Thị trường bất động sản nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn. Có ý kiến cho rằng, thị trường sẽ còn ảm đạm, giá tiếp tục giảm và không ít doanh nghiệp địa ốc phải rời khỏi "cuộc chơi". Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khó khăn của thị trường chỉ mang tính tạm thời và sẽ phục hồi trong thời gian tới.
Thị trường bất động sản nhìn chung đang gặp nhiều khó khăn. Có ý kiến cho rằng, thị trường sẽ còn ảm đạm, giá tiếp tục giảm và không ít doanh nghiệp địa ốc phải rời khỏi "cuộc chơi". Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khó khăn của thị trường chỉ mang tính tạm thời và sẽ phục hồi trong thời gian tới.
PV ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý về thị trường bất động sản.
"Nhiều doanh nghiệp tay không bắt giặc"
TS Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Thị trường bất động sản là một trong trong những lĩnh vực có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vốn là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của thị trường bất động sản. Về nguyên tắc, nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản phải lớn và dài hạn. Song, thực tế ở nước ta, vốn dành cho bất động sản thường có thời hạn ngắn hay còn gọi là vốn "nóng", nghĩa là vốn tham gia vào thị trường rất nhanh, song cũng rút ra rất nhanh và gắn liền với hoạt động đầu cơ.
Mới đây, cán bộ của một ngân hàng lớn cho tôi xem danh sách 5 vạn khách hàng là các doanh nghiệp. Điều đáng nói ở đây là trong số đó có đến 90% khách hàng có nguồn vốn thực để đầu tư chỉ khoảng 15 - 20%, phần vốn còn lại là đi vay. Từ đây cho thấy, không ít doanh nghiệp địa ốc lâu nay "tay không bắt giặc", nên khi ngân hàng vừa siết tín dụng là các doanh nghiệp "la toáng" lên.
Theo tôi, hiện Việt Nam có khá nhiều kênh huy động cho thị trường bất động sản. Ngoài nguồn vốn tín dụng, vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài, vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp, thì một nguồn vốn đặc biệt quan trọng là vốn dân cư. Đây là nguồn vốn được sử dụng đầu tư vào bất động sản rất lớn, do đa số người dân đều coi bất động sản là tài sản lớn, quan trọng và muốn chiếm hữu bất động sản không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mà còn cho nhu cầu đầu tư. Tóm lại, nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm lực rất lớn, vấn đề là làm thế nào để tạo dựng và khơi thông được các kênh đầu tư trên thị trường một cách ổn định, bền vững.
"Thị trường như con thuyền không có người lái chính"
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Thị trường bất động sản hiện tồn tại nhiều bất cập, thực trạng giá nhà đất quá cao, khủng hoảng thiếu - thừa trên từng phân khúc… Điều này không phải chỉ có lỗi của doanh nghiệp và nhà đầu cơ, mà còn có lỗi do công tác quản lý. Thị trường đang giống như con thuyền không có người lái chính. Tình hình này kéo dài, sắp tới có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, phải bán tháo dự án hoặc bán luôn doanh nghiệp.
Theo tôi, để cứu thị trường bất động sản, bản thân doanh nghiệp phải chủ động trong việc đầu tư, kinh doanh bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật trong thiết kế và thi công để tiết giảm chi phí, từ đó cho ra giá thành sản phẩm thấp. Song điều quan trọng hơn vẫn là sự hỗ trợ từ Nhà nước. Thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, nhưng mang tính phân loại, không thể đánh đồng cho tất cả loại hình bất động sản. Hỗ trợ người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở được vay vốn mua nhà.
Lấy một ví dụ, nếu Nhà nước cho người dân vay tiền mua nhà dưới 500 triệu đồng/căn, thì 10.000 căn cũng mới chỉ tương đương 5.000 tỷ đồng, khoảng hơn 2% dư nợ ngân hàng, nhưng hiệu quả kinh tế xã hội là rất lớn. Đây chính là vấn đề an sinh xã hội.
"Doanh nghiệp lâm vào tình trạng rất khó khăn"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản TP. HCM lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn. Giá đầu vào tăng, trong đó lớn nhất là chi phí giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, giá nguyên vật liệu đầu vào như xi măng, sắt thép, xăng dầu, điện, giá nhân công… đồng loạt tăng cao. Thêm vào đó, lãi vay quá cao khiến chi phí bị đội lên rất nhiều. Trong khi đó, giao dịch sụt giảm mạnh, có doanh nghiệp không bán được hàng, bị mất khả năng cân đối tài chính.
6 tháng đầu năm, toàn TP. HCM chỉ có 5 dự án được thi công, 1.691 căn hộ cung ứng cho thị trường. Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay. Có nhiều nguyên nhân, song theo tôi, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khó khăn này là do chính sách tín dụng bị thắt quá chặt, lãi suất tăng cao, dẫn đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng không tiếp cận được nguồn vốn. Một nguyên nhân khác, đó là do sự đầu tư "lệch pha" của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến cơ cấu sản phẩm không hợp lý.
Để giúp thị trường qua giai đoạn khó khăn này, theo tôi, Chính phủ nên xem xét có lộ trình giảm dần lãi suất và tạo điều kiện cho một số dự án khả thi được vay vốn ngân hàng; xem xét sửa đổi Nghị định 69/2009/NĐ-CP về việc nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường, vì nếu thực hiện đúng theo quy định này, hàng loạt dự án sẽ bị ách tắc, do số tiền DN phải đóng quá cao.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán