhà máy Chế biến lương thực thực phẩm, ô nhiễm không khí của ngành nghề cơ khí, dệt may, nhưng giá bất động sản ở đây cũng đang nhích lên từng ngày.

Khu vực phường Hiệp Thành, giá cả còn tương đối rẻ (1,5 - 3,7 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, khi UBND Q.12 phê duyệt quy hoạch khu dân cư phường Tân Thới Nhất, muốn sở hữu một mảnh đất dự án phải trả tới 8 triệu đồng/m2 và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Theo Bộ TN - MT