Thị trường BĐS: Tìm thông tin chính thống ở đâu?

Cập nhật 05/11/2014 10:01

Cuối tuần qua, tại cuộc hội thảo về triển vọng thị trường bất động sản (BĐS), với sự tham gia của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Sở Xây dựng TP.HCM, các DN BĐS..., nhiều dự báo vẫn cho rằng, thị trường còn khó lắm!

Cuối tuần qua, tại cuộc hội thảo về triển vọng thị trường bất động sản (BĐS), với sự tham gia của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Sở Xây dựng TP.HCM, các DN BĐS..., nhiều dự báo vẫn cho rằng, thị trường còn khó lắm!


Cái khó ở đây là tính thanh khoản, đầu ra của sản phẩm. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay, có khoảng 3.200 căn hộ đã được bán ra trên thị trường, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn kho hơn 8.600 căn hộ.

Trong đó, 1.100 căn hộ tồn kho thuộc các dự án đang hoàn thiện hoặc chuẩn bị được hoàn thành, số còn lại là các căn hộ có diện tích lớn thuộc các dự án căn hộ ngoại thành, hoặc có hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, không thu hút người mua.

Tồn kho vẫn còn, dĩ nhiên! Điều này không thể đòi hỏi giải quyết trong một sớm, một chiều vì sản phẩm BĐS có giá trị không nhỏ. Nhưng xung quanh vấn đề này, Sở Xây dựng cũng "lên tiếng" rằng, thị trường đang thiếu các dự báo.

Nếu không muốn nói là "mạnh ai nấy dự báo", người thì cho rằng thị trường ấm lên, người thì bảo đang ảm đạm, còn tiếp tục khó khăn. Do đó, ngay từ bây giờ, cần có những nhận định, dự báo chính xác, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp (DN) định hướng được chiến lược phát triển, mà còn giúp người mua nhà tiếp cận sản phẩm phù hợp.

Chuyện Sở đề cập không sai! Điều này cũng từng được nhắc đi nhắc lại trong rất nhiều buổi đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước với DN. Nhưng, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính?

Câu trả lời là cả hai! DN muốn phát triển dự án, chí ít cũng phải thực hiện khâu nghiên cứu thị trường, rà soát quy hoạch phát triển dự án nhà ở trong khu vực lẫn toàn TP, kiểm tra lại "túi tiền" của mình, tránh trường hợp "có 3 xài 7", không biết "liệu cơm gấp mắm", xây dựng dự án chủ yếu nhờ vào tiền ngân hàng và huy động từ khách hàng, đến khi bán không xong thì dự án bất động...

Ngược lại, các cơ quan quản lý cũng không thể đứng ngoài cuộc, vì DN có ăn nên làm ra thì ngân sách nhà nước cũng thơm lây. Trước khi thị trường BĐS rơi vào cảnh đóng băng, hầu như các đối tượng tham gia thị trường không có thông tin chính thức về con số tồn kho căn hộ trên thực tế.

Thậm chí, đến khi khái niệm "căn hộ tồn kho" được nhắc nhiều thì lại xảy ra tình trạng mỗi đơn vị, mỗi công ty nghiên cứu thị trường, công ty quản lý quỹ, mỗi cá nhân... lại đưa ra những con số không khớp nhau. Ai nói thật? Ai đáng tin?

Trong khi, ở một số nước trong khu vực, điển hình như Singapore, nhà đầu tư hay người mua nhà muốn biết về tình hình thị trường, pháp lý, các khoản vay mua nhà... đều có thể dễ dàng tìm thấy ngay trên website của Cục Phát triển Nhà ở. Thiết nghĩ, tại sao phía cơ quan quản lý nhà nước của ta không là nơi cung cấp thông tin thường xuyên, chính thống và đáng tin cậy cho những ai tham gia vào thị trường BĐS?

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài Gòn