Thị trường địa ốc tiếp tục “xì hơi”

Cập nhật 28/08/2011 10:25

Văn phòng cho thuê hạng A đã có 10 quý liên tiếp giảm giá thuê, từ mức đỉnh 70 USD (quý I/2007) giảm còn 20 – 25 USD/m2, là điển hình cho sự “xì hơi” của bong bóng bất động sản.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương (thứ tư từ trái qua) chủ trì Diễn đàn Đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam 2011
Văn phòng cho thuê hạng A đã có 10 quý liên tiếp giảm giá thuê, từ mức đỉnh 70 USD (quý I/2007) giảm còn 20 – 25 USD/m2, là điển hình cho sự “xì hơi” của bong bóng bất động sản.

Diễn đàn Đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam 2011 do Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức tại Hà Nội ngày 26/8 vừa qua đã dự báo, sau một thời gian phát triển nóng và mất cân đối giữa các phân khúc, thị trường bất động sản sẽ trải qua đợt “lột xác” để trở thành một thực thể lành mạnh, khoẻ khoắn hơn.

Thống kê của các tổ chức môi giới bất động sản quốc tế tại Việt Nam như Savills, CBRE, Night Frank hay Cushmans Wakefield đều cho thấy tốc độ phát triển chóng mặt của các phân khúc thị trường bất động sản cao cấp như: văn phòng hạng A, căn hộ cao cấp, mặt bằng bán lẻ cao cấp, đất nền biệt thự, nhà liền kề… và đây cũng chính là những phân khúc thị trường có tốc độ giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2008 đến nay. Văn phòng cho thuê hạng A đã có 10 quý liên tiếp giảm giá thuê, từ mức đỉnh 70 USD (quý I/2007) giảm còn 20 – 25 USD/m2 là điển hình cho sự “xì hơi” của bong bóng bất động sản.

Hệ luỵ của tình trạng tăng trưởng nóng trong lĩnh vực bất động sản, theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, là dẫn đến tình trạng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đang chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu trong lĩnh vưc bất động sản của các ngân hàng thương mại. Dư nợ bất động sản tính đến tháng 6/2011 là 245.000 tỷ đồng, tương đương 10% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Trong đó, nợ xấu BĐS khoảng 3%, tương đương khoảng 7.350 tỷ đồng. 40% trong số này là nợ nhóm 5 nợ có khả năng mất vốn! Tỷ lệ này là khá cao so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (6%), Malaysia (7%). Bên cạnh đó, bất ổn của thị trường bất động sản Việt Nam đang khiến nợ bất động sản của hệ thống ngân hàng có nguy cơ trở thành nợ xấu ngày một nhiều hơn.

Còn theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, Trước tình trạng này, nhà đầu tư bất động sản phải chủ động tìm giải pháp cho mình, không nên có ý thức bắt Nhà nước can thiệp. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư sang khu vực đang có cầu thực, có khả năng thanh toán (nhà ở chung cư tư nhân). Có nhà đầu tư đã giảm giá nhà hình thành trong tương lai tại những vị trí thuận lợi để gọi được vốn góp từ những người tiêu dùng. Có nhà đầu tư đã bán doanh nghiệp cùng dự án cho nhà đầu tư lớn, có khả năng tài chính, tự mình chấm dứt cuộc chơi trên sân chơi bất động sản. Những giải pháp chủ động này cũng là quá trình tất yếu diễn ra trên thị trường để hướng tới một thị trường lành mạnh hơn, giá cả hợp lý hơn, người tham gia chuyên nghiệp hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư