Thị trường BĐS: “Thuốc đắng dã tật” ?

Cập nhật 28/03/2014 15:11

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tới Chính phủ, tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (1,87%) so với tháng 12/2013. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư: 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng: 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở: 9.119.001 m2, tương đương 33.880 tỷ đồng; đất nền thương mại: 2.001.904 m2, tương đương 6.198 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tới Chính phủ, tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (1,87%) so với tháng 12/2013. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư: 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng: 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở: 9.119.001 m2, tương đương 33.880 tỷ đồng; đất nền thương mại: 2.001.904 m2, tương đương 6.198 tỷ đồng.


Với những số liệu trên có thể hình dung rằng thị trường BĐS đang ấm dần lên!

Trong bối cảnh đó, thông tin ngày 25/3, Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB) phối hợp cùng Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh sẽ cho ra mắt gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà được hy vọng là một cú huých.

Theo kế hoạch, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho xây dựng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất và mua, sửa chữa nhà ở trả chậm. Mục tiêu của gói tín dụng nhằm khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ.

Tuy nhiên hiệu ứng, hiệu quả của gói tín dụng này đến đâu vẫn là một câu hỏi bởi theo thông cáo báo chí vừa phát đi từ NHNN con số giải ngân mới đối với gói hỗ trợ nhà ở xã hội  tăng đến 64% so với cuối năm ngoái, nhưng cũng chỉ đạt 4% tổng gói vay này. Tính đến 15-3-2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỉ đồng; trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỉ đồng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ dù được cải thiện trong vài tháng gần đây song vẫn quá chậm so với mục tiêu đề ra.

Cách đó không lâu cũng đã rộ lên thông tin ngành xây dựng chủ trì phối hợp với một số ngân hàng thương mại và các ngành chức năng nghiên cứu Đề án Ngân hàng tái cho vay thế chấp nhà ở với gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin này ngay lập tức đã được Bộ Xây dựng  và NHNN bác bỏ.

Nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là tại các thành phố lớn là rất lớn, thậm chí là ước mơ của nhiều người nhưng vẫn còn có khoảng cách khá xa giữa nhu cầu và khả năng chi trả. Trong khi đó các nhà đầu tư thì vẫn đang giai đoạn “trông giỏ, bỏ thóc”. Giá BĐS bất hợp lý có thể coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Nói như vậy để thấy rằng, thị trường BĐS không nên trông chờ quá nhiều từ những gói hỗ trợ, bởi nó chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Nói cách khác, nếu các DN bất động sản không tự tìm cách cứu mình thì chẳng một ai có thể cứu được họ. Việc  tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (TP HCM) hay dự án Mường Thanh (Hà Nội) giảm giá sốc trong năm 2013 có thể coi là một “liều thuốc đắng” đối với thị trường BĐS nhưng  đã tạo ra một “mặt bằng giá mới” và ít nhiều cũng mang lại những thành công cho chủ đầu tư.

Vì vậy, bỏ qua những con số khủng của các gói cứu trợ, điều mà thị trường cần lúc này có lẽ không phải là liều thuốc “an thần” hay “thuốc bổ” mà là một liều thuốc đặc trị dù biết rằng đôi khi “thuốc đắng” mới “ dã tật”… Giải pháp tiếp tục giảm giá, thậm chí là cắt lỗ là điều DN có thể sẽ phải tính đến !.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh nghiệp