Thị trường căn hộ: Kịch bản cũ có lặp lại?

Cập nhật 15/07/2015 13:30

Quý II/2015, theo CBRE Việt Nam, thị trường căn hộ tại TP.HCM đã xác lập kỷ lục mới với 19 dự án được chào bán ra thị trường, trong đó có 11 dự án mới.

Quý II/2015, theo CBRE Việt Nam, thị trường căn hộ tại TP.HCM đã xác lập kỷ lục mới với 19 dự án được chào bán ra thị trường, trong đó có 11 dự án mới.

6 tháng đầu năm, TP.HCM có 8.000 căn hộ được tiêu thụ. Ảnh: Quý Hòa

Giao dịch lập kỷ lục

Đánh giá về thị trường căn hộ tại TP.HCM trong những tháng đầu năm 2015, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn (HASR) cho biết, nguồn cung sản phẩm khá dồi dào và hầu như tuần nào cũng có những đợt mở bán.

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, quý II/2015, thị trường căn hộ tại TP.HCM đã xác lập kỷ lục mới với 19 dự án được chào bán ra thị trường, hơn 10.000 căn hộ đã được bán, tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường TP.HCM đạt 57%, tăng 19% so với quý I/2015 và tăng 126% so với cùng kỳ năm trước.

Đây được xem là số lượng giao dịch đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử thị trường nhà ở tại TP.HCM xét theo quý.

Như vậy, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, TP.HCM có tổng cộng 18.000 căn hộ được tiêu thụ, đẩy tỷ lệ tiêu thụ tại TP.HCM lên 67%. Thanh khoản của thị trường tính đến tháng 6 đạt xấp xỉ tổng lượng tiêu thụ cả năm 2014.

Riêng trong quý II vừa qua cũng chứng kiến sự trỗi dậy của phân khúc căn hộ cao cấp khi ghi nhận mức tiêu thụ khoảng 5.800 căn, trong khi chỉ có khoảng 2.800 căn được bán trong phân khúc bình dân.

Điều này trái ngược với thị trường giai đoạn 2012 - 2013, sản phẩm nhà ở bình dân chiếm đa số.

Trong quý, đã có hàng loạt dự án căn hộ cao cấp được tung ra thị trường như: Gateway Thảo Điền, Sarimi - khu đô thị Sala, tòa nhà Landmark 1, 2, 4, 5 - thuộc dự án Vinhomes Central Park...

Những ghi nhận gần đây cũng cho thấy, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM trong những tháng cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Cụ thể, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Khang Điền, trong chủ trương đa dạng hóa sản phẩm, bên cạnh nhà phố liên kế thì doanh nghiệp đang chuẩn bị để phát triển thêm hạng mục chung cư cao tầng ở Quận 9, với phân khúc trung bình vì nhu cầu của thị trường vẫn còn nhiều.

Trong khi đó, mới đây, theo nguồn tin từ SơnKim Land, năm nay, bên cạnh dự án Gateway Thảo Điền, công ty sẽ triển khai dự án căn hộ cao cấp thứ 2 tại khu vực phía Đông thành phố.

Ngoài ra, sau khi phát triển ở thị trường phía Bắc thành phố, sắp tới, Hưng Thịnh Corp sẽ chính thức ra mắt dự án căn hộ Florita ở tại khu dân cư Him Lam - Kênh Tẻ.

Chưa hết mừng đã vội lo

Trước thực tế phục hồi mạnh mẽ của thị trường, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành chia sẻ quan điểm, sau bao năm "trùm mền", nhiều dự án bất động sản (BĐS) đã hồi sinh, nguồn cung trong thời gian gần đây đã tăng 500%, trong khi khách hàng chỉ tăng 50%.

Hơn nữa, đa phần các dự án tung ra thị trường đặt cột mốc hoàn thành vào năm 2017, tức nhà hình thành trong tương lai, như vậy, vẫn chưa có gì chắc chắn về một viễn cảnh bền vững nếu như thanh khoản sản phẩm gặp trục trặc.

Hơn nữa, không ít chuyên gia trong ngành tỏ ra lo ngại về vấn đề thanh toán, dù hiện nay, để tạo điều kiện tiếp cận và giảm áp lực tài chính cho người mua nhà, các chủ đầu tư đã áp dụng nhiều chính sách thanh toán linh hoạt.

Điển hình như chính sách trả dần trong thời hạn 2 - 4 năm không lãi suất, hoặc lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng và ổn định, hay kết hợp với ngân hàng tài trợ vốn cho khách hàng với lãi suất ổn định trong vòng 3 - 5 năm, không phạt với những trường hợp trả trước hạn...

Song, điều này không đảm bảo rằng, lãi suất cho vay mua nhà trong tương lai sẽ không tăng.

Nếu lãi suất tăng thì liệu câu chuyện của năm 2008 về "bẫy lãi suất" trong cho vay mua BĐS có quay lại vì hiện nay, các ngân hàng khá "linh động" và tạo sức hút bằng mức lãi suất thấp trong cho vay BĐS.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 5/2015, tín dụng BĐS đã tăng 10,89%, tăng gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Dư nợ trong lĩnh vực này đã tăng khoảng 70% so với thời điểm đầu năm 2012.

Cho nên, để "ngừa" rủi ro, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa rồi của Chính phủ cũng yêu cầu NHNN giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có BĐS.

Bày tỏ quan điểm về việc có hay không việc tái hiện bong bóng BĐS trong tương lai, ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Gia Hòa cho rằng, sau mấy năm trầm lắng, bản thân của mỗi doanh nghiệp đã học được nhiều kinh nghiệm "xương máu" nên khi phát triển dự án, họ khá thận trọng trong mọi quyết định.

Nếu đã nói đến "khủng hoảng thừa hay bong bóng" thì phải phân tích xem phân khúc nào, đối tượng nào tiềm ẩn nguy cơ, không thể nói chung chung.

Đối với phân khúc căn hộ cao cấp, doanh nghiệp hiện nay điều nghiên thị trường kỹ lưỡng và nhắm đến nhóm đối tượng khách hàng nhất định.

Trong khi nhà trung bình thì lượng sản phẩm hiện nay chưa thỏa mãn hết nhu cầu của người mua. Vấn đề ở đây là nhà phát triển có chiến lược giá và thiết kế sản phẩm phù hợp. "Sản phẩm đẹp, giá cả hợp lý thì không ngại chuyện thanh khoản", ông Mạnh nói.

Bởi chỉ tính riêng giới tri thức trẻ hiện nay ở các đô thị lớn như TP.HCM, mỗi năm cần khoảng 10.000 căn hộ, nhu cầu còn khá lớn.

Riêng về vấn đề tín dụng, việc tăng giảm lãi suất có tác động đến sức khỏe của nền kinh tế nói chung nên chắc chắn sẽ không có chuyện hệ thống ngân hàng thực hiện tăng lãi suất đột ngột.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG