Thị trường BĐS: Xu hướng đi lên rõ rệt

Cập nhật 22/01/2014 06:47

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại buổi Luận đàm về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại buổi Luận đàm về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Thị trường BĐS đã ấm lên và xu hướng giao dịch đi lên là rõ rệt

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, thị trường BĐS đã ấm lên và xu hướng giao dịch đi lên là rõ rệt. Thứ trưởng cũng khẳng định, giá dự án BĐS đã giảm sâu về mức phù hợp với đại đa số người dân, thanh khoản thị trường từng bước được cải thiện, đặc biệt vào 2 quý cuối năm (Quý I là 800 giao dịch, quý II là 1050 giao dịch, quý III là 1800 và quý IV là 3000 giao dịch), dòng tiền đã quay trở lại đổ vào BĐS, những người có tiền mua nhà là những người có nhu cầu ở thực sự.

Thị trường đã "ấm"

Theo báo cáo tổng quan thị trường BĐS 2013 của Trung tâm nghiên cứu - Ngân hàng BIDV, thị trường BĐS có dấu hiệu ấm lên vào cuối năm đối với căn hộ có giá thấp dưới 15 triệu đồng/m2 và các căn hộ đã hoàn thiện hoặc có vị trí thuận lợi. Đến cuối năm 2013, tổng nguồn cung sơ cấp trong phân khúc này tại Hà Nội và TP.HCM ở mức khoảng 26.800 căn.

Phân khúc biệt thự, nhà liền kề, đất nền vẫn gặp nhiều khó khăn do mức giá đang bị đánh giá cao so với khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Tại Hà Nội, tổng nguồn cung biệt thự, nhà liền kề khoảng 42.400 căn đến từ 125 dự án. Tại TP.HCM, tổng nguồn cung sơ cấp biệt thự, liền kề khoảng 250 căn, giảm khoảng 24% so với 2012, trong đó có 120 căn được mở bán trong năm 2013. Đối với đất nền, tổng nguồn cung sơ cấp khoảng 1.200 nền, tăng gấp đôi so với 2012.

Giá BĐS năm 2013 tiếp tục có xu hướng giảm từ 10 - 30% so với năm 2011, nhất là tại các phân khúc nhà biệt thự, chung cư cao cấp với diện tích lớn. Thanh khoản thị trường từng bước được cải thiện, đặc biệt vào 2 quý cuối năm khi số lượng giao dịch nhà ở thành công tăng đáng kể so với đầu năm.

Cũng theo báo cáo, sau khi Thông tư số 02/2013/TT-BXD ban hành đã có khá nhiều dự án xin chuyển đối, điều chỉnh cơ cấu dự án. Cụ thể, có 57 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô khoảng 34.837 căn hộ; có 62 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với số lượng căn hộ ban đầu là 31.999 căn điều chỉnh thành 40.500 căn hộ. Tín dụng trong lĩnh vực BĐS gia tăng, nợ xấu BĐS từng bước được kiểm soát.

Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại của thị trường BĐS như: Hệ thống văn bản pháp lý được đánh giá là nhiều nhưng lại thiếu tính cụ thể, ổn định và chồng chéo giưa các đơn vị, địa phương. Công tác quy hoạch, quản lý thị trường còn yếu. Tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu vẫn diễn ra tại nhiều phân khúc của thị trường BĐS. Nguồn vốn cho thị trường còn hạn chế.

Gia tăng nguồn vốn cung ứng cho thị trường BĐS

Trước tình hình trên, BIDV kiến nghị: Thứ nhất, cần gia tăng nguồn vốn cung ứng cho thị trường BĐS, trong đó tập trung vào các dự án lớn, các dự án sắp hoàn thiện, đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khoanh nợ trong lĩnh vực BĐS; thứ hai, tái cơ cấu sản phẩm BĐS, tập trung vào phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, từng bước giảm mặt bằng chung mức giá trên thị trường BĐS; thứ ba, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư thông qua các biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường đồng thời tăng tính công khai minh bạch.

Để thực hiện các mục tiêu đột phá trên, trung tâm nghiên cứu BIDV cũng đề xuất Chính phủ và các cơ quan ban ngành xem xét triển khai các giải pháp lớn như: Đẩy mạnh tiến độ thành lập Cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia nhằm hình thành, phát triển thị trường cho vay thế chấp nhà ở thứ cấp chuyên nghiệp và là công cụ để Chính phủ thực hiện chính sách phát triển nhà ở quốc gia; tăng cường hình thành và sử dụng nguồn vốn từ các Quỹ phát triển nhà ở mua lại sản phẩm đầu ra của các dự án BĐS sẵn có đang gặp khó khăn về đầu ra để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đối tượng chính sách; xem xét, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS, xem xét nới tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp BĐS lên trên 49%; tăng nguồn vốn xử lý nợ xấu của VAMC, hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới để hoàn thiện đầu tư dự án…

Tại buổi luận đàm, ông Nguyễn Văn Bách - Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà ở và đô thị HUD, đại diện các DN cho biết, sở dĩ các dự án BĐS có giá cao bởi bị chi phối rất nhiều yếu tố như: Tiền bồi thường GPMB tốn kém, giá vật liệu xây dựng tăng cao, tiền sử dụng đất cao khiến giá thành bị đẩy lên. Ông Bách cũng kiến nghị, Nhà nước sớm ban hành quyết định chi tiết để triển khai việc mở rộng đối  tượng cho người nước ngoài mua nhà; đồng thời cần nghiên cứu có chính sách vay dài hạn đối với DN. Cũng theo ông Bách, một số nơi giá BĐS còn thấp hơn khung giá đất các tỉnh, TP nên nhiều khi DN phải nộp tiền chênh. Do vậy, tính minh bạch thông tin là rất cần thiết.

Cũng tại buổi Luận đàm, một số DN kiến nghị, Nhà nước nên chấp thuận các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70m2/căn hộ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay nguồn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng; mở rộng đối tượng được vay mua nhà; xem xét kéo dài thời gian hưởng mức lãi suất ưu đãi…

Trước những kiến nghị trên, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định sẽ xem xét đồng thời cho biết Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội đồng thời nghiên cứu đẩy nhanh tiến độ ban hành thông tư hướng dẫn việc công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để tạo thuận lợi cho người dân cũng như là doanh nghiệp. 

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN