Thị trường đất nền tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào thực trạng “cầu nhiều, cung ít”. Giao dịch chủ yếu tập trung ở thị trường thứ cấp, khi một số nhà đầu tư bắt đầu “lướt sóng”.
Thị trường đất nền tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào thực trạng “cầu nhiều, cung ít”. Giao dịch chủ yếu tập trung ở thị trường thứ cấp, khi một số nhà đầu tư bắt đầu “lướt sóng”.
Giá đất "chênh" từ 10 - 30% so với giai đoạn cuối năm ngoái, nhưng người mua nhiều hơn người bán khiến nguồn cung càng khan hiếm.
Không có nhiều sản phẩm bán ra
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, trên các tuyến đường chính thuộc địa bàn quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đang mọc lên khá nhiều điểm dịch vụ môi giới nhà đất với đầy đủ biển hiệu, thông tin hiện trạng, sơ đồ hiện trạng, diện tích, giá cả... Đây hầu hết là những điểm giới thiệu mua bán nhà đất tư nhân nhỏ lẻ, tuy nhiên, phong cách phục vụ tương đối chuyên nghiệp.
Anh Nguyễn Trọng Hào (quê gốc Thanh Hóa, ngụ tại quận 9) - một "cò đất" có thâm niên tại địa bàn quận 9 cho biết, trong một tháng qua, anh tiếp nhận gần chục yêu cầu tìm mua đất tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, nhưng mới chỉ giải quyết được chưa đầy 5 trường hợp. Nguyên nhân chính là nguồn sản phẩm khách hàng gửi bán quá ít ỏi, thiếu nguồn hàng cho người mua lựa chọn. Một số sản phẩm khách hàng gửi bán, nhưng trước tình hình thị trường, nhiều người đã nhanh tay hủy hợp đồng, “om hàng” đợi tăng giá.
![]()
Khách hàng tham khảo thông tin mở bán dự án Him Lam Phú Đông. Ảnh: Gia Việt
|
Chuyên gia nhận định:
Thận trọng không thừa
Nhà đầu tư thứ cấp là một phần không thể tách rời của thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng trước sự gia tăng các nhà đầu tư thứ cấp, bởi đây không chỉ là nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn về giá sản phẩm, mà còn là mầm mống của "bong bóng" BĐS - đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA).
Theo ông Châu, "bong bóng” BĐS chỉ xảy ra khi có đủ các yếu tố sau: Thứ nhất, nền kinh tế phát triển nóng là nền tảng để phát sinh “bong bóng” BĐS, do các doanh nhân và người dân cũng dễ kiếm tiền, từ đó sẽ chuyển qua đầu tư BĐS hoặc mua BĐS làm tài sản để dành. Nền kinh tế nước ta hiện vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng chậm, chưa có biểu hiện phát triển nóng.
Thứ hai, trong trường hợp Nhà nước buông lỏng chính sách tín dụng, các ngân hàng hạ chuẩn, dễ dãi cho vay tín dụng và thiếu kiểm soát sử dụng vốn vay là điều kiện trực tiếp dẫn đến “bong bóng” BĐS. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt, không có hiện tượng buông lỏng tín dụng.
Thứ ba, có sự phát triển lệch pha cung – cầu trên thị trường BĐS, chủ yếu là phát triển nóng ở phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay, đang có hiện tượng này nhưng chỉ một yếu tố này thì chưa đủ điều kiện dẫn đến “bong bóng” BĐS.
Thứ tư, có sự gia tăng lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, được dẫn dắt bởi một số người đầu cơ chuyên nghiệp, tạo được “sóng” và “lướt sóng” kiếm lợi rất nhanh trên thị trường BĐS là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “bong bóng”. "Hiện đã có tình trạng gia tăng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, mua đi bán lại kiếm lời, nhưng chưa có dấu hiệu xuất hiện các nhà đầu cơ chuyên nghiệp. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần thận trọng, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường BĐS thứ cấp. Đây là việc làm không thừa..." - ông Châu nhận định.