Thị trường BĐS hồi phục nhờ “chiến lược nhà ở quốc gia”?

Cập nhật 13/07/2015 14:53

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, phát sóng tối 12-7 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định thị trường bất động sản có những dấu hiệu hồi phục như hiện nay là kết quả của việc “gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia”.

Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, phát sóng tối 12-7 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định thị trường bất động sản có những dấu hiệu hồi phục như hiện nay là kết quả của việc “gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thăm một gia đình công nhân ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, hiện đang ở trong một dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Ảnh: Mạnh Tùng

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nói thị trường bất động sản phục hồi, có giao dịch nhiều là do đầu cơ là không đúng, vì giai đoạn 2011-2013, thị trường đóng băng lúc đó không có đầu cơ hoặc rất ít đầu cơ.

Theo ông Dũng, trong giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được thực hiện, một quan điểm chìa khoá mở cửa cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại là gắn phá băng thị trường với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia.

Cụ thể, đó là các giải pháp cấu trúc lại thị trường, dự án, sản phẩm bất động sản để đa dạng hoá các sản phẩm hướng tới người tiêu dùng, phù hợp với nhiều đối tượng có khả năng chi trả khác nhau, chuyển từ khu vực dư thừa sang khu vực thiếu nguồn cung.

Tiếp đó, ông Dũng nhận định, khi giao dịch bất động sản tăng lên thì khả năng đầu cơ trở lại là điều không tránh khỏi, vấn đề chính là phải kiểm soát không để thị trường nóng tạo ra bong bóng bất động sản. Muốn làm được điều này, trước hết cần tăng cường kiểm soát sự phát triển của các đô thị, kiên trì các giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, tức là cân đối cung cầu.

“Chiến lược nhà ở quốc gia đưa ra cầu để cải thiện nhà ở cho người dân thì thị trường bất động sản cũng phải đáp ứng cầu đó, nếu được như vậy chắc chắn sẽ phát triển bền vững”, ông Dũng nói.

Có thể thấy, trong suốt chương trình, ông Dũng đã nhắc khá nhiều đến chiến lược nhà ở quốc gia (Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030) do Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính phủ ban hành tháng 11-2011. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, chiến lược nhà ở quốc gia và những chính sách liên quan đến thị trường bất động sản có tác động rất lớn, xoay chuyển tình hình bất động sản từ đóng băng, “bất động” sang hồi phục, có dấu hiệu “ấm” lên.

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp địa ốc nào cũng tán thành nhận định đó. Theo khảo sát, rất ít doanh nghiệp địa ốc tại TPHCM biết đến chiến lược phát triển nhà ở quốc gia này vì họ không mấy quan tâm đến những chính sách xa vời với việc kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thị trường bất động sản có dấu hiệu tốt lên từ cuối năm 2013 đến nay, cũng không thể phủ nhận những tác động tích cực từ chính sách, nhưng không khu trú trong Chiến lược nhà ở quốc gia. Theo đó, chính những căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ đã “cứu” thị trường bất động sản và nhiều doanh nghiệp trong ngành này. Do đó, chính sách nới lỏng việc chia nhỏ căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển căn hộ giá rẻ dành cho các đối tượng thu nhập thấp… của Bộ Xây dựng phần nào đã phát huy tác dụng.

Ngoài ra, những thay đổi trong pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản kể từ ngày 1-7 như việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà, bắt buộc chủ đầu tư phải được bảo lãnh dự án hình thành trong tương lai trước khi bán, giao dịch bất động sản không nhất thiết phải qua sàn… cũng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường có những diễn biến tích cực. Tất nhiên, cần chờ thời gian ít nhất nửa năm để nhận ra những chuyển biến đó.

Chính sách, chiến lược về nhà ở luôn cần thiết cho thị trường bất động sản, đặc biệt trong giai đoạn thị trường đang cố vực dậy sau cơn khủng hoảng. Song, điều mà doanh nghiệp mong đợi từ cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản là những cụ thể hóa dễ nhớ, dễ thực hiện hơn là những chỉ số và kế hoạch mơ hồ về nhà ở.

Do đó, nhiều chủ doanh nghiệp đang mong chờ những cụ thể hóa chiến lược phát triển nhà ở quốc gia này từ  Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nếu ông trở thành nhân vật chính của một chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tiếp theo.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG