Có những dấu hiệu tốt, nhưng cũng có những dấu hiệu bất lợi cho thấy khó có thể sớm khởi động lại thị trường bất động sản (BĐS)...
Có những dấu hiệu tốt, nhưng cũng có những dấu hiệu bất lợi cho thấy khó có thể sớm khởi động lại thị trường bất động sản (BĐS)...
Hy vọng hé mở
Mới đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định thay đổi kế hoạch sử dụng gói giải pháp 700 tỷ USD. Thay vì mua lại các khoản nợ xấu như ban đầu, gói tài chính này sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính để khuyến khích cho vay, trong đó có khoản cho vay bất động sản và tín dụng tiêu dùng.
Khi số tiền này được bơm vào ngân hàng, sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục có điều kiện bơm cho thị trường bất động sản, nhằm giải quyết tình trạng đóng băng hiện nay. Bên cạnh đó, việc cho tín dụng tiêu dùng, giãn nợ và hỗ trợ thị trường sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thông tin này dù rất xa xôi nhưng cũng làm lóe lên tia hy vọng ở một số người trong giới kinh doanh ở Việt Nam.
Giới kinh doanh địa ốc cũng có ý nghĩ cho rằng khi ngân hàng Mỹ được thanh khoản, nước Mỹ sẽ giải quyết được khá nhiều vấn đề. Trong đó, thị trường địa ốc nếu có chuyển động, chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế các nước.
Ở Việt Nam, cộng với dấu hiệu sáng sủa nhất là ngân hàng đã có động thái cho vay lại trong lĩnh vực BĐS, và lãi suất cũng đã hạ dần, đó là những yếu tố hy vọng để thị trường có thể khởi động lại.
Băng quá cứng!
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những tín hiệu tốt vừa qua vẫn không thể đẩy khối băng đã quá cứng.
Một chuyên gia kinh tế ở TP.HCM cho rằng, gói giải pháp 700 tỷ USD của Chính phủ Mỹ chỉ như liều thuốc an thần, chứ không thể làm xoay chuyển các khoản nợ xấu liên quan đến các chứng khoán được đảm bảo bởi danh mục cho vay thế chấp bất động sản và nghĩa vụ nợ có đảm bảo lên đến 10.000 tỷ USD mà các định chế tài chính đang nắm giữ.
Điều thấy rõ là thị trường BĐS ở Việt Nam chịu sự phụ thuộc khá lớn ở nhà đầu tư nước ngoài. Nên khi nhà đầu tư nước ngoài chưa giải phóng được tình cảnh của họ, thì thị trường BĐS trong nước vẫn chưa thể có cơ hội chuyển động trở lại.
Dẫu ngân hàng trong nước có động thái cho vay lại BĐS và lãi suất đã có hạ, nhưng giới kinh doanh địa ốc cho rằng lãi suất vẫn còn ở mức khá cao, doanh nghiệp chưa thể vay được.
Ông Lâm Văn Chúc, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức, nói rằng kinh doanh BĐS mất thời gian dài, nên lãi suất khoảng 15%/năm chưa thể giúp doanh nghiệp mạnh tay vay. Ông cho rằng để hỗ trợ thị trường BĐS, lãi suất tín dụng khoảng bằng một nửa hiện tại mới vừa sức của doanh nghiệp.
Giám đốc Công ty địa ốc V.H. nhận định, một trong những đặc điểm của thị trường BĐS Việt Nam là người ta mua đi bán lại lòng vòng sang tay. Vậy nên sắp tới đây khi ngày 1/1/2009 thuế thu nhập cá nhân được thực hiện, giới môi giới sẽ khó kiếm ăn, việc mua bán sẽ tiếp tục chìm lắng.
Hiện giá BĐS đã giảm từ 30 đến 70%, nhưng theo dấu hiệu thị trường những ngày qua, dù không giảm mạnh nữa nhưng giá nhà đất vẫn còn lừng khừng theo hướng đi xuống.
Khu đô thị Mỹ Phước 3 là một trong những ví dụ tiêu biểu. Ở thời điểm cao giá, đất nền ở đây lên đến 5-6 triệu/m2, nhưng hiện nay đang được rao bán nhan nhản với giá chỉ 1,3 đến 1,7 triệu/m2, nhưng vẫn không có người mua.
Vậy nên, dù có lóe lên chút tia hy vọng, nhưng viễn cảnh một thị trường được khởi động trở lại vẫn còn khá xa.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet