Thị trường mặt bằng bán lẻ: Cần cái nhìn dài hạn

Cập nhật 15/01/2015 16:30

LTS. Lời "chia tay" của Parkson với tòa nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau, từ chuyện tương lai của nhà bán lẻ Malaysia này tại thị trường Việt Nam cho đến hoạt động của các trung tâm thương mại (TTTM) hạng A ở một số thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM - nơi quy tụ nhiều TTTM hạng A. Song, ông Nguyễn Khánh Toàn - Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, điều này không đồng nghĩa với viễn cảnh bi quan cho thị trường này.

LTS. Lời "chia tay" của Parkson với tòa nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau, từ chuyện tương lai của nhà bán lẻ Malaysia này tại thị trường Việt Nam cho đến hoạt động của các trung tâm thương mại (TTTM) hạng A ở một số thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM - nơi quy tụ nhiều TTTM hạng A. Song, ông Nguyễn Khánh Toàn - Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, điều này không đồng nghĩa với viễn cảnh bi quan cho thị trường này.


Tại thị trường TP.HCM, công suất cho thuê ở các TTTM của Parkson đạt khá cao, những khu vực trung tâm, tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 100%.

Dù kinh doanh bán lẻ đang giảm sút, do trung tâm thành phố đang xây dựng metro và làm lại đường Nguyễn Huệ, việc tiếp cận với các TTTM lớn khá khó khăn nhưng điều đáng ngạc nhiên là theo khảo sát của chúng tôi, diện tích cho thuê mặt bằng bán lẻ nhìn chung vẫn đạt trên 90% cho cả năm 2014, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Hơn nữa, khi các công trình như phố đi bộ (Nguyễn Huệ thông với Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn) và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hoàn chỉnh, đặc biệt là tuyến Metro với lưu lượng hành khách khoảng 200.000 người/ngày sẽ mang đến lợi thế lớn cho các TTTM tại đây.

Dù trên thực tế, ở các cửa ngõ phía Đông, Tây, Nam TP.HCM đang hình thành nhiều dự án TTTM có quy mô lớn, có kết nối giao thông tốt nhưng khu vực trung tâm luôn có ưu thế thu hút dân cư, do tập hợp nhiều tiện ích. Nhiều khách thuê mặt bằng và nhà phát triển TTTM nhìn thấy tiềm năng dài hạn này và đang cố gắng cầm cự để vượt qua những khó khăn trong ngắn hạn.

Ở khía cạnh đầu tư, năm 2014, nhiều nhà bán lẻ lớn cũng bước vào thị trường Việt Nam, hoặc bắt đầu mở rộng, một số cơ cấu lại hoạt động. Nhưng, những hiện tượng này cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Sự cơ cấu không đồng nghĩa với rút lui mà là tìm chiến lược kinh doanh phù hợp hơn.

Với các nhà bán lẻ ngoại, một khi đã tham gia vào thị trường nào thì đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, họ chấp nhận "thiệt" trong một khoảng thời gian nhất định. Còn nhớ, chuỗi thức ăn nhanh như KFC cũng phải mất 10 năm "nếm mật nằm gai" với thị trường Việt Nam mới thu lợi nhuận.

Tầng lớp trung lưu ở các đô thị lớn của Việt Nam ngày càng phát triển, thu nhập cải thiện nên tôi vẫn kỳ vọng, các TTTM hiện đại sẽ cầm trịch thị trường bán lẻ trong tương lai. Trong đó, các nhà đầu tư Thái Lan là "đối thủ đáng gờm" của các nhà bán lẻ Việt Nam, do họ có sự am hiểu về thị trường Việt Nam và hơn hết là người tiêu dùng Việt Nam khá chuộng hàng Thái.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân SG