Các chuyên gia nhận định, năm 2013 là thời khắc thị trường bất động sản (BĐ) bắt đầu "tan băng".
Các chuyên gia nhận định, năm 2013 là thời khắc thị trường bất động sản (BĐ) bắt đầu "tan băng".
Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House): Thời điểm kết thúc chu kỳ khủng hoảng
Hiện nay, thị trường có khối lượng hàng tồn kho quá lớn, dư cung ở hầu hết các phân khúc, trừ phân khúc nhà bình dân. Do đó, việc giải quyết lượng hàng tồn kho lớn này cần có một thời gian khá dài và phải được sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Ngoài ra, Chính phủ đang có chính sách cơ cấu lại thị trường, hoãn và tạm dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng nhằm hạn chế nguồn cung. Dự báo, dòng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS tiếp tục giảm, do nhiều dự án sẽ bị trì trệ và nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi dự án.
Vì vậy, thị trường BĐS trong giai đoạn đầu năm 2013 sẽ tiếp tục đà giảm giá do hiện cung đang vượt cầu. Kỳ vọng đến quý IV/2013, mặt bằng giá mới dần ổn định và thanh khoản thị trường sẽ dần được cải thiện.
Trong năm 2013 sẽ là năm bùng nổ nguồn cung căn hộ ở phân khúc nhà bình dân nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ khốc liệt hơn, người mua sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Năm 2013 cũng là năm dành cho các nhà đầu tư táo bạo, còn nắm nhiều tiền mặt, có thể thu gom, mua lại nhiều dự án giá rẻ chờ thị trường phục hồi sẽ hưởng lợi. Đối với khu vực FDI, các nhà đầu tư Đông Á và khu vực Asean sẽ tiếp tục quan tâm đến thị trường.
Thị trường BĐS Việt Nam chỉ mới hình thành được 18 năm với ba chu kỳ tăng trưởng và suy giảm. Tôi tin rằng, năm 2013 sẽ là năm kết thúc của chu kỳ thứ 3 để bước vào một thời kỳ phát triển mới cả về quy mô, phương pháp đầu tư, chất lượng...
Ông Lloyd Nathan, CEO Asian Coast Development Limited (Canada): Cải thiện hạ tầng sẽ kích BĐS nghỉ dưỡng phát triển
Theo tôi, một trong những nguyên nhân tác động đến thị trường BĐS là cơ sở hạ tầng. Đây là một thách thức đối với nhiều loại hình BĐS trên thế giới, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng.
Nhắc đến giao thông đường bộ, tin tốt là trong hai năm qua, quốc lộ 51, kết nối các tỉnh miền Đông như: TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã được cải thiện rất nhiều, mở rộng đến 4 - 6 làn đường. Sự phát triển này góp phần rút ngắn khoảng cách đường đi và thời gian một cách đáng kể của nhà đầu tư, của khách hàng...
Đặc biệt, đối với khu vực đang phát triển nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng hiện nay như Hồ Tràm thì việc di chuyển từ TP.HCM đến đây chỉ mất hai giờ đồng hồ. Hơn nữa, dù sân bay quốc tế Long Thành chưa đi vào hoạt động nhưng hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang tiến triển tốt...
Việc ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong thời gian gần đây và những năm tới sẽ giúp thị trường BĐS, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng có thêm nhiều cơ hội phát triển.
TS. Đinh Thế Hiển: Xuất hiện nhu cầu đầu tư khá mạnh trong khoảng đầu năm 2014
Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, thị trường BĐS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mức tiêu thụ còn thấp. Nguồn cung từ xử lý nợ của ngân hàng cũng như các DN tiếp tục chào bán dự án mới sẽ gây sức ép giảm giá và tạo tâm lý "chờ" của những khách hàng có nhu cầu thực.
Ngoài ra, nguồn vốn đổ vào BĐS sẽ vẫn còn hạn chế do nhà đầu tư cá nhân có tâm lý chờ đợi, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán suy thoái, còn vốn ngân hàng đang trong quá trình cơ cấu và chính sách tiền tệ của Chính phủ vẫn còn thận trọng.
Trong quý II, III/2013, thị trường BĐS từng bước phục hồi do thời điểm này nguồn vốn ngân hàng đã ổn định và sẵn sàng cho các căn hộ có giá trị sử dụng tốt và thu hút người mua. Hơn nữa, giá cả cũng đã ổn định.
Theo tôi, quý IV/2013 và đầu năm 2014, thị trường BĐS có khả năng xuất hiện nhu cầu đầu tư khá mạnh, lan tỏa ra khu vực lân cận TP.HCM cho nhiều phân khúc đất nền và căn hộ. Song, chỉ những BĐS được đầu tư đúng mức, có giá trị sử dụng và tạo dựng không gian sống tốt mới mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Park Hee Hong - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Daewon Cantavil (Hàn Quốc): Cuối 2013 thị trường BĐS sẽ bắt đầu hồi sinh
Nền kinh tế hiện đang khó khăn và chúng tôi cũng đang đối diện với không ít khó khăn trong việc triển khai các khoản đầu tư tại Việt Nam. Điển hình như dự án khu nghỉ dưỡng tại Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu (được phát triển bởi Công ty liên doanh Phát triển nhà Daewon Thủ Đức) hiện đang bị trì hoãn do tình hình kinh tế.
Chúng tôi đang cố gắng để vượt qua những khó khăn thông qua việc tập trung dòng tiền để hoàn thành các dự án đang triển khai, giảm thiểu các chi phí và điều chỉnh tiến độ của các dự án. Riêng về thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2013, không dễ dàng để đưa ra những dự đoán.
Theo tôi, năm 2013, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí là rất khó. "Chịu đựng và sự sống còn" có lẽ là những từ ngữ được dùng để diễn tả tình hình của doanh nghiệp BĐS trong năm 2013. Nhưng tôi cũng hy vọng rằng, đến cuối năm 2013, thị trường sẽ bắt đầu một cuộc hồi sinh.
Những con số của năm 2012
- 50 tỷ USD: Theo số liệu thống kê được báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, ước tính, dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS có giá trị xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD), chiếm 50% tổng dư nợ cả nước.
- 85.000 tỷ đồng: Là dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn TP.HCM, chiếm 10,6% trong tổng dư nợ trên địa bàn; trong đó, cho vay đầu tư kinh doanh BĐS là 66.084 tỷ đồng, cho vay khác (cho vay mua nhà để ở, cho vay mua nhà cho công nhân thuê, xây nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở KCX-KCN) là 18.916 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS khoảng 4.145 tỷ đồng, chiếm 6,27% tổng dư nợ kinh doanh BĐS. So với cả nước, dự nợ cho vay BĐS tại TP.HCM chiếm 58% trong tổng dư nợ cho vay kinh doanh BĐS của cả nước. Nợ xấu thuộc lĩnh vực này chiếm 29,8% tổng nợ xấu cho vay kinh doanh BĐS cả nước.
- 40.750 tỷ đồng: Là tổng giá trị hàng tồn kho BĐS tính đến ngày 30/8/2012. Cụ thể, 44 tỉnh-thành đang tồn kho 16.469 căn hộ chung cư; 5.176 căn hộ thấp tầng; 1.624.000 m2 đất nền; 25.870m2 văn phòng và trung tâm thương mại. Tồn kho tập trung chủ yếu ở hai TP.Hà Nội và TP.HCM.
- 1.318: Là số dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM theo thống kê của Sở Xây dựng thành phố. Trong đó:
+ 120 dự án hoàn thành với tổng số căn hộ khoảng 24.600 căn.
+ 882 dự án đang triển khai với 456.006 căn.
+ 242 dự án giao chủ đầu tư nhưng chưa triển khai.
+ 37 dự án tạm dừng.
+ 37 dự án điều chỉnh cơ cấu nhà ở, quy hoạch.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn