Thị trường nhà, đất năm 2010: Nhộn nhịp trở lại

Cập nhật 08/01/2010 10:20

Bộ Xây dựng đang chuẩn bị báo cáo Thủ tướng về thị trường bất động sản năm 2009 và dự báo thị trường năm 2010. Nhiều căn cứ để khẳng định thị trường năm 2010 sẽ sôi động hơn.

Bộ Xây dựng đang chuẩn bị báo cáo Thủ tướng về thị trường bất động sản năm 2009 và dự báo thị trường năm 2010. Nhiều căn cứ để khẳng định thị trường năm 2010 sẽ sôi động hơn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN Nguyễn Trần Nam cho biết.
 

Năm 2010, Hà Nội sẽ có thêm nhiều dự án bất động sản như thế này. Ảnh: Phạm Yên


Ông Nguyễn Trần Nam khẳng định: Đầu năm 2010, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Hiện quy hoạch này đã gần xong, đầu năm trình Chính phủ và sau đó là Quốc hội.

Khi đã có quy hoạch mới, nhiều dự án sẽ được cấp phép, được giải toả. Hiện nhu cầu của người dân rất lớn.

Bình quân diện tích nhà ở trên đầu người ở ta mới đạt trên 13 m2 . Mục tiêu là đến năm 2015 theo quyết định của Thủ tướng thì phải đạt 15 m2/đầu người và đạt 20 m2/đầu người vào năm 2020.

Trung Quốc dù dân số cao nhất thế giới cũng đã đạt 28 m2/đầu người. Việt Nam hiện có trên 1 tỷ m2 nhà ở, đến năm 2020 VN cần có tổng diện tích nhà ở trên 2 tỷ m2. Tức là trong 10 năm tới chúng ta phải xây dựng khoảng 1 tỷ m2 nhà ở. Trung bình phải xây 100 triệu m2 nhà ở/năm. Đây là nhiệm vụ rất lớn cần có cơ chế chính sách phù hợp mới có thể đạt được chỉ tiêu này - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam

* Giá nhà đất tại Việt Nam được xếp vào hạng cao của thế giới, trong khi đó thu nhập của người dân lại thuộc hàng thấp nhất. Ông bình luận gì về sự bất hợp lý này?

Thực tế đang xảy ra tình trạng như vậy. Giá BĐS phụ thuộc vào cung cầu. Cung nhỏ trong khi cầu lại lớn thì chắc chắn giá sẽ tăng cao, rất khó kiềm chế.

Thị trường phải tuân theo những nguyên tắc cung - cầu. Thị trường BĐS hiện nay mới hình thành và đang trong giai đoạn mất cân đối cung cầu nghiêm trọng. Vừa qua tại Hà Nội có xảy ra tình trạng sốt ảo, giá đất tăng chóng mặt nhưng sau đó đã bình ổn trở lại.

Khi cung cầu bớt chênh lệch, thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh thì nhiều dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Khi đó nguồn cung sẽ tăng lên, giá sẽ trở về thực hơn. Năm 2010 giá cả sẽ ổn định hơn, nguồn cung dồi dào hơn, thị trường sẽ nhộn nhịp hơn.

Năm nay, còn phải kể đến nhiều dự án nhà ở xã hội cũng sẽ hoàn thành. Thị trường BĐS khá nhạy cảm và chịu tác động của rất nhiều chính sách liên quan, liên thông với thị trường vốn, chứng khoán.

Nhằm phát triển thị trường, khắc phục những bất hợp lý, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, xây dựng Đề án phát triển thị trường BĐS đến năm 2020 và tầm nhìn đến giai đoạn sau.

* Nhiều chủ đầu tư cho biết, sức ép về vốn trong năm nay lên các dự án rất lớn. Theo ông, có cách nào tháo gỡ khó khăn này?

Về vốn, lâu nay thường trông chờ vào ngân hàng. Tuy nhiên nguồn vốn cho BĐS đòi hỏi lượng tiền khổng lồ và dài hạn. Trong khi đó các ngân hàng thương mại hiện chỉ cho vay tối đa là 10 năm. Mức dư nợ trong tổng dư nợ của ngân hàng dành cho BĐS thường khống chế tối đa khoảng 10%.

Mỗi khi có xảy ra vấn đề khủng hoảng hay khó khăn, nhạy cảm tài chính thì lĩnh vực đầu tiên bị siết lại tín dụng đó là BĐS. Nếu chỉ trông vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì khó phát triển nhanh được.

Theo tôi, cần phải mở ra nhiêu nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ tiết kiệm và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Cần có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động một cách hợp lý nguồn vốn từ nhân dân.

* Theo ông, những rào cản lớn nào đang kìm hãm sự phát triển của thị trường và chúng ta phải làm gì để vượt qua rào cản này?

BĐS không như hàng hoá khác, khi thấy thiếu thì nhanh chóng đẩy nguồn cung lên. Nhưng lập dự án BĐS phải mất 2-3 năm thậm chí lâu hơn mới có sản phẩm bán, độ trễ về thời gian quá lớn, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu.

Nhà nước hiện can thiệp rất sâu bằng các thủ tục hành chính, nắm quyền về quy hoạch, quản lý đất đai. Trong khi đó thủ tục hành chính còn rất phiền hà.

Cần có chính sách về tài chính nhằm tạo điều kiện để mọi người dân được mua bán, trao đi đổi lại nhanh chóng, thuận tiện. Mức thuế phải hợp lý, làm sao người giàu, người nghèo, Việt kiều đều mua được nhà.

Làm sao để người dân không phải luồn lách, mà được mua bán đàng hoàng. Đây là loại thị trường có tính chất đầu kéo cho nhiều lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, giao thông vận tải, tiền tệ, đô thị... phát triển.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong